Bánh mì hấp gia truyền lạ miệng, khách ăn bỗng thành 'người đẹp' ở Sài Gòn

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
02/12/2018 12:19 GMT+7

Món bánh mì hấp lạ miệng và cô chủ quán vui tính là lý do quán bánh mì hấp ở số 83 Cô Giang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) níu chân thực khách và bán hơn 100 phần mỗi ngày.

Đến quán ăn là thành “người đẹp”

Vừa chuẩn bị vào quán là đã nghe tiếng chủ quán gọi vọng ra: “Người đẹp dùng gì người đẹp?”. Cách đón khách đặc biệt của quán bánh mì hấp Cô Giang đã tạo được thiện cảm cho không người.

Quán bánh mì hấp nằm ở gần chợ Cô Giang, để ý kỹ một xíu thì không khó để tìm ra. Không gian quán sạch sẽ thoáng mát nhưng thiếu mặt bằng nên hơi ít bàn ghế. Quán mở cửa từ 11 giờ đến 18 giờ. Nếu muốn thưởng thức bánh mì hấp mà ngại đông đúc thì thực khách nên đến tầm 14 giờ là lúc quán vắng khách nhất.

[VIDEO] Bánh mì hấp gia truyền khiến thực khách phải… ghé hoài
Bánh mì sẽ được hấp bằng xửng tre để hơi ẩm giữ được lâu và đều

Chị Lê Thị Hồng Thúy (38 tuổi, chủ quán) tâm sự: “Quán này là quán lâu đời nhất ở khu này. Trước đây mẹ chị là chủ quán, giờ chị nối nghiệp mẹ. Trước đây nhà chị bán cơm tấm, cũng đông khách lắm nhưng vì mặt bằng nhỏ hẹp quá nên chuyển sang bán món khác. Lúc đó món chủ yếu là bánh mì bì, nhưng một thời gian thì người ta sợ bì sử dụng chất tẩy nên không dám ăn nhiều. Từ đó chị thêm món bánh mì hấp vào thực đơn và là món thu hút thực khách đến tận bây giờ”.

Nghe thì hơi lạ nhưng chủ quán và thực khách ở quán bánh mì hấp gọi nhau thân mật bằng “người đẹp” khiến thực khách dù khó tính đến mấy cũng bất giác cười. Khách quen của quán cũng gọi cô chủ và người làm ở quán là “người đẹp” khi gọi món hay tính tiền. Chủ quán rất thân thiện nên khách cũng vì thế mà cởi mở hơn hẳn, hiếm lắm mới gặp một vị khách khó chịu.

Chị Thúy nói vui ngày nào khách mở hàng mà ngồi lại ăn thì y như là ngày đó khách ngồi lại quán rất đông. Ngược lại nếu mở hàng là khách gọi giao thì ngày đó đều là đơn đặt hàng chứ ít khách ngồi lại.

Không gian quán sạch sẽ và thoáng mát nhưng hơi hẹp nên chỉ gồm vài bộ bàn ghế, lúc khách đông thì bàn ghế được xếp thêm qua nhà hàng xóm

Chị Nguyễn Lý Ngọc Trinh (30 tuổi) chia sẻ: “Chị ăn ở đây từ hồi mẹ chị Thúy còn bán đến bây giờ. Đồ ăn ở đây rất ngon, sạch sẽ mình ăn như là ở nhà mình vậy. Cô chủ cũng rất dễ thương nhiệt tình làm mình cảm giác thoải mái. Chị đang có em bé nữa nên là phải chọn quán kỹ hơn một chút”.

Dụng công trong chế biến

Bánh mì hấp từ lâu đã là món ăn không xa lạ đối với người dân Sài Gòn. “Nguồn gốc của món ăn dân dã này xuất phát từ việc những người dân nghèo được cấp phát bánh mì. Nhưng ăn bánh mì không thì khô và không ngon nên người ta cải biến bằng cách hấp bánh mì lên rồi cho thêm thịt bằm, sắn sợi, mỡ hành, hành phi vào. Đều là những nguyên liệu gần gũi nên món ăn cũng vì thế mà rất nhanh trở nên quen thuộc và được nhiều người yêu thích”, chị Thúy kể.

