Rằm tháng 7 nhớ về sự tích chiếc bánh ít

20/08/2013 08:44 GMT+7

Trong những dịp lễ quan trọng dân ta vẫn hay làm bánh ít và còn sáng tạo thêm loại bánh ít tròn nhỏ như quả táo, nhuộm đủ 5 màu (bánh ngũ đại) để cúng tổ tiên. Nhưng ít người biết rằng bánh ít còn có cả một sự tích thú vị được lưu truyền cho đến ngày nay.

Trong dịp Tết giết sâu bọ mồng 5 tháng năm, hay Rằm tháng 7, dân ta vẫn hay làm bánh ít và còn sáng tạo thêm loại bánh ít tròn nhỏ như quả táo, nhuộm đủ 5 màu (bánh ngũ đại) để cúng tổ tiên. Nhưng ít người biết rằng bánh ít còn có cả một sự tích thú vị được lưu truyền cho đến ngày nay.

>> Bánh “phu thê" trong nghi lễ cưới hỏi người Việt 
>> 
Chuyện về bánh tráng phơi sương

Bánh ít được làm bằng bột nếp, có nhân đậu xanh, nhân dừa, đường hoặc nhân tôm, thịt. Tất cả các loại bánh ít đều làm thủ công, gói bằng lá chuối xanh, và hấp chín.

 Rằm tháng 7 nhớ về sự tích chiếc bánh ít  1
Bánh ít được bày bán nhiều ngoài chợ, trong các sạp bánh vào những dịp như
Tết giết sâu bọ mồng 5 tháng năm, hay Rằm tháng 7 - Ảnh: Đoàn Xuân

Sự tích bánh ít xưa kể lại rằng: khi ấy chàng Lang Liêu – con trai của Vua Hùng thứ 6 đã thắng trong cuộc thi dâng lễ vật cúng đất trời là bánh chưng và bánh dày.

Nhà vua có một cô gái út vốn rất nhu mì, khéo léo trong công việc bếp núc. Khi nàng thử hương vị của hai loại bánh mà Lang Liêu làm liền nảy ra sáng kiến làm nên kiểu bánh mới chứa đựng hương vị của cả bánh chưng và bánh dày. Nàng Út lấy chiếc bánh dày bọc lấy nhân của chiếc bánh chưng. Từ sự sáng tạo đã hình thành nên một thứ bánh mới rất hấp dẫn. Nàng Út đã quyết định phỏng theo hình dạng của bánh chưng và bánh dày để gói thành hai kiểu dáng khác nhau: một thứ dáng tròn không gói lá, giống như bánh dày, một thứ dùng lá gói kín thành dáng vuông giống như bánh chưng. Nhưng cả hai loại bánh này đều làm nhỏ lại để tỏ ý khiêm nhường với bậc út ít mà nàng đảm nhận.

Từ đó bánh của nàng Út được lưu truyền trong dân gian cùng với bánh chưng và bánh dày. Và để phân biệt với bánh của chàng Lang Liêu, cũng là tỏ lòng ngợi ca nàng Út nên đông đảo dân chúng đã làm theo và gọi bánh này bằng chính cái tên của nàng Út là “ bánh nàng út ít”.

Theo dòng chảy của thời gian, “bánh nàng út ít” được cải tiến nhiều vẻ hơn, và tên "bánh nàng út ít" đã được rút ngắn thành “bánh ít” như hôm nay. Bánh ít đã đi vào ca dao điệu nhạc, thành điệu hát lý trong bài “Lý bánh ít”:

Ai mua bánh ít – Bán cho.

Nhân tôm, nhân thịt, nhân dừa thơm ngon…

Cách làm bánh ít bây giờ đã không còn mấy cầu kì như trước. Bột nếp nhào qua với nước cho dẻo để có thể vo bánh thành những hình dạng khác nhau. Nhân thì tùy theo sở thích mà có thể dùng đậu xanh, dừa, thịt, hay tôm… Đậu xanh đãi vỏ hấp chín giã nhuyễn trộn chung với đường rồi viên lại thành những viên tròn đều nhau, khi làm bánh chỉ việc cho nhân vào giữa rồi khép mép bột lại là được. Dừa nạo sợi nhỏ rồi thêm đường để làm nhân cho bánh ít dừa. Thịt hay tôm xắt nhỏ xào chung với hành phi nêm gia vị mặn cho vừa ăn làm bánh ít trần.

Lá chuối dùng để gói bánh, được chần qua nước sôi cho dẻo, bánh nặn hình chóp nón nhọn – nếu làm bánh ít trần thì nặn hình tròn dẹp như chiếc bánh dày bên ngoài xoa mỡ cho vào nồi có vĩ, hấp chín. Bánh ít bột nếp làm khéo thì dẻo, ngọt, thơm, bùi, và bánh không bị dính lá.

Cầm trên tay chiếc bánh ít, chợt bồi hồi nhớ về sự tích nàng Út hôm nào, và thấy yêu thêm chiếc bánh nhỏ xinh.

Đoàn Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.