Chiến dịch ‘xa lánh’ xe hơi ở xứ sở ô tô

30/01/2017 15:10 GMT+7

Nếu cách đây khoảng 100 năm, Henry Ford đạt những bước tiến mạnh mẽ để mỗi gia đình Mỹ có một chiếc xe hơi, thì giờ đây vùng thủ đô xứ cờ hoa đang có một chương trình rầm rộ để “xa lánh” xe hơi.

Trên con phố khu Clarendon (Arlington, bang Virginia, Mỹ) không lấy gì làm đông đúc cho lắm giữa tiết trời se lạnh, chiếc xe chậm chậm di chuyển, đi đến đâu lại rộn ràng các giai điệu sôi động của dòng “nhạc sàn” xập xình. Khó có thể khẳng định đó là một chiếc xe hay một quán bar di động.

tin liên quan

Khi xe hơi che mờ thiết bị công nghệ
Triển lãm công nghệ từng là mảnh đất phô diễn của các thiết bị công nghệ thì gần đây lại trở thành nơi để nhiều hãng xe hơi tạo ấn tượng mạnh mẽ.
Đi bar tập thể dục
Chiếc xe trên mang tên Trolley Pub có thiết kế như một quầy bar khép kín truyền thống. Trên những chiếc ghế khá cao, hành khách ngồi xoay mặt vào trong. Điểm độc đáo lớn nhất là mỗi người ngồi trên xe đều phải ra sức đạp như đạp xe đạp để “quầy bar” di chuyển, và phía trước có một người lái.
Trang trí trên đó còn có những dàn đèn đổi màu cùng hệ thống âm thanh công suất khá lớn lấy nguồn âm thanh từ điện thoại di động, máy tính bảng hoặc máy nghe nhạc di động.
Cứ thế, các bạn trẻ trên xe tha hồ vừa “quẩy” vừa đạp xe như một biện pháp tập thể dục. Giá vé dành cho mỗi người là 35 USD (khoảng 800.000 đồng) và nếu thuê nguyên chiếc với sức chứa tối đa 14 người thì mức giá là 420 USD (gần 10 triệu đồng) để thực hiện chuyến giải trí kéo dài 150 phút qua nhiều địa điểm lân cận khu Clarendon.
Ra đời vào năm 2013, Trolley Pub phải mất thêm khoảng thời gian dài mới được cấp phép để hành khách trên xe dùng thức uống có cồn một cách giới hạn. Chia sẻ với người viết, một số bạn trẻ đi Trolley Pub hào hứng nhận xét đây là một dịch vụ tuyệt vời để vừa giải trí, vừa tập thể dục và cũng giúp “xa lánh” việc di chuyển bằng xe hơi.
Trolley Pub giúp giới trẻ vừa “quẩy” vừa tập thể dục Ảnh: Ngô Minh Trí
Từ nhiều năm qua, “xa lánh” xe hơi để bảo vệ môi trường, tăng cường sức khỏe trở thành một chiến dịch rầm rộ mang tên “Car-free Diet” được phát động bởi chính quyền thành phố Arlington - một bộ phận của Vùng đô thị Washington (Mỹ). Chiến dịch được kết nối với nhiều khu vực lân cận, bao gồm cả đặc khu Washington D.C.
Chính quyền không chỉ phát động bằng cách “hô khẩu hiệu” mà còn kèm theo rất nhiều hành động hỗ trợ nhằm thúc đẩy người dân và khách du lịch sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe đạp, đi bộ. Xe hơi trở thành phương tiện bị “làm khó” khi nhiều tuyến đường ở đây có bảng ghi rõ: luật quy định xe hơi phải nhường đường cho người đi bộ.
Xe đạp cũng chia sẻ
Để ủng hộ người dân và cả du khách đi xe đạp, dịch vụ mang tên Capital Bike Share (tạm dịch: Chia sẻ xe đạp ở thủ đô) cung cấp đến 3.500 chiếc xe đạp đặt ở 400 trạm trải khắp thủ đô D.C, các hạt Arlington, Alexandria và Fairfax thuộc bang Virginia, hạt Montgomery thuộc bang Maryland.
Người dùng chỉ việc đăng ký thành viên với mức phí 8 USD/ngày, 17 USD/3 ngày, 28 USD/tháng và 85 USD/năm. Tất cả thủ tục đăng ký thành viên và sử dụng xe đều hoàn toàn tự động, có thể thực hiện qua mạng internet và chi trả bằng thẻ ngân hàng. Người dùng chỉ cần đăng ký thành viên, sau đó có thể đến bất cứ trạm xe nào để lấy xe. Dùng xong, chỉ cần đưa xe vào trạm thì hệ thống tự động ghi nhận việc trả xe.
