Dẻo thơm bánh hồng xứ Nẫu

02/09/2013 05:05 GMT+7

Xứ Nẫu (Bình Định) nổi tiếng với các đặc sản như nem, chả, tré, rượu bàu đá, mực ngào…sẽ thiếu sót nếu không kể tên chiếc bánh hồng dẻo thơm làm từ bột nếp thường xuất hiện trong lễ cưới hỏi, tết, hay khi nhà có tiệc.

Xứ Nẫu (Bình Định) nổi tiếng với các đặc sản như nem, chả, tré, rượu bàu đá, mực ngào…sẽ thiếu sót nếu không kể tên chiếc bánh hồng dẻo thơm làm từ bột nếp thường xuất hiện trong lễ cưới hỏi, tết, hay khi nhà có tiệc.

>> Ngọt bùi bánh khoai mì Bình Định
>> Nhớ bún riêu Bình Định

Bánh hồng thuở sơ khai có màu trắng đục của nếp và đường, khi bánh được chọn làm vật phẩm trong đám cưới thì đã được nhuộm hồng cho đẹp. Cũng từ đó cái tên bánh hồng ra đời để dễ phân biệt với các loại bánh làm từ bột nếp khác của người Bình Định.

Dẻo thơm bánh hồng xứ Nẫu
Ngồi nhâm nhi miếng bánh hồng bên ấm trà nóng, nghe chất giọng Bình Định nằng nặng
thấy ấm áp, thân thương gợi nhớ về xứ Nẫu xa xưa - Ảnh: Quán Nẫu cung cấp

Bánh hồng làm đơn giản gần giống như cách làm bánh dẻo của người Hà Nội. Nguyên liệu làm bánh hồng cũng là nếp đường (nếu muốn bánh có màu hồng, xanh thì thêm màu tự nhiên như gấc, lá dứa vào). Nếp làm bánh phải chọn loại ngon thơm, nếu là nếp mới càng tốt, vì độ dẻo sẽ cao. Nếp được vò kỹ, ngâm cách đêm để ngấm đủ nước, nghiền thành bột nước, rồi ép cho ráo, nhớ đừng khô quá. Sau đó nhồi bột với đường rồi cán bột cho thật mịn, cắt bột thành từng khối cho vào nồi nước đang sôi luộc chín tới. Khâu luộc bột rất quan trọng nếu để bột chín quá bánh sẽ dễ bị chảy nước, nếu vớt bột sống thì bánh sẽ vón lại, không mịn màng, đẹp mắt.

Trong lúc bột luộc gần chín, phải nhanh tay chuẩn bị một nồi nước đường. Đường nấu sôi cho tan chảy thành nước, khi thấy bột nổi trên mặt nước là bột đã chín, vớt ra thả ngay vào trong nồi đường đang sôi. Dùng đũa bếp (loại đũa có tay cầm dài, giúp người nấu đỡ nóng) đảo mạnh và đều tay để đường và bột hòa quyện vào với nhau. Tiếp tục quết bột cho đến khi nào bột sít lại, vặn nhỏ lửa. Muốn biết bột đạt hay chưa, người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn hoặc thử bằng cách lấy tay đụng vào đầu đũa bếp thấy bột không dính tay là được.

Dùng khay vuông rắc một lớp bột nếp khô ở dưới cho đỡ dính, dùng đũa bếp trút bột trong nồi xuống, rồi dạt bột ra khắp mặt khay cho đều. Thường độ dày của bánh khoảng từ 2- 3 cm là vừa khéo, tiếp tục rắc lên trên một lớp bột nếp nữa, ép bánh cho phẳng. Đợi bánh nguội cắt bánh thành từng miếng nhỏ cho vào túi hoặc lá chuối, giấy báo gói lại bảo quản.

Bánh hồng là thứ bánh ăn chơi, vừa dẻo lại dai dai, thơm mùi nếp, thấm vị ngọt của đường...nên khi nhà có khách, đặc biệt vào những ngày miền Trung mưa dầm, ngồi thưởng thức dĩa bánh hồng, nhâm nhi ly trà nóng mới thấy hết vẻ thanh tao rất đặc trưng của bánh hồng xứ Nẫu.

Đoàn Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.