1. Hơn một ngày sau bão số 9, đoàn công tác của Báo Thanh Niên đã đến tỉnh Quảng Ngãi. Từ Đức Phổ đến Bình Sơn, chỗ nào cũng thấy nhà sập hoặc tốc mái, trụ điện ngã đổ kéo theo dây nhợ lòng thòng, cây xanh bật gốc rũ rượi. Trên đường, nhiều người vội vã đi mua tôn, mua ngói lợp lại nhà.
TP.Quảng Ngãi điện vẫn còn cúp. Tối om. Giữa trung tâm thành phố có một nhà chạy máy nổ, đèn sáng, thấy đoàn người rồng rắn xếp hàng như mua gạo thời bao cấp. Chúng tôi tưởng người ta xếp hàng mua thực phẩm, thức ăn, ai dè anh tài xế taxi giải thích: Họ mua đá lạnh về để bán nước giải khát và ướp thực phẩm khỏi ôi thiu, vì vẫn chưa có điện.
Đến Quảng Ngãi mới thấy bão số 9 tàn phá khủng khiếp: Trên 400 ngôi nhà bị sập, gần 150.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, trụ điện gãy đổ ngổn ngang... Hàng ngàn công nhân điện lực từ miền Nam lập tức được điều động ra Quảng Ngãi để hỗ trợ khôi phục đường điện. Có lẽ phải rất lâu nữa, người dân Quảng Ngãi mới trở lại trạng thái bình thường.
Tại H.Bình Sơn, nơi được coi là tâm bão, chúng tôi thấy các vùng quê xơ xác tiêu điều. Sau một đêm, hàng ngàn hộ dân bị mất nơi trú ngụ. Ngay trong buổi trưa, các cán bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Bình Sơn và cán bộ xã, thôn đã đưa chúng tôi đến từng nhà dân bị sập để thăm hỏi, động viên. Với mỗi nhà sập, từ nguồn tiền do bạn đọc cả nước ủng hộ, Báo Thanh Niên đã hỗ trợ 5 triệu đồng để mua tôn lợp lại nhà.
Nhận được sự chia sẻ kịp thời từ Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Minh (ở xã Bình Long, H.Bình Sơn) cảm động nói: “Tôi sống bằng nghề nuôi gà, bão ập tới đã giật sập toàn bộ chuồng gà và làm sập tường nhà. Bỗng chốc trắng tay. Tôi đang lo chưa biết lấy đâu ra tiền để lợp lại nhà thì đã có Báo Thanh Niên. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ quý báu này của báo”.
|
Cũng ở H.Bình Sơn, có một nhà bị sập, toàn bộ mái nhà hất văng sang nhà hàng xóm. Khi chúng tôi đến, một bà cụ kề bên cũng bị tốc mái nhà, thay vì nói về ngôi nhà tốc mái của mình thì lại kể về ngôi nhà bị sập, rằng nên giúp cho nhà đó, vì “nó bị sập nhà, khổ hơn tui, may mà chạy thoát nên không chết”. Mặc dù trường hợp của cụ không có trong danh sách hỗ trợ đợt này, nhưng khi chúng tôi rời đi, bà cụ vẫn đứng bên đường chắp tay cảm ơn giùm cho nhà hàng xóm. Hình ảnh bà cụ tử tế ấy khiến chúng tôi rất cảm động và nhớ mãi.
Và cảm động nữa là sự nhiệt tình của cán bộ địa phương. Nhiều người trong số cán bộ huyện, xã cũng có nhà bị hư hỏng do bão số 9 nhưng họ vẫn dẫn Đoàn công tác Báo Thanh Niên đến từng nhà dân bị sập để kịp hỗ trợ. Bởi hơn lúc nào hết, lúc này người dân rất cần được động viên. Khi chúng tôi chuẩn bị rời Bình Sơn để đi sang huyện khác, có một nữ cán bộ huyện chạy theo nói rằng có bà cụ trên 90 tuổi ở một mình, nhà sập hoàn toàn, xã vừa mới báo cáo nên chưa kịp đưa vào danh sách. Thế là có thêm một suất hỗ trợ ngoài dự kiến.
