Bàng hoàng vụ chồng nhẫn tâm giết vợ và con trai 2 tuổi

Trần Cường
Trần Cường
04/05/2020 08:45 GMT+7

Nhiều cư dân mạng cho rằng, vợ chồng không tránh khỏi những lúc cãi vã nhưng người chồng này quá tàn nhẫn, sát hại cả đứa con 2 tuổi khi mới biết gọi tên bố.

Ngày 3.5, ông Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch UBND P.Bưởi (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cho biết Công an Q.Tây Hồ đang tạm giữ hình sự Quách Văn Nam (31 tuổi) để làm rõ hành vi giết người.

Án mạng sau vụ cãi vã

Theo những người dân tại ngách 378/65 đường Thụy Khuê (P.Bưởi), sáng 2.5, họ nghe tiếng Nam và vợ là chị D.K.H (21 tuổi) cãi vã. Khoảng 9 giờ, công an đến khám nghiệm hiện trường thì mọi người mới biết Nam đã sát hại vợ và con trai Q.P.T (2 tuổi).
“Trước đây, vợ chồng Nam cũng hay xảy ra cãi vã, không ngờ hôm nay Nam giết vợ và đứa con trai duy nhất, quá khủng khiếp!”, một người dân cho hay.
Đứng thất thần trước hiện trường, bà Nga (mẹ của Nam) khóc nghẹn kể Nam là đứa con trai duy nhất, một tay bà nuôi nấng sau khi chồng bỏ đi. 2 năm trước, Nam cưới vợ, cả nhà chuyển về ở cùng bà ngoại (mẹ bà Nga) để tiện chăm sóc nhau.
“Hai vợ chồng nó cũng hay cãi nhau, trước khi xảy ra sự việc cũng lôi nhau ra to tiếng. Tôi đi chợ về gặp nó, nó khóc lóc bảo “con không hầu hạ mẹ được nữa rồi, con vừa giết vợ và con trai”, nói xong nó đi bộ lên trụ sở công an tự thú. Cả đêm qua tôi không ngủ được, thương con, thương cháu, nằm nhìn ảnh gia đình nó mà nước mắt cứ trào ra”, bà Nga nghẹn ngào.

Vợ chồng đừng tranh khôn với nhau

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), cho biết theo thống kê của Bộ Công an, mỗi năm ở Việt Nam xảy ra khoảng 1.200 vụ giết người, trong đó 90% là do nguyên nhân xã hội. Số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm từ 18 - 20%, là tỷ lệ rất cao. Còn theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), mỗi năm ở nước ta xảy ra khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Nghi phạm Quách Văn Nam tại cơ quan điều tra Ảnh: M.H

Nghi phạm Quách Văn Nam tại cơ quan điều tra

Ảnh: M.H

“Có thể thấy bạo lực trong gia đình thường xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ nhặt trong đời sống chung như va chạm, xích mích, ghen tuông, tranh chấp tài sản thừa kế, đất đai… Chúng tôi đã điều tra trọng án rất nhiều và đã bắt những đối tượng giết người nhà, sau đó họ đều cảm thấy ân hận. Đây là hành vi xuất phát từ nhân cách lệch lạc, do sự thoái hóa nhân cách từ trước đó tích tụ lâu ngày, rồi dẫn đến hành vi bạo lực với chính người thân của mình”, trung tá Hiếu phân tích.
Theo trung tá Hiếu, khi bị mắc vào cuộc xung đột gia đình dẫn đến bạo hành thì phản ứng tâm lý chung của tội phạm là nóng giận, hành vi phạm tội mang tính nhất thời, manh động, bộc phát, chứ ít người lên kế hoạch từ trước để gây hại cho người thân.
Tuy nhiên, trong quá trình xung đột, do thiếu kỹ năng làm chủ cảm xúc bản thân, thiếu khả năng kiềm chế và những người trong cuộc có tác động làm cho tội phạm bùng phát cơn nóng giận, gây án với người thân của mình.
“Khi thực hiện hành vi phạm tội, trong sâu thẳm nội tâm tội phạm là sự ích kỷ, cái tôi cao, coi trọng giá trị vật chất, tuyệt đối hóa giá trị cá nhân và coi nhẹ đạo đức, giá trị truyền thống gia đình Việt Nam. Gây án rồi họ mới ân hận”, trung tá Hiếu nói.
Trung tá Hiếu đưa ra lời khuyên: hai vợ chồng, nếu ai nóng giận thì người kia nên bớt lời, tuyệt đối không tranh khôn với nhau và nên rời đi, chờ bình tĩnh thì về đóng cửa bảo nhau. “Đừng kích động một người đang bức xúc, có dấu hiệu mất kiểm soát. Người gây nên nguồn cơn bức xúc lúc đó nên lánh đi...”, trung tá Hiếu khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.