Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi liên tục kéo đến nhà người khác tạt sơn, mắm tôm để buộc trả nợ thay là hành vi khủng bố, uy hiếp tinh thần, gây áp lực, đủ yếu tố cấu thành tội để xử lý hình sự. Tuy nhiên, vấn đề này phụ thuộc vào quyết tâm của cơ quan điều tra ra sao.
Liên quan đến vụ việc gia đình cô giáo tại Q.Bình Tân (TP.HCM) bị nhóm đòi nợ thuê liên tục "khủng bố" suốt nhiều tháng mà Báo Thanh Niên phản ánh ngày 12.10 trong bài Đòi nợ thuê thách thức cơ quan công quyền, chiều cùng ngày, PV đến Công an P.Bình Trị Đông mong muốn làm rõ thêm, đặc biệt là trách nhiệm của công an địa phương khi để vụ việc kéo dài, khiến người dân hoang mang, dư luận bức xúc, luật pháp bị xem thường. Đại diện Công an P.Bình Trị Đông không trả lời trực tiếp mà hướng dẫn PV đến Công an Q.Bình Tân "sẽ có bộ phận trả lời". Tại Công an Q.Bình Tân, đợi một lúc lâu, đại diện phòng tiếp dân trả lời: Lãnh đạo bận họp nên chưa thể trả lời ngay được, đề nghị PV ghi lại câu hỏi phỏng vấn và người đại diện sẽ trả lời sau.
Công an “làm đúng quy trình”
Trước đó, trưa 11.10, PV Thanh Niên đến Công an P.3 (Q.Bình Thạnh) đề nghị cung cấp thêm thông tin về việc giải quyết nội dung trình báo của bà H. (chủ tiệm rửa xe, quán cà phê phản ánh bị thiệt hại bởi người của công ty đòi nợ thuê, đã nêu trong bài viết nói trên), nhưng một người tên Nghĩa, tự xưng là Phó trưởng công an P.3, yêu cầu PV lên xin giấy giới thiệu của Công an Q.Bình Thạnh thì mới trả lời vì “đó là quy định của Ban Chỉ huy công an quận”. Ông Nghĩa nói: “Công an phường có tiếp nhận vụ việc trên và làm đúng theo quy trình của ngành; đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc lên Công an Q.Bình Thạnh điều tra xử lý. Bước đầu cho thấy, công ty đòi nợ vi phạm là chưa thông báo cho chính quyền địa phương mà đến đòi nợ”.
|
Ngày 12.10, trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng công an Q.Bình Thạnh, nói: “Công an P.3 có tiếp nhận trình báo vụ việc một công ty thu hồi nợ đến địa điểm đường Vạn Kiếp, P.3, Q.Bình Thạnh, đòi nợ một người thân của chủ nhà, gây ảnh hưởng đến hoạt động của hai cơ sở kinh doanh của bà H. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh của bà H. còn bị tạt sơn, mắm tôm. Sau khi tiếp nhận, công an phường đã thực hiện đúng quy trình, nghiệp vụ để phục vụ công tác điều tra. Hiện Ban chỉ huy quận đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ của quận khẩn trương vào cuộc điều tra vụ việc, nếu phát hiện vi phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó, không bao che”.
Trả lời câu hỏi: Công an P.3, Công an Q.Bình Thạnh có đưa ra biện pháp nghiệp vụ phòng chống, đấu tranh đối với nhóm đòi nợ thuê nói trên không, nếu có thì vì sao nhóm người này liên tục gây cản trở việc kinh doanh người dân và tạt sơn, mắm tôm hai lần, ông Thắng nói: “Sau khi tiếp nhận vụ việc, công an phải có kế hoạch đấu tranh và bảo vệ người dân an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, vụ việc đang trong giai đoạn điều tra nên chưa thể cung cấp được gì”.
Xem xét trách nhiệm cán bộ, công chức liên quan
Cùng ngày 12.10, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (phụ trách lĩnh vực nội chính), cho biết đã xem bài Đòi nợ thuê thách thức cơ quan công quyền đăng trên Thanh Niên và khẳng định: “Đòi nợ kiểu “xã hội đen” rõ ràng là vi phạm pháp luật. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu không vay, mượn, mà nhóm người đó đến nhà nhiều lần uy hiếp, khủng bố tinh thần, hủy hoại tài sản là vi phạm pháp luật. TP đã có chỉ đạo công an vào cuộc điều tra, củng cố hồ sơ, chứng cứ để xem xét xử lý hình sự. TP cũng yêu cầu công an và chính quyền Q.Bình Tân có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và cuộc sống sinh hoạt cho gia đình cô Hiếu”, ông Mạng nói.
Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cũng cho biết đã yêu cầu công an quận khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm nhóm đòi nợ kiểu giang hồ một cách vô cớ đối với gia đình cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu. Ông Thinh cam kết lực lượng chức năng của quận sẽ đảm bảo an toàn cho gia đình cô Hiếu trở về nhà mình sinh sống, không phải đi lánh nạn nữa. “Quận đang rà soát lại trách nhiệm tiếp nhận thông tin phản ánh của nạn nhân đến lực lượng chức năng của quận. Nếu thực tế đã có tiếp nhận mà không có biện pháp can thiệp kịp thời, thì quận phải rút kinh nghiệm trong điều hành, quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức có liên quan”, ông Thinh nói.
Xử hình sự làm án lệ
Với những phát biểu, chỉ đạo như trên, người dân hy vọng những vụ việc mà báo phản ánh sẽ được xử lý dứt điểm, truy trách nhiệm tới cùng. Thế nhưng, điều người dân mong mỏi là chính quyền, ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng này, chứ không chỉ là sự vụ khi dư luận bức xúc lên tiếng.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) phân tích: người bị uy hiếp tinh thần để trả nợ thay, dù là quan hệ ruột thịt với người nợ thì họ cũng không có nghĩa vụ và trách nhiệm phải trả nợ thay vì người nợ đã đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi. Việc đòi nợ một cách bất hợp pháp phải bị xử lý trách nhiệm. “Nếu hậu quả hạn chế thì hành vi ném mắm tôm, sơn, rác vào nhà người khác thì bị xử phạt hành chính từ 1 - 2 triệu đồng theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là "buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu". Nếu các hành vi vi phạm gây hư hỏng tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản. Trường hợp đi đòi nợ mà tự tiện vào nhà, dù là nhà của ai, mà chưa có sự đồng ý của chủ nhà thì có dấu hiệu tội xâm phạm chỗ ở của công dân”, luật sư Công nói và cho rằng để xảy ra những vụ việc như vừa qua có phần trách nhiệm rất lớn của lực lượng công an địa phương. “Trách nhiệm của công an địa phương ở đâu khi để các hành vi trên gây mất trật tự trị an, gây thiệt hại đến tài sản, tinh thần của người dân? Có thể việc giải quyết các loại tội phạm này là phức tạp, tốn nhiều công sức nhưng đây là trách nhiệm của lực lượng công an mà luật đã quy định. Để người dân liên tục kêu cứu, rồi phải đi lánh nạn thì công an những địa phương này cần xem lại trách nhiệm”, luật sư Công bày tỏ.
Còn theo nguyên Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long, dấu hiệu cơ bản của tội “khủng bố” theo điều 299 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) chính là người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng; mặt khách quan là có hành vi đe dọa thực hiện việc xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của người khác hoặc có những hành vi uy hiếp tinh thần; mặt khách thể thì hành vi phạm tội xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, đồng thời xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác, xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. “Khoản 3 điều 299 nêu rất rõ phạm tội trong trường hợp có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Đối chiếu với những vụ việc mà báo phản ánh thì thấy hành vi của các đối tượng đòi nợ là phạm tội rõ ràng, nếu không xử làm gương, làm án lệ thì kiểu đòi nợ thuê biến tướng này còn gây bức xúc, hoảng sợ trong công chúng, thách thức cơ quan công quyền. Đến khi gây thiệt hại thì cơ quan chức năng can thiệp đã quá muộn”, ông Long nhấn mạnh.
Công an mạnh tay là yên ngay !
Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài phản ánh vụ Cụ ông xin từ con vì liên tiếp bị khủng bố buộc trả nợ thay, công an địa phương vào cuộc điều tra thì gia đình cụ Hồ Tăng Quang (95 tuổi, ở số 204 - 206 Võ Thành Trang, P.11, Q.Tân Bình, TP.HCM) được sống trong yên ổn một thời gian. Tuy nhiên, mới đây nhà cụ Quang lại tiếp tục bị ném dầu nhớt. “Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh và công an vào cuộc thì gia đình tôi yên được một thời gian. Tới nay, tôi cũng chưa biết công an điều tra và xử lý được gì chưa vì không nghe thông báo gì cả. Giờ lại bị ném dầu nhớt tiếp nữa nên tôi cũng rất lo lắng, không biết yên ổn sống được bao lâu nữa!”, cụ Quang nói.
|
Bình luận (0)