Nhiều cửa hàng bánh trung thu trông đợi vào 2 ngày cuối cùng của tết Trung thu để cứu vãn cho cả mùa bánh ảm đạm, nhưng ế vẫn hoàn ế.
Trên đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội), từ buổi sáng, các cửa hàng bánh đã bắt đầu thu dọn bạt, xếp bánh vào thùng chuẩn bị trả về nơi sản xuất. Anh Phạm Đắc Huy, nhân viên một đại lý bán bánh trung thu, cho biết dù đã có kinh nghiệm 4 năm bán bánh trung thu, nhưng mọi tính toán đều không như thực tế.
“Xu hướng năm nay trái ngược hẳn với mọi năm. Thông thường, mọi người hay tập trung mua vào 3 ngày cuối, nhưng hôm qua (14.8 âm lịch), lẽ ra ngày cao điểm nhất thì doanh số bán ra chỉ hơn các ngày bình thường, thậm chí còn kém cả ngày mùng 1.8 (âm lịch). Trong sáng nay, tình hình còn ế hơn rất nhiều, nửa ngày rằm, chỉ bán được hơn 10 chiếc. Thấy tình hình không còn hy vọng gì nữa nên tôi gọi công ty đến nhận bánh, thu quầy về sớm, khép lại một mùa Trung thu ảm đạm nhất từ trước đến nay”.
|
Anh Thảo chia sẻ: “Những năm trước, cửa hàng nhập từ 5.000 - 6.000 bánh/vụ. Năm nay, dù biết trước tình hình giảm sút, nên cửa hàng chỉ nhập 2.000 cái mà vẫn thừa 200 cái. Theo quy định của công ty, để giữ thương hiệu cho mùa sau, dù ế cũng không được giảm giá, nhưng đến hôm nay, ế quá, cửa hàng chúng tôi bớt cho khách 3.000 - 5.000 đồng trên tổng đơn hàng gọi là lấy may”.
|
Tại điểm bán bánh trung thu trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội), 7 cửa hàng bánh san sát nhau đều “vắng như chùa Bà Đanh”. Mặc dù có cửa hàng đã treo biển giảm giá 30% bánh cao cấp và 20% bánh loại thường, nhưng vẫn không hút được khách mua. Chị Đỗ Thùy Linh, nhân viên bán hàng đại lý bánh trung tại đây cho hay từ chiều 3.10 (tức ngày 14 âm lịch), cửa hàng nhận được thông báo treo biển giảm giá. Trước đó, cửa hàng cũng đã treo bảng ở gốc cây ngay sát đường nhằm thu hút sự chú ý, nhưng không có tác dụng. Thỉnh thoảng, có vài người đi bộ ghé qua đọc rồi lại quay đi.
“Sau khi giảm giá bán cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Sáng nay, cửa hàng đã phải chuyển bớt hàng qua những quầy khác hỗ trợ bán thêm. Nếu chiều nay vẫn ế, có lẽ tôi phải gọi điện nhờ anh em, bạn bè đến mua ủng hộ nếu không sẽ không đạt doanh số cửa hàng đề ra”, chị Linh chia sẻ.
Tại một cửa hàng bán bánh trung thu trên phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong tủ kính và trên kệ, bánh trung thu được bày kín. Tranh thủ lúc vắng khách, nhân viên bán hàng đóng gói, thu dọn cửa hàng. Chị Nguyễn Thị Lanh, nhân viên bán hàng cho hay: “Năm nay, mình mới đi bán bánh trung thu, nhưng theo chủ cửa hàng, chưa mùa nào bán chán như năm nay. Bên trong quầy hàng, giờ vẫn còn khoảng 5 - 6 thùng bánh ế. Trong chiều nay bán không hết, số bánh sẽ được trả về công ty”.
tin liên quan
‘Tuyệt kỹ công phu’ của nghệ nhân làm bánh trung thu truyền thốngNhững năm gần đây, những cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống danh tiếng thường 'cháy hàng'. Điều gì khiến bánh trung thu truyền thống 'hớp hồn' người mua như thế?
Chị Lê Hồng Sâm (ngụ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ 2 năm nay, gia đình chị không còn mua bánh trung thu của các hãng sản xuất trong nước vì lý do bánh ngày càng xa rời hương vị truyền thống. Chị Sâm chia sẻ: “Bánh trung thu của các hãng quá ngọt lại cho thêm nhiều vị lạ, không phù hợp những gia đình 3 thế hệ như nhà tôi. Các cụ bị tiểu đường sợ ăn bánh ngọt, còn bọn trẻ, chúng chỉ thích mấy loại bánh hình con thú ngộ nghĩnh chứ không thích ăn. Mua một hộp bánh có khi ăn lay lắt cả tuần không hết. Giờ gia đình tôi chuyển sang mua bánh cổ truyền của các cơ sở sản xuất thủ công uy tín, giá cả phù hợp từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc. Thích nhất là bánh mới ra lò, không có chất bảo quản. Mua đến đâu, ăn đến đấy, không sợ vứt đi lãng phí”.
Với sức mua yếu, nhiều đại lý bán bánh trung thu dự báo, sau rằm, thị trường sẽ tràn ngập bánh trung thu đại hạ giá.
Bình luận (0)