Một phần nhỏ một người ăn có giá 40.000 đồng, phần lớn là 60.000 đồng  LÊ HỒNG HẠNH


Điểm cộng đầu tiên cho món bánh mì hấp Cô Giang là ở khâu trình bày đẹp mắt và hấp dẫn. Một phần nhỏ một người ăn có 40.000 đồng phần lớn là 60.000 đồng có bánh mì hấp, sắn sợi, hành phi, mỡ hành, thịt bằm, đậu phộng, cuốn với rau sống kết hợp với nước mắm ngon.

Bánh mì được chị Thúy hấp mềm vừa phải nên không bị nhão, nóng hổi, nhân trên thịt và củ sắn nhiều, ăn một miếng là ấm bụng ngay. Đặc biệt là nước mắm chua ngọt rất vừa miệng, rau rất tươi và sạch sẽ, không có một lá nào bị dập hay bị héo.

Chị Nguyễn Thụy Quế Minh (28 tuổi) chia sẻ: “Chị ăn bánh mì hấp ở đây cũng được khoảng 6 năm rồi và rất thường xuyên ghé lại ăn. Thứ làm chị thích nhất là rau rất nhiều, nước chấm rất vừa miệng và hợp khẩu vị”.

Không chỉ người lớn mà trẻ con cũng đặc biệt thích ăn món bánh mì hấp ở quán

Chị Thúy cho biết: “Bánh mì sẽ mua từ ngày hôm trước, sau đó cột vào túi ni lông để qua đêm cho bánh tự dịu lại. Một ổ bánh mì sẽ được cắt ra làm bốn phần, hấp bằng xửng tre để giữ hơi được lâu và bánh nóng đều. Công đoạn hấp bánh cũng không đơn giản, lửa phải được giữ đều, lúc để bánh mì vào nồi hấp phải xịt thêm một ít nước để bánh mềm nhưng không được xịt nhiều quá tránh bánh bị nhão ăn không ngon".


"Sau khi khách gọi thì mới lấy bánh mì ra từ xửng tre, cắt nhỏ ra làm tám phần rồi cho mỡ hành, hành phi, thịt xào với sắn được bào sợi, đậu phộng. Dù là mỡ hành, nước mắm, hành phi hay đậu phộng thì cũng là chị tự tay làm chứ không mua từ chợ về”, chị chủ quán cho hay.

Tưởng công đoạn hấp bánh xào nhân đã là công phu nhất rồi nhưng theo chị Thúy thì công đoạn lặt, rửa rau mới là công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất.

Mỗi tối chị Thúy sẽ mất khoảng 3 tiếng để lặt rau và 2 tiếng để rửa. Rau sẽ được lặt kỹ, rửa qua rất nhiều lần nước cho thật sạch và để ra rổ phơi cho ráo nước. Một rổ rau sống để ăn kèm với bánh mì hấp gồm có rau cải bẹ xanh, rau xà lách, rau thơm. Người phục vụ quán nom khách nào ăn gần hết rau là sẽ tự động cho thêm rau ngay, hầu như khách không phải chủ động xin thêm.

Ngoài món bánh mì hấp vốn đã rất nổi tiếng ra thì quán còn có một số món khác như bún tầm bì, bún tầm bì xíu mại, bánh mì bì, bánh mì xíu mại, bánh plan,... được lòng rất nhiều thực khách.

Là một món ăn dân dã nhưng để mang món bánh mì hấp đến cho thực khách không phải là điều dễ dàng mà luôn đòi hỏi sự dụng công trong chế biến. Chính vì vậy, bánh mì hấp từ một món ăn mới lạ đã dần trở nên quen thuộc không chỉ với người Sài Gòn mà cả những vị khách ở xa có dịp đến đây. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.