Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một group cộng đồng mang tên NGHIỆN NHÀ. Nơi đây, những tính đồ yêu nhà bỗng có thể thoải mái chia sẻ về tổ ấm của mình trong những ngày cách ly xã hội để chống dịch Covid-19.
Dành toàn bộ thời gian làm việc online mùa cách ly xã hội chống dịch Covid-19, với Phạm Văn Phong, chủ nhân ngôi nhà gỗ tự làm được cộng đồng mạng ưa thích, lại là niềm vui, anh không ngại chia sẻ bản thân là một người “nghiện nhà” thứ thiệt
Một mình ốp gỗ
Ngôi nhà của anh Phạm Việt Phong (30 tuổi) khá nhỏ với 1 phòng ngủ, 1 phòng vệ sinh, 1 phòng khách bếp liên thông, 1 ban công được ốp tường bằng gỗ thông. Sản phẩm hoàn thành sau hơn 3 tháng, anh Phong phải cân bằng giữa công việc và thời gian để làm nhà.
“Phải khoe khắp mọi nơi để truyền bá tư tưởng tự làm nhà của mình cho cả thế giới. Các bác có dính chút nghề thiết kế hãy thử một lần giống em đi, vừa thú vị vừa tiết kiệm mà rất vui”, anh viết trong group cộng đồng.
|
|
Anh Phong từng là kiến trúc sư một thời gian nhưng sau đó chuyển sang làm bộ phận kỹ thuật. Trước đây anh sống chung với đại gia đình nhưng sau khi lập gia đình thì mua nhà trả góp chung cư Ricecity Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội).
Phần vì đam mê việc tự làm nhà, phần quyết tâm làm một cái gì đấy đặc biệt để đời, phần vì không có đủ chi phí nên anh Phong đã lên kế hoạch thiết kế, tìm hiểu vật liệu từ trước khi nhận nhà một năm.
Nghĩ là làm, anh tự mua một số lượng gỗ thông lớn về. Để có thời gian làm nhà, ban đầu anh Phong xin nghỉ 2 tháng không lương. Nhưng vì lý do công việc, nên cơ quan chỉ cho phép anh nghỉ nửa buổi và vẫn phải đi làm vào buổi sáng. Trong vòng 3 tháng, anh Phong nghỉ nửa buổi ở nhà, nhận 1/2 lương và cố gắng để hoàn thành ngôi nhà trong mơ của mình.
“Căn hộ của mình chỉ có 57 m2 là mua trả góp mà tiền gỗ mua hết gần 10.000.000 đồng còn tiền ship mất gần 1.000.000 đồng”, anh kể.
|
|
Mất 2 tháng cho riêng phần gỗ, 1 tháng cho các phần còn lại như sơn, điện, trang trí. Anh tâm sự, vì không phải người chuyên lao động chân tay và cũng không phải chuyên nghề mộc nên làm ra ngôi nhà ốp gỗ khá vất vả. Trong quá trình làm nhiều lúc anh khá nản nhưng rồi cuối cùng cũng hoàn thành.
Anh Phong cũng giải thích thêm, khó nhất là phần thiết kế vì thiết kế phải sao cho đẹp mà kỹ thuật đơn giản để dễ làm hơn. Nhưng phần khổ nhất lại là xử lý gỗ cho mịn. Là gỗ thông nên anh phải xử lý trà mịn 2- 3 lần. Tiếp đó, anh quét 2 lớp chống thấm nước và 1 lớp bảo vệ bề mặt để môi trường ẩm ở bếp cũng không ảnh hưởng gì.
“Phần gỗ thì tôi làm một mình, bố mình có giúp phần điện. Làm một mình nên độ khó cũng tăng cao vì nhiều lúc phải vừa giữ vừa khoan. Tại muốn làm một mình nên khổ vậy chứ thực sự nên làm 2 người cho tiện và đỡ nguy hiểm”, anh chia sẻ.
|
|
|
|
“Không bao giờ rời nhà quá 2 ngày”
Ngôi nhà hoàn thành, những người đầu tiên anh Phong khoe nhà mới là gia đình. Anh bộc bạch bố mình là kiểu lạnh lùng không thể hiện, nhưng anh biết là trong lòng ông cũng rất ngạc nhiên, còn mẹ thì thể hiện ngạc nhiên ra mặt.
“Trước đấy mấy năm tôi còn không biết cầm cái máy khoan gia đình, nên trong mắt bố mẹ, tôi là 1 thư sinh không biết làm gì. Với lại cũng sợ hỏng việc nên tôi tự làm mà giấu tất cả mọi người, đến khi hoàn thành mới dám nói cho gia đình”, anh nói.
Về lý do chọn nguyên liệu gỗ và sắt mà không phải là bất cứ nguyên liệu nào khác, anh Phong chia sẻ những nguyên liệu trên sẽ tạo cảm giác ấm cúng hơn, chứ các vật liệu khác hơi lạnh lẽo.
|
Cũng chính vì “nghiện nhà” của mình, anh Phong không bị ảnh hưởng bởi việc phải ở nhà 24/24 để phòng dịch Covid-19. “Trước dịch tôi cũng chỉ ban ngày đi làm còn tối về nhà. Hầu như ít khi đi chơi bên ngoài vì ở nhà nhiều cái chơi quá, và trước dịch cũng tụ tập bạn bè ở nhà nhiều vào những ngày cuối tuần. Tôi xem nhà như đứa con của mình vậy, đi đâu cũng chỉ muốn về nhà cho nhanh, không bao giờ rời nhà quá 2 ngày”, anh nói.
|
Sau khi hình ảnh về ngôi nhà của anh Phong được chia sẻ lên nhóm NGHIỆN NHÀ, rất nhiều người quan tâm và liên hệ anh để hỏi cách làm. Anh Phong vẫn chỉ dẫn nhiệt tình nhưng không quên nhắc nhở những bạn chưa từng làm hoặc không biết dùng máy móc thì cũng không nên tự làm vì hơi nguy hiểm và không lường trước được khó khăn.
“Làm bằng gỗ thông rẻ tiền nên chỉ sợ được 1 thời gian rồi hỏng hóc, cong vênh, ẩm mốc. May quá, được 1 năm trải qua xuân, hạ, thu, đông rồi mà vẫn không sao cả. Mong rằng 10 năm nữa vẫn sẽ như bây giờ”, anh Phong nói.
Bình luận (0)