Người dân được mang xe đạp lên metro ở Washington D.C Ảnh: Ngô Minh Trí
Khi đăng ký làm thành viên, khách hàng có thể dùng xe đạp đi lại miễn phí cho các chuyến đi dưới 30 phút, nếu trên 30 phút sẽ bị tính thêm một khoản phí nhỏ. Tuy nhiên, với số lượng trạm xe dày đặc cùng hệ thống giao thông công cộng đa dạng và rộng khắp, người dân lẫn du khách thường không cần quá 30 phút cho mỗi lần sử dụng “Capital Bike Share” ở Vùng đô thị Washington.
Nhiều người dân ở cách xa trạm tàu điện ngầm (metro) chọn cách đăng ký thành viên của “Capital Bike Share”, rồi hằng ngày đến trạm xe đạp gần nhà lấy xe chạy đến gần trạm metro, thường có một trạm xe đạp ở rất gần, để trả xe đạp rồi đón metro đến chỗ làm.
Nhờ đó, người dân không cần mua xe đạp riêng, khỏi phải tìm chỗ đỗ trên đường phố hay lo lắng mất xe. Hằng ngày, mỗi chiếc xe đạp có thể được rất nhiều người thay phiên nhau dùng, nên giúp giảm chi phí chung cho cộng đồng.
Với du khách, đi bộ qua nhiều địa điểm du lịch trên khắp Vùng đô thị Washington có thể là một thách thức lớn bởi đoạn đường khá dài.
Ví dụ, riêng khu National Mall gồm: Tòa nhà Quốc hội, Nhà Trắng, Đài tưởng niệm Washington, nhà tưởng niệm Abraham Lincoln và nhà tưởng niệm Thomas Jefferson với mỗi chiều dài khoảng 3 km. Vì thế, kết hợp di chuyển bằng xe đạp thuê sẽ rất tiết kiệm nếu không muốn đi bộ quá nhiều.
Không chỉ vậy, sử dụng xe đạp ở Vùng đô thị Washington còn được ưu ái hơn so với nhiều thành phố lớn khác trên thế giới. Bằng chứng là người dân có thể mang theo xe đạp lên metro. Tất nhiên, cơ quan quản lý cũng đưa ra những điều kiện cụ thể để quản lý việc này.
Cụ thể, tùy theo ngày trong tuần và không thuộc giờ cao điểm, mỗi toa tàu có thể chở theo từ 2 - 4 chiếc xe đạp, ai lên trước được ưu tiên. Kích thước xe đạp được mang theo cũng bị quy định dài không quá 2 m, cao không quá 1,2 m và bề ngang không quá 0,55 m - tức đủ cho các loại xe đạp phổ biến.
Với một nỗ lực toàn diện, Arlington đang hướng đến giảm tải sự lệ thuộc vào xe hơi cá nhân. Tất cả được định lượng cụ thể và được chính quyền địa phương hình thành một đồng hồ theo dõi hiệu quả “Car-free Diet” bằng các tiêu chí như: số lượng nhiên liệu giảm được, tổng số chuyến di chuyển bằng xe giảm được và cả lượng khí thải CO2 cắt giảm được.
Năm 2016, Arlington ước tính “Car-free Diet” giúp giảm khoảng 40.000 chuyến đi lại bằng xe hơi, 117.000 lít xăng, hàng trăm tấn khí CO2. Theo một trang tin địa phương, chính quyền ước tính chương trình trên giúp tiết kiệm hơn 3.000 USD (gần 70 triệu đồng)/người dân/năm.
Không chỉ riêng xe đạp, hình thức chia sẻ cũng được áp dụng cả cho xe hơi. Chính quyền Arlington đề xuất 3 lựa chọn để người dân sử dụng xe hơi chia sẻ qua các nhà cung cấp dịch vụ là: Zipcar, Enterprise Carshare và Car2Go. Muốn sử dụng những dịch vụ này, người dùng cũng đăng ký thành viên với mức phí dưới 10 USD/tháng và chi phí sử dụng thực tế khoảng 10 USD/giờ (nhà cung cấp dịch vụ “bao xăng”). Người sử dụng cũng đến các trạm để nhận xe bằng cách thức tự động dựa trên mã số được cung cấp bởi công ty cho thuê và trả xe tại các trạm quy định. Cả 3 dịch vụ trên đều cung cấp chủ yếu là các mẫu xe cỡ nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.