Nghe tin quê nhà bị cô lập và ông Biên trước đó có đến vài nhà trong xóm để tặng đồ ăn nước uống, anh Quý (Hà Nội), chị Dương Thị Yên (Vũng Tàu), chị Thu và anh Tình (TP.HCM), anh Dương Hoài (Quảng Bình) và chị Vương (Quy Nhơn) đều là con em của làng đã chuyển tiền về cho chị Phương (con gái ông Biên) nhờ họ mua đồ phân phát cho những người thực sự cần.
|
Cái bật lửa có giá ‘một ánh mắt sung sướng’
Sau trận mưa lớn đêm 17.10, ông Biên quyết định lấy chiếc thuyền nhôm nho nhỏ đã cất lâu năm đi thăm tình hình bà con trong xóm. “Nhà tôi cao nhất trong vùng, lũ lên cao đã vất vả huống gì những ngôi nhà thấp hơn. Chèo đò đi coi mới thấy nước lên cao kinh khủng, cả đời tôi chưa gặp bao giờ”, ông Biên nhớ lại.
Chiều hôm đó, ông bỏ túi mang theo 2 cái bật lửa có sẵn trên bàn thờ ở nhà. Đến một hộ dân trong xóm, thấy họ ngồi trên cái tra (ván gác qua xà nhà) mở tấm ngói ra xin bật lửa. Ông Biên không quên được khoảnh khắc đó: “Mặc dù không thể hiện ra ngoài nhưng tôi cảm nhận được ánh mắt họ sung sướng vô cùng, ánh mắt như thay cho lời cảm ơn”.
|
Ông về nhà kể chuyện cho cả nhà nghe, con gái đề xuất với bố sẽ đi tới từng hộ dân trong thôn, hỏi người ta cần gì rồi mình đi mua mang về đưa cho họ.
Thấy con gái không biết bơi, mẹ sợ 2 bố con đi đường nguy hiểm nên đã bảo con rể đi cùng. Những ngày 3 cha con chèo thuyền đi tiếp tế cho bà con từ đầu làng tới cuối làng, bà đảm nhận công việc trông con cho vợ chồng chị Phương để mọi người có thể an tâm đi giúp hàng xóm láng giềng.
Trước lúc 3 cha con lên đường làm công tác tiếp tế đồ cứu trợ cho bà con trong làng, ông có chia sẻ với con gái: “Lúc con đám cưới bố có làm cho con bài thơ, trong đó có câu ‘Con ơi con là tất cả’. Nhưng bây giờ lũ bão thế này e là không đúng nữa rồi, vì ngoài con ra thì còn bà con làng xóm nữa”.
3 ngày liên tiếp kể từ ngày 19.10, sáng nào ông Biên cũng khéo léo chèo lái con đò nhỏ tới tiệm tạp hóa đầu làng để mua hàng, bao gồm sữa, mì chính, bánh quy, nến, đèn pin... Không phải thứ gì quá to tát, nhiều khi chỉ là chiếc bật lửa 1 ngàn đồng nhưng mấy cha con bác bảo vệ cũng phải chèo đò đi mua để phục vụ nhu cầu cấp thiết của bà con.
|
‘Các con cứ ngồi trên thuyền đi, chỗ này bố lo được’
Ông Biên kể lại lần sóng dữ, gió lớn: “Lúc đó sóng quá to, không thể chèo chống được nên tôi đành phải lội xuống nước để dắt thuyền. Con rể muốn xuống cùng nhưng tôi không cho và bảo là lúc nào bố không thể chịu được thì con hẵng xuống, còn nếu bây giờ con xuống thì đến lúc không đủ sức nữa, cả hai sẽ chết. Các con cứ ngồi trên thuyền đi, chỗ này bố lo được”.
Số tiền ít ỏi ban đầu không đủ để cha con ông mua đồ cho dân làng, vì trong thôn có tới hơn 500 hộ dân. Thế là chị Phương liên hệ với các nhà hảo tâm khác ở trong thôn để xin thêm chi phí mua đồ theo nhu cầu của bà con.
|
Bên cạnh những món đồ có thể mua ở tiệm tạp hóa trong làng, chiếc đò do ông Biên chèo lái còn đi ra miền ngoài để nhận hàng cứu trợ từ các đoàn từ thiện ở huyện và các thôn khác. Ông Biên nói: “Có hôm 7 giờ tối vẫn chưa phát xong cơm hộp, tôi xuống lội nước dắt thuyền để kịp đưa cơm cho các hộ dân vì trời tối, chèo thuyền khó khăn hơn”.
Ông Nguyễn Văn Hoan (50 tuổi, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh) cho biết: “Trên đường đi cứu hộ, tôi thấy bác Biên cùng 2 người con đi mua và nhận hàng cứu trợ mang về cho bà con. Đò chèo tay thôi nhưng bác nhiệt tình đi khắp cả làng mấy ngày liền. Rất cảm phục hành động của cha con bác trong những ngày mưa lũ”.
Vài ngày sau đó, khi lũ còn chưa rút hết, cha con ông Biên lại lên trường để dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị đón học sinh quay trở lại. “Về trường đợt này thấy tan tác lắm, các thầy cô ở xa chưa đến được, nhà tôi ở gần thì lên, phụ được cái gì hay cái đó”, ông chia sẻ.
Bình luận (0)