Theo số liệu đưa ra tại “Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần” tổ chức tại Hà Nội ngày 7.12.2015, gần 15% dân số VN (tương đương gần 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển.
Tuy nhiên, mới chỉ có 15 - 20% số bệnh nhân tâm thần được chăm sóc, quản lý. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bệnh tâm thần chưa có điều kiện chăm sóc, quản lý là do nhiều tỉnh, thành phố vẫn thiếu cán bộ chuyên ngành tâm thần, chưa có trung tâm chăm sóc người bệnh... Đa phần việc giám sát hành vi của người tâm thần ngoài xã hội hiện chỉ trông vào gia đình người bệnh.
Về mặt tâm lý của cộng đồng xã hội, chúng ta thường tránh xa những người có biểu hiện tâm thần nặng, còn trường hợp những người bị tâm thần dạng nhẹ thì ít khi đề phòng.
Song có không ít những bệnh tâm thần phân liệt tuy có biểu hiện bên ngoài không nặng nhưng lúc lên cơn hoặc bị tác động mạnh những hoang tưởng ảo giác chi phối, xui khiến người bệnh thực hiện hành vi phạm pháp, gây án. Vì vậy đa phần các vụ án do người tâm thần gây ra đều ở đối tượng này.
Để giải quyết vấn đề người tâm thần sống trong cộng đồng gây án đòi hỏi vai trò quan trọng nhất từ sự quản lý của gia đình cùng bộ phận y tế cơ sở, chính quyền địa phương. Khi trên địa bàn dân cư hoặc gia đình báo cáo có người nhà bị bệnh tâm thần thì trạm y tế xã, phường, chính quyền cơ sở phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc cho họ nếu họ trong diện điều trị ngoại trú, nếu bệnh nhân quá nặng thì sẽ chuyển lên cơ sở y tế cao hơn để đưa ra biện pháp xử lý.
Để vừa đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo cũng như đảm bảo ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra, có lẽ đòi hỏi các ngành chức năng cần chung tay phối hợp chặt chẽ từ gia đình, chính quyền địa phương, các cơ sở y tế nhằm quản lý và điều trị tốt người bệnh tâm thần.
Bình luận (0)