Đời sống người Việt tưng bừng thế nào trong quá khứ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
03/01/2022 06:37 GMT+7

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý đã nhìn thấy hình vẽ bảo vật quốc gia Cây đèn hình người quỳ từ khi mới học lớp 6, trong sách lịch sử.

Bảo vật đó với ông như một dấu hỏi. “Có hình vẽ mà thật sự chả hiểu chức năng hay dùng kiểu gì, cứ lấm tấm như rắc cát (kiểu vẽ tả khối thời ấy). Nay đọc cuốn Mỹ thuật Việt soi từ phía khác có ảnh rõ ràng, mô tả chi li, mới à ra nó đặc sắc thế, chứ không phải chỉ vì ra đời cách đây hơn 2.000 năm”, ông Quý chia sẻ.

NXB

Mỹ thuật Việt soi từ phía khác của tác giả Trần Hậu Yên Thế (NXB Mỹ thuật vừa ấn hành) gồm 25 bài chuyên khảo về lịch sử mỹ thuật VN. Theo NXB Mỹ thuật, với cuốn sách này, tác giả Trần Hậu Yên Thế có cái nhìn khác chiều với nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật trước đây như Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Phi Hoanh. Các nhà nghiên cứu đi trước viết theo lối biên niên sử, còn ông Thế lại từ những nghiên cứu cụ thể để nhìn thấy sự giao thoa và hàm ý văn hóa ẩn chứa trong đó.

Vì thế, lời giới thiệu sách của NXB Mỹ thuật có đoạn: “Tác giả như đứa trẻ không chỉ mải mê ngắm cánh cửa đồ sộ mà lại ham thích, ngắm nghía cái bản lề, cái then cài, những chi tiết tưởng nhỏ nhặt, để suy nghĩ về cơ chế đóng cửa chiếc cổng ấy”.

Cuốn sách cho thấy những suy tư về giao thoa văn hóa. Bảo vật quốc gia Cây đèn hình người quỳ (tìm thấy ở Lạch Trường, Thanh Hóa) có đôi mắt hình hạnh nhân, bộ râu và những hoa văn trên trang phục rất đẹp. Nhưng phân tích của ông Thế cho thấy điều lớn hơn, đó là chúng có liên quan đến những người Hồ ở Trung Á. Từ đó, ông Thế đặt ra câu hỏi về sự kết nối giữa Trung Á và hình tượng mỹ thuật trong đời sống người Việt cổ. “Quý ông Lạch Trường có thể là một pháp sư đang trong khoảnh khắc thiêng liêng giao cảm với thần linh…”, ông Thế viết. Ông cũng cho rằng quý ông Lạch Trường cho thấy mảnh đất Thanh Hóa từng là nơi dừng chân của nhiều người nước ngoài.

Ông phân tích tượng cừu ở lăng Sỹ Nhiếp (Bắc Ninh) để thấy dấu vết của những văn hóa khác khi giao thoa với văn hóa Việt. Có nhiều giả thuyết về tượng cừu này, trong đó có giai thoại đôi cừu liên quan đến một vị sư Ấn Độ sang truyền đạo ở Luy Lâu. Chiếc nanh mọc ngược trong đồ án hình rồng thời Lý - Trần, theo phân tích của ông Thế, có sự tương đồng với văn hóa Ấn Độ… Từ những hiện vật cụ thể, ông Thế đã phân tích để tìm thấy các xu hướng phương Tây hóa, Hán hóa ở VN. Điều đó, theo ông là “tác dụng phụ của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới”.

Nhà nghiên cứu Trương Quý cho rằng điều đáng quý của cuốn sách là: “Cuốn sách giúp người đọc như tôi mở rộng được những cách thức đặt câu hỏi, thử chất vấn cái đã tưởng như xong rồi, yên vị rồi...”. Cũng theo ông Quý, đọc Mỹ thuật Việt soi từ phía khác, có cảm giác được một ông thầy rủ rỉ giảng giải mà không làm mình mệt. “Vì ông ấy biết kể một cách sáng rõ và say mê khiến ta gật gù công nhận đời sống người Việt khá tưng bừng. Quan trọng là cảm xúc thuần hậu, khiêm cung, không có cảm giác ăn thua đủ hay đòi lẽ sống mái, nên dường như khích lệ ta đọc rồi nghĩ thêm một cách phấn chấn...”, ông Quý chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.