Là người trợ giúp pháp lý cho em bé ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội) bị XHTD mới đây, luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về luật Hình sự, cho hay: “Mặc dù nạn nhân có chứng cứ, nhưng cơ quan có trách nhiệm lại xử lý chậm chạp, có hành động không nhất quán. Đây là vụ việc nghiêm trọng, vi phạm luật Tố tụng hình sự, vì vậy tôi đã làm đơn đề nghị công an điều tra của Hà Nội phải vào cuộc và tối 13.3 công an đã khởi tố”.
VIDEO: Những điều phụ huynh cần làm để bảo vệ con trẻ trước nguy cơ xâm hại tình dục
|
Theo ông Luân, luật Hình sự hiện hành quy định nhiều tội liên quan đến XHTD, nhưng hình phạt đang rất thấp, quá trình điều tra trọng chứng hơn trọng cung. Trong khi đó, tội dâm ô chẳng có dấu vết, buộc phải dựa vào nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, đối chất.
“Pháp luật hình sự đang có khoảng trống trong thực thi. Luật Hình sự quy định tội dâm ô phải là xâm hại trực tiếp đến thân thể thì mới cấu thành tội. Trong khi ở nhiều nước, nếu chỉ gợi ý sex, dụ dỗ, gạ gẫm, cho xem tranh ảnh khiêu dâm thì cũng cấu thành tội. Còn ở ta xử lý rất chậm chạp, cơ quan điều tra nhất định phải dựa vào chứng cứ mới điều tra, chờ đến khi kẻ ác xâm hại thân thể trẻ em thì mới cấu thành tội”, ông Luân bức xúc.
Trước những vụ XHTD trẻ em có nguy cơ bị “chìm xuồng”, TS Khuất Thu Hồng cho rằng nguyên nhân sâu xa là từ nền văn hóa, ngại nói đến vấn đề tình dục. Nhiều gia đình không nói vì sợ cuộc sống sẽ xáo trộn, sợ con gái lớn lên không lấy được chồng, phải chuyển nhà đến nơi khác, sợ tương lai gia đình bị hủy diệt vì xã hội chúng ta quen đổ lỗi con gái.
“Im lặng không phải là câu chuyện riêng của gia đình nào, mà là sự im lặng của cả cộng đồng. Bao nhiêu người dám tố cáo, lên tiếng trước một vụ việc XHTD. Chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ, đợi bao nhiêu đứa trẻ bị xâm hại, bị tổn thương, bị mất tương lai thì mới chịu thay đổi?”. Kể về hành trình đòi lại công lý cho đứa con gái 3 tuổi, anh T. - một người cha có con bị XHTD - đã uất ức bật khóc: “Vụ việc đã diễn ra hơn 1 năm, chính quyền, công an chỉ biết bắt lỗi người khác, trong khi kẻ phạm tội XHTD vẫn chưa bị trừng trị”.
TS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), bày tỏ: “XHTD là một tội ác. Im lặng trước hành vi trên cũng là một tội ác”.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cho hay: “Mỗi lần đọc tin, nhận đơn thư liên quan XHTD trẻ em thì rất bức xúc. Luật quy định rõ có 15 cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Chúng tôi đã cố gắng góp tiếng nói bảo vệ, song vẫn có những khe hở pháp luật”.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA, bức xúc: “Một đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ mà khi con chúng ta bị xâm hại thì biết kêu ai? Ai cũng nói đau xót, nhưng đã làm được gì hay chỉ biết đau thôi”.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ XHTD, thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12 - 15 (chiếm 57,46%). Đặc biệt, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nhỏ so với thực tế.
Bình luận (0)