Chưa bồi thường cho gia đình bệnh nhân chạy thận bị tử vong do thiếu hóa đơn?

14/11/2017 16:26 GMT+7

Trên trang mạng xã hội của một số cá nhân thông tin về việc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa bồi thường cho các gia đình bệnh nhân chạy thận bị tử vong vừa qua, thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo nội dung được đăng tải trên mạng xã hội, đã hơn nửa năm trôi qua mà phía bệnh viện chưa bồi thường cho 8 gia đình nạn nhân bị tử vong do tai biến chạy thận nhân tạo. Lý do các bệnh viện chưa bồi thường là các gia đình phải xuất trình hóa đơn tài chính việc ma chay. Trong khi các gia đình nạn nhân đa phần là đồng bào dân tộc, ở tít tận trong bản. Bà con loay hoay không biết làm thế nào để liên hệ với... dưới âm để xin hóa đơn được đây…
Trao đổi với phóng viên chiều 14.11, ông Lê Xuân Hoàng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã dốc sức cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân chạy thận; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân khâu vận chuyển, mai táng.
Bệnh viện đã tổ chức đối thoại với đại diện của 8 gia đình có bệnh nhân tử vong trên tinh thần chia sẻ, có lý, có tình, theo đúng quy định của pháp luật để đơn vị có giải pháp cụ thể, phù hợp, thỏa đáng trong giải quyết những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. 
Tuy nhiên, việc thỏa thuận bồi thường giữa hai bên chưa thống nhất được, do có gia đình bệnh nhân đưa ra mức bồi thường nằm ngoài khuôn khổ pháp lý và mức chi trả của bệnh viện. Với các gia đình của 8 bệnh nhân tử vong do tai biến chạy thận nhân tạo, bệnh viện đã tạm ứng mỗi gia đình 50 triệu đồng.
Theo bác sĩ Hoàng, đây là lần đầu tiên Bệnh viện phải giải quyết một vụ việc rất phức tạp nên còn nhiều khó khăn, lúng túng trong chuẩn bị kinh phí và các căn cứ pháp lý về tài chính.
"Chúng tôi không yêu cầu hoá đơn nhưng hiện chưa nhận được các hướng dẫn về thủ tục để thực hiện việc bồi thường cho gia đình các bệnh nhân đã mất, để đảm bảo thực hiện đúng. Chúng tôi sẽ thực hiện ngay sau khi có quyết định của toà về mức bồi thường", ông Lê Xuân Hoàng khẳng định và cho biết, trong sáng mai, 15.11, Bệnh viện sẽ có thông tin chính thức về sự việc này.
Trong khi đó, đại diện gia đình 8 nạn nhân cho biết đã tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Theo họ, phía Bệnh viện yêu cầu xuất trình hóa đơn tài chính của việc ma chay là vô lý, đã có người thân tử vong thì mức đền bù như nhau, không thể phân biệt... 
Trước đó, tai biến y khoa ngày 29.5.2017 đã khiến 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Các bệnh viện chưa quan tâm mua bảo hiểm nghề nghiệp
Sự cố y khoa là điều không ai có thể lường trước được và luôn có nguy cơ xảy ra. Đây là mối ám ảnh với mỗi y, bác sĩ bởi nó có thể xảy ra trong quá trình điều trị cho người bệnh tại bất cứ cơ sở điều trị nào.
Chúng ta đã có quy định về mua bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ để bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm bồi thường trong tình huống tai biến y khoa xảy ra trong điều trị. Tuy nhiên, hiện số bệnh viện thực hiện còn rất ít.
Một khảo sát nhanh tại hội thảo về an toàn người bệnh tổ chức tại Hà Nội hồi đầu tháng 11 vừa qua cho thấy, mới chỉ 20-25% bệnh viện thực hiện quy định này.
(Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.