Những mùa Trung thu trước, trung bình mỗi ngày cửa hàng tạp hóa của chị Trần Thị Hương trên phố Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân) bán từ 10 -15 hộp bánh. Năm nay, dù đã hết tháng "cô hồn", qua mùng 1 tháng 8, thỉ thoảng mới có khách hỏi mua. Chị Hương cho hay: “Cửa hàng của chúng tôi chỉ lấy bánh “công nghiệp” của các hãng tên tuổi như: Kinh Đô, bánh kẹo Hà Nội, Hải Hà, Bibica, Yến sào Khánh Hòa…Năm nay, các hãng đều có chiết khấu cao cho các đại lý, nhưng tình hình chung đều bán chậm. Chúng tôi phải cắt giảm chi phí, không thuê nhân viên bán hàng. Với khách mua lẻ, mỗi chiếc bánh cửa hàng giảm cho khách từ 3.000 - 4.000 đồng. Nếu khách mua từ 10 hộp trở lên được chiết khấu 10%”.
Theo lời chị Hương, dù chưa hết mùa, nhưng tính sơ bộ năm nay doanh thu bánh trung thu của cửa hàng sụt giảm khoảng 30% so với mùa trước. Nguyên nhân là do ngày càng có nhiều phương thức bán hàng như bán online, ký hợp đồng với các cơ quan…Chưa kể người dân ngày càng có xu hướng giảm ăn ngọt, nên họ quay sang mua các loại bánh thủ công, tự làm.
|
Tại phố chuyên bán bánh trung thu như: Phạm Ngọc Thạch, Võ Thị Sáu, Phố Huế…so với những năm trước, số lượng các quầy bánh đã giảm rất nhiều. Những cửa hàng còn trụ lại, cũng trong tình hình ảm đạm. Anh Đức Anh, chủ ki-ôt bánh trung thu trên phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) than thở: “Mở quầy từ sau rằm tháng 7 đến nay, ngày bán nhiều lắm cũng chỉ được 20 chiếc. Khách đa phần là mua lẻ, còn những hộp cao cấp trên 1 triệu đồng/hộp ít người mua. 3 năm nay, thị trường bánh trung thu rơi vào điểm trũng, cứ tình hình này, đại lý thuê cửa hàng 2 tháng, chắc chỉ bán được 4 ngày cận rằm tháng 8”.
Trong khi sức mua của người tiêu dùng ngày một giảm, năm nay các hãng bánh tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/ chiếc loại thường và vài chục nghìn/chiếc loại cao cấp càng khiến cho thị trường khó khăn. Trần Thị Lanh, nhân viên cửa hàng bánh Hữu Nghị cho biết: “Bánh Hữu Nghị bán giá trung bình từ 42.000 - 50.000 đồng/chiếc, hộp đắt nhất là 450.000 đồng, rẻ hơn so với các hãng khác, thế mà khách vẫn chê đắt”.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, chủ đại lý bánh trung có 10 năm kinh nghiệm tại Hà Nội chia sẻ: “Đúng là thị trường năm nay có giảm, thuê quầy, thuê nhân viên bán hàng không còn hiệu quả, mà lại phải chi phí thêm đến vài chục triệu. Chúng tôi tăng cường bán hàng online, giữ các mối hợp đồng cũ nên mức giá bánh sau khi chiết khấu 140.000 - 160.000 đồng/hộp được xem là phù hợp để nhiều các cơ quan, doanh nghiệp mua làm quà tặng cho cán bộ, nhân viên”.
tin liên quan
Cơ sở sản xuất bánh trung thu không đảm bảo vệ sinhMột cơ sở sản xuất bánh trung thu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM vừa bị cơ quan chức năng phát hiện.
Trong khi bánh “công nghiệp” ế ẩm, sức mua chậm, bánh trung thu truyền thống dù không chiết khấu, giảm giá vẫn đắt hàng. Chị Vũ Thu Thủy, chủ cửa hàng bánh trung thu Bảo Phương trên phố Thụy Khuê (quận Ba Đình) cho hay: “ Mỗi ngày cửa hàng cung cấp khoảng 1.000 hộp, trong đó, số lượng khách đặt 400 - 500 hộp còn lại không đủ bán lẻ. Cửa hàng nhận đặt bánh từ rằm tháng 7, các ngày từ 8 -12.9 âm lịch đều đã đặt kín chỗ. Bánh của chúng tôi sản xuất đến đâu, bán đến đấy, nên khách đặt muộn, số lượng lớn bất khả kháng chúng tôi đành từ chối”.
Bình luận (0)