Bức xúc vì vật nuôi dính bẫy
Những ngày qua, gia đình ông Biện Văn Bình (60 tuổi, ngụ thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ) đang phải tìm cách chữa trị cho con trâu cái bị thương do dính bẫy thú trong khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
Ông Bình kể, gia đình ông và nhiều hộ dân trong xã lâu nay có truyền thống nuôi trâu thả rông trong khu bảo tồn vì ở quê không có đồng cỏ để chăn dắt. Chiều một ngày đầu tháng 2.2020, ông Bình và 2 người dân trong thôn là chị Dương Thị Thìn (44 tuổi) và anh Lê Hữu Thanh (48 tuổi) lên địa điểm thả trâu ở khu vực Khe Mước thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ để thăm đàn trâu của gia đình.
“Vào đến nơi, chúng tôi hoảng hốt khi phát hiện 1 con trâu của gia đình tôi và 1 con trâu của gia đình chị Thìn đang mắc vào bẫy thú, chân không thể thoát ra được. Còn anh Thanh thì phát hiện đàn trâu của gia đình bị mất 1 con. Tìm ở khu vực gần đó mới biết con trâu này đã bị xẻ thịt, kẻ xấu chỉ để lại phần đầu và chân dính bẫy”, ông Bình nhớ lại.
Kể về con trâu của gia đình bị mắc bẫy thú, chị Thìn thở dài: “Do bị bẫy thú thắt chặt vào chân nên con trâu nhà tôi bị thương nặng hơn con trâu của gia đình ông Bình. Sau khi đưa về nhà, trâu không thể đứng vững nên ngã chết…”.
Còn chị Hoàng Thị Hiền (vợ anh Thanh) bức xúc: “Hôm đó chồng tôi vào thì phát hiện con trâu gần 2 tuổi của gia đình đã bị xẻ thịt. Vị trí con trâu bị giết hại chỉ cách trạm bảo vệ rừng số 1 của khu bảo tồn khoảng 300 m”.
Theo các hộ dân nói trên, sau khi phát hiện trâu bị dính bẫy thú, họ đã cùng nhau đi tìm xung quanh khu rừng rộng khoảng 2 ha và gỡ được 300 chiếc bẫy thú đưa về giao nộp cho công an xã. Những chiếc bẫy làm bằng dây thép, phanh xe được kẻ gian đặt dưới nền đất và phủ lớp lá cây che lấp. Do vậy, bất cứ loài động vật nào đi qua vô tình giẫm trúng sẽ dính bẫy.
Khó bắt người bẫy thú ?
Trước tình trạng đáng báo động này, Công an xã Cẩm Mỹ phối hợp với Công an H.Cẩm Xuyên và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ vào cuộc điều tra, truy tìm thủ phạm xẻ thịt trâu nuôi của người dân và xử lý tình trạng săn bắt thú rừng trái phép.
Ông Hà Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ, cho biết toàn xã có khoảng 50 hộ dân nuôi trâu thả rông với số lượng khoảng 300 con. Việc nuôi trâu theo hình thức thả trong rừng được người dân duy trì suốt mấy chục năm nay. Nhờ chăn nuôi trâu mà nhiều hộ gia đình có của ăn, của để.
Ông Hùng nói: “Sau khi người dân báo tin về việc trâu mắc bẫy thú và bị xẻ thịt, chính quyền xã phối hợp với công an huyện đã vào trực tiếp khám nghiệm hiện trường. Việc khoanh vùng đối tượng gặp rất nhiều khó khăn vì qua nắm bắt, có cả người dân địa phương và người ở các nơi khác ra vào khu bảo tồn để bẫy thú rừng. Trách nhiệm này trước hết thuộc về ban quản lý khu bảo tồn khi để xảy ra tình trạng bẫy thú rừng được giăng khắp nơi mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để…”.
Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, thừa nhận tình trạng kẻ xấu lợi dụng vào rừng để đặt bẫy săn thú xảy ra từ nhiều năm nay, do một nhóm người dân ở các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thực hiện. Mặc dù đơn vị này thường xuyên có kế hoạch tuần tra và giao trách nhiệm cho 9 trạm kiểm soát bảo vệ rừng và 1 đội cơ động truy quét nhưng để bắt quả tang được người đặt bẫy thú là vô cùng khó khăn vì họ thường nói đi lấy lá nón, lấy mây hoặc đi thăm trâu.
Theo ông Đức, do khu bảo tồn có diện tích rất rộng, lên đến 45.000 ha nằm trên địa bàn của 4 huyện và có nhiều loại rừng nên việc quản lý người dân vào rừng rất khó. Trong năm 2019, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phối hợp với lực lượng kiểm lâm và người dân đã gỡ được hàng ngàn bẫy thú các loại. Hiện nay, trong khu bảo tồn có nhiều loài động vật như lợn rừng, sóc, chồn và một số loài động vật hoang dã quý hiếm khác. Trong khi đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ vẫn chưa tìm ra cách hữu hiệu để bảo vệ nên các loài động vật đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa.
Bình luận (0)