Đêm rằm trung thu, trời mưa rả rích, con hẻm vào nhà em N.Đ.B. (P.Tam Phú, TP.Thủ Đức) vắng không bóng người. Thấy PV đến, B. ra mở cửa, cúi gập người chào, nhìn qua tấm bảng “Giáo viên chuyên toán, dạy luyện thi lớp 10” của ba còn trên cổng, mắt em đượm buồn. Bảo là con của thầy Nguyễn Văn Châu (67 tuổi) giáo viên nghỉ hưu của Trường THCS Linh Đông, và cô Nguyễn Thị Hà (58 tuổi), giáo viên nghỉ hưu Trường mầm non Hương Sen.
|
Chỉ 1 giây thôi…
Đầu tháng 8, ba B. đi tiêm ngừa về thì có triệu chứng sốt, cả nhà nghĩ là sốt sau khi tiêm nên cũng không quá lo. Nhưng sau 7 ngày, thấy ba sốt cao và nặng hơn, gọi xe cấp cứu 15 phút chưa thấy, B. nói ba thay đồ để em chở đi bệnh viện (BV). “Ba em vừa mặc xong chiếc áo thì gục xuống, rồi đi luôn. Mọi thứ nhanh khủng khiếp, chỉ mới một giây trước ba còn đang ngồi mặc áo mà gục xuống là ba đi luôn. Lúc đó là 3 giờ 30 phút sáng 7.8, mẹ cũng chết điếng người, em gọi các dì, các bác sang lo cho ba”, nhắc lại những giây phút ấy, B. vẫn chưa thể tin được ba đi nhanh như vậy.
Quý nhà hảo tâm có nhã ý chung tay cùng Chương trình bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên, vui lòng gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 về email: baotrotremocoi@thanhnien.vn hoặc liên hệ số điện thoại: 0933044866 (gặp nhà báo Trần Thanh Bình, Ban Công tác bạn đọc). Trên cơ sở khảo sát tìm hiểu và thiết lập hồ sơ từng em mồ côi do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh sống khó khăn, đôi bên sẽ cùng tham gia ký bản thỏa thuận bảo trợ và lên phương án giúp đỡ cụ thể cho từng hoàn cảnh với mức bảo trợ theo từng giai đoạn. Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia việc bảo trợ các em theo hình thức trực tiếp chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này cho chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên. |
|
Cô Nguyễn Thị Thanh (em gái cô Hà) cho hay mấy ngày nằm viện, cô Hà thường gọi về nói cảm thấy bất lực trước con Covid, không thể làm gì nữa. Ngày nghe tin cô Hà không qua khỏi, mẹ già 97 tuổi ở nhà thẫn thờ, khóc lên khóc xuống. Những người họ hàng ở kế bên cũng thường chạy qua đưa đồ ăn, chỉ B. làm việc nhà, cách giặt đồ, chăm lo cho anh trai.
Cô Thanh sụt sùi: “Em N.Đ.T.Â. (23 tuổi, con đầu - PV) dù mắc hội chứng Down nhưng anh chị tôi tìm các trường gửi để cháu hòa đồng, giao tiếp được. Â. thường chỉ lên ảnh thờ ba nói “Châu chết rồi”, nhưng nhắc tới mẹ thì cứ bảo “người ta không cho về”. Tôi nói mẹ về với Chúa rồi, nhưng Â. không chịu. Thương lắm”.
|
Con sẽ học thật tốt
Trong căn nhà rộng thênh, 2 hũ cốt của cha mẹ B. được đặt gần nhau nhưng mới chỉ có 1 tấm ảnh thờ và 1 bát nhang. B. cho biết cả cha mẹ đều là nhà giáo nên em được kèm cặp về kiến thức và kỹ năng sống mỗi ngày. Dù vậy, mọi việc trong nhà đều một tay mẹ lo toan.
Trở về từ BV, B. phải tự tập giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn sáng cho anh. Vừa làm, vừa nhớ mẹ, nước mắt cứ vậy lăn dài trên gương mặt. Nhìn sang anh trai hồn nhiên, thỉnh thoảng cười phá lên khi xem một đoạn phim siêu nhân, B. càng đau lòng hơn, chạy đến ôm anh để xoa dịu những khoảng trống trong lòng.
Nhưng T.Â. không chấp nhận được sự thật mất cả cha mẹ vì dịch Covid-19 nên lâu lâu trước khi ăn cơm vẫn hỏi em trai: “Mẹ đâu rồi, sao mẹ lâu về vậy?”. Cậu em đành phải đánh trống lảng sang chuyện khác, nói anh: “Ngoan ăn rồi ngủ giỏi đi, mai mốt mẹ về”.
Trong ký ức của B., ba là người thầy tần tảo sớm hôm. Sau việc ở trường, ba kèm thêm học sinh tới 9, 10 giờ tối mới nghỉ. Với đồng lương ít ỏi, cả nhà B. phải mất tới 15 năm mới xây được căn nhà hoàn thiện như ngày hôm nay. Mỗi năm đến dịp 20.11 hay tết, nhà B. có rất đông học trò cũ của ba đến thăm, mùi hoa tươi thơm ngát cả căn nhà. Nghĩ đến 20.11 năm nay, B. khựng lại…
Cậu học trò 10 năm liền đạt học sinh giỏi chia sẻ: “Ba là giáo viên dạy toán nên luôn muốn em phải học toán thật giỏi. Đợt dịch vừa qua, ba đã chỉ cho em nhiều cách giải hình học không gian, em cũng đang học kèm thầy giáo và lớp ôn ở trường. Em tự hứa với ba là sẽ học thật tốt, quyết tâm đạt huy chương vàng Olympic toán như tâm nguyện của ba. Giờ cứ thấy hình ba là em mở toán ra học, mà học toán là lại nhớ ba”.
Thầy Nguyễn Đức Chính, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, nhận xét B. là học sinh ngoan, học tốt. Sau khi biết câu chuyện của gia đình, nhà trường bước đầu hỗ trợ B. 3 triệu đồng và sẽ miễn giảm học phí cho B. từ đây đến lớp 12. Trong năm học, trường lo cho em bữa trưa học bán trú. Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp cũng hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Đồng hồ điểm 7 giờ tối, người bác mang tô bún bò, ly trà sữa sang cho hai anh em. Bảo cho tất cả vào khay, cắt một chiếc bánh trung thu đặt lên bàn rồi mở ti vi cho anh ăn trước. Cả ngày bận rộn học online, làm việc nhà, chăm anh, B. từng bước tập làm quen với cuộc sống không có cha mẹ ở bên. Nhưng cứ tối đến, cảm giác trống trải, nhói trong lồng ngực ập đến, em lại phải gồng mình kìm nén cảm xúc.
Nhìn chiếc bánh trung thu cắt dở, hướng mắt lên bàn thờ cha mẹ, B. nghẹn giọng: “Mọi năm, trung thu cả nhà em sẽ sang nhà ngoại, quây quần cùng ăn bánh, ngồi chơi với nhau, mà năm nay… trống vắng lắm”.
Ông Đặng Trần Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy P.Tam Phú, cho biết phường đã đến thăm hỏi tình hình cuộc sống, chia sẻ và động viên anh em B. vượt qua nỗi đau mất mát này để ổn định cuộc sống. Bên cạnh các phần quà là nhu yếu phẩm, đại diện phường đã trao số tiền 23 triệu đồng (trong đó 20 triệu đồng tiền hỗ trợ gia đình có người thân mất vì Covid-19) cho các em.
Bình luận (0)