Thật vô cùng biết ơn Báo Thanh Niên, các nhà hảo tâm và bạn đọc đồng hành cùng Thanh Niên. Các anh đến giúp bà con thật kịp thời, đúng lúc. Trong cơn hoạn nạn thế này mới thấy sự giúp đỡ của quý báo là vô cùng quý báu, thiết thựcÔng Phan Đình Chí, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi |
Ông Phan Đình Chí, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Bình Sơn, chạy lòng vòng mất cả buổi trưa để tìm nơi có điện, kịp in một cái Thư tri ân Báo Thanh Niên, lồng khung kính rất trang trọng, rồi trân trọng trao cho chúng tôi. “Thật vô cùng biết ơn Báo Thanh Niên, các nhà hảo tâm và bạn đọc đồng hành cùng Thanh Niên. Các anh đến giúp bà con thật kịp thời, đúng lúc. Trong cơn hoạn nạn thế này mới thấy sự giúp đỡ của quý báo là vô cùng quý báu, thiết thực”, ông Chí xúc động nói.
2. Chiều 27.10, trong lúc từ vùng biển Trường Sa chạy tìm nơi an toàn để tránh bão số 9, hai tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn (Bình Định) bị chìm, 23 ngư dân mất tích. Khi chúng tôi đến Hoài Nhơn, hơn một tuần đã trôi qua, bão số 9 đã tan, những hàng dừa ở các làng biển đã kịp xanh trở lại, nhưng nỗi buồn vẫn bao trùm ở những xóm làng có ngư dân mất tích.
Những ngư dân ấy hầu hết còn rất trẻ. Có người vừa mới 18 tuổi, người 20, người 22 - 24 tuổi... và đều có mẫu số chung là nghèo. Nghèo nên đi “bạn” (làm thuê cho chủ tàu). Những mái nhà xác xơ vì bão số 9, tường gạch loang lổ rong rêu, giờ thêm đặc quánh không khí tang tóc.
Khi Đoàn công tác của Báo Thanh Niên đến thăm, chia sẻ với thân nhân của các ngư dân mất tích và hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp, mẹ của một ngư dân 18 tuổi òa khóc: “Con tôi còn trẻ quá, nó vừa 18 tuổi mà ông trời nỡ nào...”. Vợ và mẹ của một số ngư dân khác thì nằm bẹp mấy ngày liền, không gượng dậy nổi bởi nỗi đau quá lớn. Vẫn biết làm nghề đi biển thì “hồn treo cột buồm” nhưng sao chúng tôi cũng thấy đau xé tâm can, chồng và con họ giờ trôi nổi ở đâu giữa mênh mông sóng nước?
Có 2 ngư dân là anh em ruột (20 và 24 tuổi) cùng bị mất tích. Người cha là một lão ngư dày dạn kinh nghiệm đã bật khóc khi chúng tôi ghé thăm. Ông nghẹn ngào: “Thằng nhỏ (20 tuổi) vừa xong nghĩa vụ quân sự, nó nói đi chuyến biển này xong, gom góp được ít tiền thì sẽ đi học nghề lái xe. Ngờ đâu...”.
Một ngư dân 26 tuổi, vừa ra biển thì vợ sinh con, nên mọi thông tin về cơn bão quái ác, người nhà giấu không cho cô vợ biết. Đứa con đầu 2 tuổi bị bệnh tim, đứa nhỏ mới sinh được 12 ngày, cha của chúng mất tích giữa bão biển, gánh nặng áo cơm từ nay sẽ đè lên vai người mẹ trẻ.
Ông Trương Đề, Phó chủ tịch UBND TX.Hoài Nhơn, người đồng hành với Đoàn công tác của Báo Thanh Niên, ngậm ngùi: “Nghề đi biển thì chấp nhận rủi ro với sóng nước nhưng chưa bao giờ mất tích một lúc những 23 người như lần này. Đau đớn quá! Rất xúc động là có sự chia sẻ kịp thời của Báo Thanh Niên, đó là nguồn động viên quý báu đối với thân nhân các ngư dân mất tích lúc này”.
3. Cuối năm 2020, bão lũ, sạt lở dồn dập, miền Trung gần như tan hoang. Hoạt động hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai của Báo Thanh Niên vì thế diễn ra liên tục và khẩn trương; các cán bộ, phóng viên của báo tỏa đi khắp nơi, vừa tác nghiệp vừa làm nhiệm vụ cứu trợ, san sẻ yêu thương của bạn đọc đến với những mảnh đời không may mắn. Vất vả và cả hiểm nguy, nhưng chúng tôi vẫn không ngại. Bởi còn gì hạnh phúc hơn khi được góp chút sức mình để giúp người dân ổn định cuộc sống sau sự tàn phá của thiên tai.
Làm chiếc cầu nối giúp đồng bào, không chỉ là nhiệm vụ mà còn là truyền thống suốt 35 năm qua của Thanh Niên. Chúng tôi rất tự hào về điều đó!
Bình luận (0)