Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà Nội

12/08/2015 11:37 GMT+7

Quán chè nằm ở số 146 Quán Thánh, Hà Nội không thể giản dị được hơn với những chiếc ghế gỗ in đậm màu thời gian, những chiếc cốc thủy tinh sủi bọt.

Quán chè nằm ở số 146 Quán Thánh, Hà Nội không thể giản dị được hơn với những chiếc ghế gỗ in đậm màu thời gian, những chiếc cốc thủy tinh sủi bọt.

Quán bắt đầu mở cửa ở số 146 này từ năm 1975, đúng 3 năm sau thì nổi tiếng, dù quán chỉ bán duy nhất một món chè: đỗ đen.
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà NộiNồi chè đặt ngay trước mặt khách, sóng sánh, thơm mùi đường ngào ngạt. Những khách sành ăn, bây giờ đến quán chè, chỉ gọi mỗi đỗ đen, cho thêm đá và một ít dừa tươi. Ăn để thấy cái mát lạnh, thơm, bùi của đỗ, của đường, cùi dừa cứ còn dư âm mãi.
Chuyện kể là thời bao cấp khó khăn, có một nhóm khách quen thường xuyên ăn chè đỗ đen của bà Thơm, những năm 80 thế kỷ trước, họ đi xuất khẩu lao động rồi ở luôn ở Nga, đến đầu những năm 2000 mới về lại Hà Nội.
Một ngày, cả nhóm đi tìm đúng chè bà Thơm, gọi chè đỗ đen, nhưng chẳng may lại hết mất. Họ cứ ngồi trước quán chè, mặt xịu xuống, hờn trách bà chủ: “Đi xa quê cả hai chục năm giời, giờ về muốn ăn một cốc chè đỗ đen của bà cũng khó”.
Chè đỗ đen bà Thơm có gì đặc biệt để người ta nhớ nhung đến thế? Đỗ đen phải được chọn là đỗ được trồng ở bãi ven sông Hồng, nếu đỗ các vùng nơi khác mang đến là bà chủ tuyệt nhiên không mua.
Đỗ đen được ninh trên bếp đúng 6 tiếng đồng hồ, và loại đường khuấy vào chè phải là đường mật mía, đường đóng thành từng phên, làm ở vùng Mai Lĩnh, ngoại thành Hà Nội.
Nồi chè đặt ngay trước mặt khách, sóng sánh, thơm mùi đường ngào ngạt. Bà Thơm phải dùng một chiếc muỗng khuấy đều trước khi múc chè ra cốc nếu không đỗ sẽ lắng hết xuống đáy nồi. Bỏ thêm đá viên, khách thích ăn trân châu, thạch đen, dừa tươi sẽ bỏ thêm một chút vào. Hoặc không, đúng vị chè đỗ đen hồi 40 năm trước, đỗ đen chỉ ăn với đá viên mà ngon đến cồn cào, nhung nhớ.
Trước, bà Thơm tự chưng cất hoa bưởi để cho vào chè đỗ đen, sau này, khi không còn tin tưởng hoa bưởi được trồng tự nhiên nữa, bà Thơm bỏ luôn thành phần này khỏi món chè.
Những khách sành ăn, bây giờ đến quán chè, chỉ gọi mỗi đỗ đen, cho thêm đá và một ít dừa tươi. Ăn để thấy cái mát lạnh, thơm, bùi của đỗ, của đường, cùi dừa cứ còn dư âm mãi.
Đến năm 1980, quán bà Thơm bán thêm chè đỗ xanh, chè hạt sen, và thực đơn cũng chỉ có 3 món chè truyền thống ấy cho đến ngày hôm nay. Đỗ đen ninh trong 6 tiếng thì đỗ xanh, hạt sen ninh trong 4 tiếng.
Đỗ xanh, giống như đỗ đen, nhất định phải đặt mua ở vùng bãi sông Hồng, hạt sen phải lấy từ Bắc Giang. Đường nấu chè đậu xanh, chè sen là đường cát trắng, đậu xanh nhuyễn, thơm. Hạt sen bở tơi, thơm tự nhiên. Hai món mới này ăn cũng hài hòa, ngon miệng, tuy nhiên, không hiểu sao, bao nhiêu năm qua, chè đỗ đen vẫn là món chè được ăn nhiều nhất và mang lại danh tiếng cho quán chè mộc mạc này giữa Hà Nội.
“Một cụ già bây giờ 90 tuổi ăn chè đỗ đen nhà tôi từ năm mới có 50. Giờ thì các chắt của cụ cũng ra đây ăn chè”, bà Thơm cười.
Ghế của quán bây giờ vẫn còn những chiếc ghế băng dài, cũ kỹ, bên cạnh những chiếc ghế nhựa cho khách nếu muốn ngồi vỉa hè. Vài năm trước, quán còn dùng những chiếc cốc vẫn dùng loại cốc thủy tinh xanh xanh, còn chi chít bọt, loại chuyên dùng ở hàng bia vỉa hè từ thời bao cấp. Bây giờ, cốc dùng loại mới hơn, nhưng người ăn vẫn nhớ những chiếc cốc cũ.
Cái biển tên “Chè đỗ đen bà Thơm 146 Quán Thánh” mới làm được vài năm nay, còn lại trước đây, chỉ một cái bàn gỗ, những chiếc ghế gỗ và mấy nồi chè, cứ thế khách đến ăn xúm xít.
Bà Thơm (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thơm), năm nay 69 tuổi. Thực ra, bà Thơm chỉ là người bán chè, chồng bà, ông Lê Bá Hùng, 70 tuổi mới là bếp trưởng suốt từ năm 1978 đến nay. Nhà ông Hùng có tổng cộng 6 chiếc bếp gas, mỗi sáng ông bắc đồng loạt cả 6 nồi chè lên, đến trưa thì chè chín. Quán mở cửa bán chè từ 14 giờ 30, bán đến 23 giờ thì đóng cửa, dù khách có kéo tới ăn đông thế nào đi chăng nữa.
Ông bà Thơm muộn con, họ chỉ có duy nhất một anh con trai năm nay 37 tuổi, nhưng không theo nghề của bố mẹ mà làm ở ngoài, thi thoảng phụ mẹ ngồi múc chè cho khách. “Một mai chúng tôi yếu đi, quán chè chắc sẽ đóng cửa. Tôi không nhượng thương hiệu này cho người ngoài đâu, nấu chè cần cái tâm, tôi sợ có người muốn lãi cao hơn mà mua nguyên liệu dởm, dùng hóa chất nấu, chúng tôi có qua đời cũng không thấy nhẹ lòng”, bà Thơm bộc bạch.
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà NộiChân dung bà Nguyễn Thị Thơm
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà NộiChè đỗ đen bở tơi
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà NộiChè hạt sen, phải lấy đúng sen từ vùng Bắc Giang về
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà NộiChè đậu xanh nhuyễn
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà NộiChè đỗ đen và đậu xanh
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà Nội
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà NộiCác nguyên liệu ăn kèm đều do gia đình bà Thơm tự làm
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà Nội
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà NộiKhách xúm xít đến ăn chè
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà NộiBảng giá chè
Khám phá quán chè đỗ đen mật mía 40 năm tuổi ở Hà NộiVị chè đỗ đen hồi 40 năm trước, đỗ đen chỉ ăn với đá viên mà ngon đến cồn cào, nhung nhớ.

Thúy Hằng
Ảnh: Lê Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.