Thu nhỏ bánh mì
Làm giáo viên mầm non 10 năm tại một trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ, trong những lần dạy môn bé tập làm nội trợ, chị Vân nảy sinh ý tưởng thu nhỏ bánh mì.
“Khi đó, thấy các em khó khăn khi cầm trên tay những ổ bánh mì to để nhét nhân bánh vào. Vậy nên tôi nảy sinh ý tưởng thu nhỏ những ổ bánh mì này. Mặt khác, với bánh mì tí hon sẽ vừa đủ cho phần ăn của bé, vừa không gây ngán lại khiến bé thích thú hơn”, chị nói.
Sau khi nghỉ dạy tại trường mầm non, chị Vân theo học làm bánh và quyết định mở lò bánh mì tí hon vào đầu năm 2020.
Những ổ bánh mì đã được chị "biến hình" gây chú ý. Những chiếc bánh ra lò chỉ nhỉnh hơn ngón tay, nhỏ hơn 6 - 7 lần so với ổ bánh mì thường khiến ai nhìn cũng thích thú và tò mò.
|
|
|
Đối với bánh mì thông thường, mỗi ổ sử dụng khoảng 100gr bột, riêng đối với bánh mì tí hon chỉ dùng vỏn vẹn 15gr bột. Mỗi ngày, chị cho ra lò hơn 100 ổ bánh mì lạt tí hon (để bán bánh mì thịt); 150 ổ bánh mì ngọt và 300 ổ bánh mì thanh long. Sắp tới, cửa hàng sẽ làm thêm bánh mì bí đỏ tí hon.
Với những ổ bánh mì tí hon nhân thịt, mỗi ổ sẽ được cho vào 1 trong 5 vị khác nhau như: chả lụa, thịt nguội, ốp la, pa tê gan và chà bông. Giá bán 4.000 đồng/ổ.
“Do bánh mì quá nhỏ, không thể để một lúc nhiều vị khác nhau vào chung 1 ổ được. Vậy nên tôi tách riêng từng vị ra từng ổ, như: ổ thì để thịt nguội, ổ để chả lụa, ốp la... Riêng nhân ốp la cũng dùng trứng cút, chứ không phải trứng gà như bánh mì thường”, chị nói.
|
|
|
|
Lắm công phu
Theo chị Vân, cách làm bánh mì truyền thống sẽ có người dạy nếu đi học. Riêng đối với bánh mì tí hon thì do cá nhân thử nghiệm nhiều lần mới thành công.
“Bánh mì được tôi nghiên cứu làm hàng tháng trời, thất bại không biết bao nhiêu lần, hàng chục kg bột làm bị lỗi phải đổ bỏ cho cá ăn. Ban đầu tôi thu nhỏ dần dần, đến khi đạt một kích thước thích hợp nhất mới tung ra thị trường”, chị cho biết.
Do chưa có máy, thiết bị chuyên dụng hỗ trợ cho việc làm bánh tí hon nên các công đoạn như: nhồi bột, tạo hình… đều phải làm thủ công.
Trong quá trình làm cần sự tỉ mỉ và mất thời gian nặn hơn do kích thước nhỏ và trải qua nhiều công đoạn như: Đánh bột, tạo hình, ủ bột, nướng bánh. “Tỉ lệ hao hụt khi làm bánh rất lớn, khoảng 50%. Như làm ra 100 ổ thì chỉ có 50 ổ có thể xuất bán được”, chị Vân kể.
Bé Đặng Nguyễn Minh Châu (8 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều) cho biết: "Sáng nào con cũng qua đây mua bánh mì ăn. Nhìn bánh nhỏ xíu, giống như đồ chơi, nhìn thích lắm. Bánh vừa nhỏ, vừa ngon nữa nên con mê luôn”.
Vẫn chỉ là những chiếc bánh mì mang hình dáng thoi, màu vàng nhạt, thơm mùi bột thoảng nhẹ mùi men, chỉ khác là nó tí hon. Những sáng tạo của những người thợ miền Tây đã mang lại một nét tươi mới cho loại bánh mì truyền thống của Việt Nam.
|
|
|
Bình luận (0)