Hai cô gái bước vào phòng xử, tay chân run rẩy. Họ ngồi vào hàng ghế đại diện cho bị hại, nhưng những gì họ làm trong phiên tòa này, là cố gắng cứu bị cáo thoát khỏi án tử đang treo lơ lửng. Hai cô gái nước mắt ngắn dài. Giọt dành cho mẹ đã không còn nữa, giọt dành cho bố đang cúi đầu trước tòa án và lương tâm…
Ám ảnh kinh hoàng ngày... bố giết mẹ
Một ngày như mọi ngày, Lan (21 tuổi) đi học về và đẩy cửa bước vào nhà. Hôm nay có bố về chơi, cô đã nghĩ về một bữa cơm chung mà rất lâu mới có dịp quây quần.
tin liên quan
Nước mắt người cha cướp tài sản: 6 con thơ bơ vơ rời tòa về bốn ngảSự im ắng bất thường trong nhà bất giác khiến Lan rùng mình. Cô lên tiếng gọi, vẫn không có ai trả lời. Linh tính thúc những bước chân cô bước lên tầng lửng, nơi căn phòng của bố mẹ.
Tất cả những gì Lan thấy sau đó, đều nhuộm một màu đỏ kinh hoàng. Màu đỏ loang ra từ những vết đâm trên đầu mẹ cô đã nằm bất động. Màu đỏ không ngưng tràn ra sàn từ những vết cắt nơi ngực, cổ và tay bố cô đang nằm thoi thóp. Màu đỏ còn vương vất trên con dao cạnh bên, khiến Lan choáng váng, hét lên thất thanh.
|
12 giờ trưa, tiếng xe cấp cứu inh ỏi trong xóm nhỏ, xen trong tiếng người ta bàn tán xôn xao về vụ một người chồng đâm vợ mình rồi tự tử.
tin liên quan
Nước mắt 3 người phụ nữ trong một phiên tòa: Những đứa trẻ sẽ về đâu?Tất cả đổ sụp bằng những nhát dao oan nghiệt của người đàn ông, khiến vợ mình chỉ còn là một tấm di ảnh. Đám tang vợ, người đàn ông ấy cũng không có mặt để đeo khăn trắng, làm trọn nghĩa một người chồng, một người cha. Nằm 10 ngày ở bệnh viện, Thần Chết mới bỏ qua người đàn ông tên Lâm ấy.
Phải chăng là một cơ hội cho ông sám hối, hay là cơ hội để Linh và Lan sau mất mát vẫn còn một người cha bên mình?
Phiên tòa 'lương tâm'
“Những ngày còn sống ở Hải Phòng, vợ chồng ảnh đã lục đục rồi, cũng do chị nhà làm ăn thua lỗ. Trước khi cắn răng bán căn nhà khang trang ngoài đó rồi vào Sài Gòn, ảnh đã từng tự tử một lần vì bế tắc…”, em trai của ông Lâm (51 tuổi, bị cáo) kể.
Giữa năm ngoái, bà Hoa (vợ Lâm) tiếp tục mang toàn bộ số tiền dành dụm của hai vợ chồng đi cho vay lấy lãi. Chẳng ngờ con nợ trốn biệt, bà Hoa lại tiếp tục đi vay nóng một số tiền lớn về để tiếp tục cho vay. Lâm đi làm ở xa, chẳng ngăn được vợ mình. Ngày biết toàn bộ số tiền dự tính cuối năm xây nhà không còn, Lâm suy sụp. Trước đó, công việc làm ăn xa của Lâm cũng chẳng thuận lợi gì.
|
Nhưng mất tiền chẳng bằng mất niềm tin. Cũng trong suốt khoảng thời gian đó, Lâm nhận ra sự thay đổi nơi bà Hoa. Những lần bà lén lút nhắn tin, nghe điện thoại, biểu hiện khác lạ,… khiến mối nghi ngờ về sự phản bội lớn dần trong ông. Ông Lâm nhiều lần cãi cọ với vợ, đòi xem điện thoại nhưng bà Hoa kiên quyết không cho.
Cũng trong một sáng to tiếng như thế, tất cả cảm giác thất bại của một người đàn ông hóa thành phẫn uất dâng đến đỉnh điểm. Ngay sau câu bà Hoa đính chính “em không làm gì có lỗi với anh cả”, ông Lâm giết vợ và tự kết liễu mình. Lúc đó, ông Lâm chắc không nghĩ đến đoạn đời sau của hai cô con gái…
Chẳng ai biết bà Hoa có lầm lỗi với ông Lâm hay không. Chiếc điện thoại của bà đã không được tìm thấy để phục vụ điều tra...
Linh trở về Phú Quốc, gắng gượng tiếp tục công việc dang dở của bố. Cô nói, cô hận bố. Lan cũng thế, rất hận bố! Cô dì chú bác khuyên Linh và Lan hết lời, rằng nếu bà Hoa còn sống, chính họ cũng sẽ không tha thứ cho những gì ông Lâm làm. Nhưng bà đã chết, Linh và Lan phải hiểu: mất một người là quá đủ, đừng làm điều khiến mình phải ân hận sau này!
|
212 ngày đằng đẵng chờ hôm xét xử, Lan và Linh từng giờ đếm đủ những đớn đau. Một bên là mẹ, một bên là bố, có nghiệt ngã nào hơn? Nhưng cuối cùng thì, tờ đơn bãi nại cũng được hai cô gái viết ra, thay cho cái gật đầu tha thứ.
“Con đã từng rất giận bố, cho đến khi con nhớ về những ngày bố đưa con đi học, những lần bênh vực con khi bị mẹ đánh. Hai mươi mấy năm trong nhà, con chưa một lần thấy bố gây gổ hay đánh mẹ trước mặt tụi con. Cho nên, con vẫn tin bố là một người bố tốt…”, Linh nấc nghẹn, trả lời chủ tọa trong phiên xử, nhưng ánh mắt cô chăm chăm nhìn về bố.
18 năm tù khép lại một phiên tòa, khép lại phần nào những nỗi đau nghiệt ngã. Phiên tòa không buộc tội nặng nề, chẳng xét hỏi gay gắt. Phiên tòa chỉ mang tất cả lương tâm vốn có của một người chồng, một người cha ra để thức tỉnh. Và phiên tòa chỉ để Lan và Linh nhận ra rằng, hôm nay, mình đã chấp nhận tha thứ lỗi lầm của người đàn ông đứng kia.
Vẫn sẽ còn một gia đình, khi mọi thứ đã qua đi.
Bình luận (0)