Ngày mùng một, thứ tư đầu tiên của tháng tư. Sau một buổi chiều hôm trước xôn xao người người chợ búa. Tối ấy, tất cả các đài truyền hình phát đi những thông tin điều chỉnh cách hiểu đúng về Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về “cách ly xã hội”. Ngay lập tức, một khung cảnh chưa từng có diễn ra. Tất cả người người, nhà nhà hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện. Mới hay, đứng trước sự sống còn, sinh tử ai nấy cũng đều phải nghĩ cho mình và cho cộng đồng. Việt Nam đạt mức điểm tuyệt đối về tiêu chí chống dịch, ít quốc gia nào có được.
Lúc này, công nghệ thông tin cũng đạt đến mức tối đa của sự vận hành. Mới thấy, những tiến bộ vượt bậc về mạng lưới viễn thông đã giúp cho một quốc gia xử lý những vấn đề “cận khủng hoảng” hiệu quả ra sao.
Mỗi ngày, trong dòng chảy ấy, tôi nhận được không biết bao nhiêu thông tin về đại dịch. Người thân quen nơi này nơi kia í ới nhắc nhở, hỏi han nhau. Các kênh thông báo của Bộ Y tế, của thành phố nơi mình đang sống, hằng phút hằng giờ cập nhật. Tôi gọi đó là “những lá thư mùa dịch”. Nói vậy để bớt khô khan hơn chút. Quả thật, thông tin từ khuyến cáo cho đến chỉ dẫn tận tình của cơ quan chuyên môn, phân tích những yếu tố về dịch tễ học dồn dập dội về, đã cung cấp rất nhiều kiến thức bổ ích cho mọi người.
Tôi còn nhớ, một chỉ dẫn rất cần thiết của một vị PGS-TS chuyên ngành về tâm thần học cũng “nhảy” vào điện thoại di động. Rất đúng lúc và bổ ích, ông ấy lấy một câu làm tựa đề cho một bài test rất hữu dụng khiến ai cũng chú ý: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tâm lý của bạn thế nào? Tác giả chia làm 3 bộ test để mọi người tự cho mình mức điểm, nhằm phân loại mình thuộc dạng nào, như bộ test về tình trạng lo lắng quá mức; bộ test về tình trạng hoảng sợ; bộ test về tình trạng triệu chứng cơ thể.
Tối 11.4, một bác sĩ nhắn tin với tôi rằng: “Việt Nam mình chặn dịch vậy là giỏi. Việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai là một chiến thắng lớn của nền y học nước nhà”. Lời khen ấy không phải tạo ra một tâm lý chủ quan, mà bởi vị bác sĩ ấy đã đọc rất nhiều tài liệu chuyên môn, tổng hợp rất nhiều nguồn thông tin, mà đúc kết lại. Nên khi tìm lại và thử áp dụng bài test của vị bác sĩ nói trên hướng dẫn, tôi được dưới 9 điểm, là mức điểm bình thường, tâm lý ổn định. Có lẽ, cách đó khoảng 2 tuần, tôi sẽ ở khung 12 - 14 điểm, là có triệu chứng lo âu khi nghe có thêm các ca bệnh...
Cũng vậy, trong các bức thư gửi về từ nước ngoài, cảm ơn các bác sĩ và lực lượng y tế đã cứu mình khỏi dịch bệnh, với những lời lẽ rất trân trọng và quý mến, tiếp tục cho tôi một niềm tin rằng những chủ trương sáng suốt, bắt nguồn từ ý kiến tổng hợp của các chuyên gia y tế Việt Nam, sẽ đưa chúng ta ra khỏi “vòng xoáy đại dịch” đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Như hôm nay ngồi làm việc qua máy tính, lại tiếp tục nhận được thêm nhiều lá thư của bạn bè khắp nơi gửi về, nghe như có tiếng lao xao thầm thì rằng: Hãy vững tin, dù chúng ta có tiếp tục cách ly hay không, thì điều đó cũng đã được cân nhắc rất thấu đáo đến mức tận cùng, để không có sai lầm nào xảy ra.
Như PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), đã nói trên vài tờ báo cách đây vài hôm: “Cách ly 15 ngày chưa phải là nhiều. Có những nước thực hiện cả tháng, thậm chí gần như phong tỏa. Tuy nhiên, tùy tình hình dịch bệnh, mỗi quốc gia sẽ áp dụng phù hợp”.
Với ý kiến riêng, tôi nghĩ rằng, dù có rất nhiều thiệt hại về mặt kinh tế, song dù phải cách ly hay dỡ bỏ lệnh “cách ly xã hội”, cũng là việc tốt cho mọi người. Và qua đó, chúng ta có thêm rất nhiều trải nghiệm. Những kinh nghiệm ấy rất quý giá cho hiện tại và tương lai, để Việt Nam bước qua một mùa dịch bình yên!
Bình luận (0)