Bệnh bạch hầu nguy hiểm ra sao?
Sáng 14.7, BS Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế Bình Phước cho biết đã có thêm 10 ca mắc bệnh bạch hầu nhập viện với các triệu chứng tương tự nhau, nâng số bệnh nhân bạch hầu lên 47.
Về thông tin 3 ca bệnh tử vong, Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết bệnh nhân đầu tiên sinh năm 1998. Sáng 27.6 bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho nhiều, sốt nhẹ. Trạm y tế Thuận Lợi chẩn đoán viêm amidan. Bác sĩ cho uống kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Tuy nhiên bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện tuyến trên. Tại đây, bệnh nhân đã bị sốc tim do viêm cơ tim nghi do vi rút và tử vong ngày 30.6.
Ca bệnh thứ 2 là bệnh nhân sinh năm 2004, cũng ngụ ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, H.Đồng Phú. Ngày 24.6, bệnh nhân cũng có biểu hiện đau họng, sưng cổ bên trái, sốt nhẹ, đau đầu, ho nhiều. Bệnh nhân tự mua thuốc tại phòng khám tư nhưng không đỡ. Sau đó, gia đình chuyển lên tuyến trên điều trị, nhưng đến ngày 29.6 đã tử vong vì sốc nhiễm trùng áp xe vùng cổ.
Ca bệnh thứ 3 là bệnh nhân sinh năm 1992, ngụ xã Thuận Phú, H.Đồng Phú, Bình Phước. Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 26.6 với biểu hiện mệt mỏi, sốt, đau họng. Bệnh nhân tự mua thuốc uống 1 ngày không đỡ nên đến bệnh viện địa phương khám và nhập viện vì viêm amidan hóa mủ. Sau 10 ngày điều trị không khỏi, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tại TP.HCM điều trị vì có biểu hiện bệnh viêm cơ tim biến chứng. Đến ngày 8.7, bệnh nhân tử vong vì viêm cơ tim biến chứng, choáng tim.
tin liên quan
Ổ bệnh bạch hầu ở Bình Phước, 3 người tử vongTối qua, tin từ Viện Pasteur, cho biết ngoài 3 ca tử vong nói trên, tại Bình Phước hiện có 26 trường hợp mắc hội chứng amidan, trong đó có 4 mẫu xét nghiệm dương tính bệnh bạch hầu.
Theo thống kê của tỉnh Bình Phước, căn bệnh này xuất hiện từ cuối tháng 6. Tính đến ngày 12.7, số ca mắc phải chùm bệnh bạch hầu là 31 người (xã Thuận Lợi có 30 ca, xã Thuận Phú có 1 ca). Ngoài 3 nạn nhân đã tử vong, 6 ca đã xuất viện thì vẫn còn 22 ca đang điều trị tại Trạm y tế xã Thuận Lợi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)…
Do đâu mắc bệnh bạch hầu ?
Trả lời về vấn đề này, GS-TS-BS Nguyễn Thanh Bảo - Khoa Vi sinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 - 10 tuổi bị nhiều nhất do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn, khả năng miễn dịch thấp nên dễ bị bệnh hơn.
Bên cạnh đó, Viện Pasteur TP.HCM thông tin thêm, bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc, bệnh lây theo đường hô hấp do trực khuẩn bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria). Vi khuẩn bạch hầu xâm nhập cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp (gây bệnh bạch hầu họng, thanh quản); màng tiếp hợp mắt (gây bệnh bạch hầu mắt); thính giác (bạch hầu tai); da tổn thương (bạch hầu da)… Thể bệnh bạch hầu họng (thường gặp): Bệnh cảnh lâm sàng là viêm họng giả mạc và nhiễm độc toàn thân. Trực khuẩn bạch hầu sống rất lâu trong giả mạc và trong họng của những bệnh nhân đang ở thời kỳ lại sức (ở chỗ viêm, tới 6 tháng sau cấy vi khuẩn vẫn còn mọc). Người ta cũng thấy nó sống rất lâu (tới vài tháng) trên các đồ chơi của trẻ em bị bệnh bạch hầu, trên áo choàng của nhân viên y tế, trong các buồng bệnh điều trị bạch hầu.
Về thông tin cho rằng bệnh thường gặp vào mùa đông - xuân, nhưng hiện nay là chính hè bệnh lại bùng phát khiến cho mọi người lo ngại về tính bất thường của dịch bệnh, bác sĩ Thanh Bảo cho biết, trước đây bệnh thường phổ biến và dễ bùng phát vào mùa đông - xuân, nhưng từ khi có vắc xin phòng ngừa chúng ta đã kiểm soát được bệnh. Tuy nhiên, hiện nay bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hơn nữa, chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bị lây nhiễm. Vi khuẩn bạch hầu thường gặp nhất ở bệnh viêm họng. Viêm họng tạo màng giả trong vòm họng. Người bệnh khi ho hắt hơi thì vi khuẩn sẽ phát tán ra xung quanh theo đường không khí hoặc tiếp xúc qua da khi bị trầy xước dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu.
Triệu chứng và cách phòng ngừa
Các triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là gây viêm họng. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng do các lớp tế bào bị viêm tạo ra lớp màng bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị thì màng bám sẽ lan ra lấp đường hô hấp gây ngạt thở cho người bệnh. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố đó sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.
Cách phòng bệnh hiệu quả là nên cho trẻ chích ngừa 3 lần khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau 1 tháng, sau đó 1 năm sau thì chích nhắc lại và sau 5 năm thì chích nhắc lại một lần nữa.
tin liên quan
Bệnh bạch hầuCác ca bệnh bạch hầu đã rất hiếm hoi trong những năm qua. Tuy nhiên, ổ dịch bạch hầu bùng phát mới đây tại Quảng Ngãi với 3 ca tử vong chỉ trong thời gian ngắn đã khiến các chuyên gia lo ngại về sự trở lại của căn bệnh nguy hiểm này.
Đối với bệnh bạch hầu, sau khi phát hiện bệnh, để ngừa các triệu chứng độc tố của vi khuẩn thì người bệnh cần được chích ngừa kháng độc tố bạch hầu để trung hòa độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tố tác động lên tim, thận và các hệ thần kinh khác. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh như Penicilin, Ampicilin, Erythromycin, Rifampycin, Clindamycin, Cephalosporin… Nhưng Penicilin thường được dùng nhất.
Ngoài ra, ở những vùng có dịch, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. Khi mắc bệnh bạch hầu sẽ phải cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và tiếp xúc cần đeo khẩu trang.
Bình luận (0)