'Đời sống vỉa hè Sài Gòn' - đặc trưng thu hút du khách?

12/07/2022 13:28 GMT+7

Tác giả cuốn sách Đời sống vỉa hè Sài Gòn - Giáo sư Annette M.Kim (Giám đốc sáng lập SLAB - phòng phân tích không gian đô thị của University of Southern California) và nhóm nghiên cứu không gian đô thị của bà, nhờ sống ở Sài Gòn nhiều năm đã vỡ lẽ được rằng cái căn cốt của vỉa hè nằm ở chính những hàng quán và câu chuyện vừa gai góc vừa nhân ái về thân phận con người...

Để thực hiện cuốn sách Đời sống vỉa hè Sài Gòn, Giáo sư Annette M.Kim cùng phòng phân tích không gian đô thị (SLAB) của mình đã dày công thu thập các ghi chép lịch sử về vỉa hè từ văn khố, số liệu thống kê, quy hoạch đô thị, ảnh chụp, cũng như xem xét tài liệu học thuật của các nhà sử học về các giai đoạn khác nhau trong lịch sử nhằm mang đến cho người đọc một câu chuyện sống động tươi nguyên về sự chuyển mình của vỉa hè Sài Gòn-TP.HCM.

'Đời sống vỉa hè Sài Gòn' - đặc trưng thu hút du khách? - Ảnh 1.

Theo tác giả Annette M.Kim, vỉa hè có sức sống riêng, tinh thần riêng, thấm đẫm văn hóa và phản ánh đời sống của người dân chứ không chỉ là một khoảng không gian vô hình

N.N


Đến nay, dù những người phụ thuộc vào vỉa hè ngày càng chịu nhiều áp lực do thay đổi ở đô thị, mật độ dân số đông…, nhưng không thể phủ nhận vỉa hè Sài Gòn vẫn bền bỉ níu giữ không khí hấp dẫn đặc trưng của nó.

Không gian của lòng nhân ái và hào hiệp

Phần đông các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ đã xảy ra xung đột về lợi ích khi sử dụng vỉa hè. Riêng đối với Sài Gòn, Giáo sư Kim cho rằng, thành phố dù đang phải đối mặt với thách thức của đô thị hóa nhưng người dân vẫn luôn hào hiệp và sẵn sàng chia sẻ khoảng không gian này với nhau.

Bằng quan sát tinh tế nhạy cảm của mình, Giáo sư Kim đã nhận ra rằng, khoảng không gian nhỏ nơi đây khác biệt và đáng nhớ đến thế bởi nó truyền tải những câu chuyện vừa gai góc vừa nhân ái về thân phận con người. Theo bà, ở thành phố này, phần đông mọi người tỏ thái độ đồng cảm với những người bán hàng ở vỉa hè. Những câu dàn xếp bâng quơ, điều chỉnh và giả đò làm lơ của hàng xóm về vấn đề sử dụng vỉa hè đã phản ánh sự khác biệt của con người Sài Gòn, cho thấy tình nghĩa dành cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

275 cuộc phỏng vấn cho những "tấm bản đồ"

Với Đời sống vỉa hè Sài Gòn, bà Annette M.Kim đã nghiên cứu những không gian của vỉa hè bằng tư duy của một học giả chính sách công, nhưng chuyển tải chúng dưới góc nhìn của một chuyên gia về nghệ thuật thị giác, giúp người đọc nhận ra những biểu tượng và ngôn ngữ độc đáo của vỉa hè.

Dưới góc nhìn của Giáo sư Kim, những hình ảnh quen thuộc như một miếng bìa được cắm vào lỗ viên gạch đứng đơn độc trên vỉa hè, những lốp xe máy được quấn giấy bạc sáng bóng bắt chéo nhau… chính là vốn từ thị giác vừa phức tạp và cũng linh động tiến hóa theo dòng phát triển của thành phố.

Tập trung vào hai khu vực là quận 1 và quận 5, với 275 cuộc phỏng vấn, hơn 3.000 tấm ảnh, đoạn phim cùng nhiều năm trực tiếp trải nghiệm nghiên cứu, bà Kim và SLAB đã phân tích nhiều biến số, những sự kiện chưa được lý thuyết hóa để vẽ nên những tấm bản đồ tái định hình không gian công cộng như bản đồ biểu tượng vỉa hè, bản đồ ma, bản đồ không gian-thời gian… và chúng đều được “con người hóa”.

Mất đi vỉa hè, Sài Gòn-TP.HCM có gì khác biệt?

Dựa trên định hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch của Việt Nam, Giáo sư Kim khảo sát khách du lịch để trả lời cho câu hỏi tại sao họ lại chọn đến Việt Nam. Kết quả thu về cho thấy phần đông du khách cảm nhận Sài Gòn sôi động, thú vị và khác biệt với những thành phố khác không chỉ bởi những địa điểm tham quan mang tính lịch sử mà còn bởi chính những món ăn đường phố, sự tương tác thân tình và nhộn nhịp trên vỉa hè.

Bà cũng cho rằng nếu thành phố muốn tăng cường phát triển du lịch thì vỉa hè là một trong những khía cạnh nên được chú ý nhất; cuộc sống trong không gian này cần được giữ lại để phát huy hết sức hấp dẫn của nó chứ không phải phá bỏ hoàn toàn, chỉ cần ta quản lý tốt hơn.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng (Tổng giám đốc enCity - đơn vị đồng hành với Nhã Nam giới thiệu cuốn sách này tới độc giả Việt Nam), một chuyên gia quy hoạch quốc tế với rất nhiều đồ án đã được xây dựng ở Dubai, Việt Nam và Ấn Độ, viết trong lời đề tựa của cuốn sách: “Đô thị hóa không có nghĩa là bê tông hóa và phương Tây hóa. Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ những góc nhìn như thế này là phổ biến giá trị, bản sắc của TP. HCM nói riêng, các đô thị Việt Nam nói chung và sẽ giúp tạo ra những thay đổi tích cực trong phát triển đô thị”.

Không chỉ kể câu chuyện về Đời sống vỉa hè Sài Gòn (Nhã Nam - NXB Dân Trí, Mai Nguyễn dịch), cuốn sách còn cho thấy không gian công cộng chứa đựng một lối sống đầy thẩm mỹ, nhiều giá trị nhân bản, hợp tác và khiến cho Sài Gòn trở thành một nơi đáng nhớ và đáng gắn bó; bên cạnh việc chỉ ra những thách thức trong các mô hình quy hoạch đô thị, quản lý thích ứng mà thành phố sẽ cần hay gợi ý cách có thể định hướng lối đi trong một thế giới toàn cầu hóa…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.