Chuyện tử tế: Người giữ lửa bếp ăn tình thương

03/08/2020 03:11 GMT+7

Suốt 13 năm qua, bếp ăn tình thương do một phụ nữ ở Cần Thơ khởi xướng thành lập vẫn luôn đỏ lửa mỗi ngày, góp phần chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo.

Người phụ nữ đó là bà Lê Thị Thu Tâm (61 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Bà Tâm kể năm 2007, thấy nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo phải nằm viện lâu ngày để điều trị, thân nhân đến nuôi lắm lúc phải nhịn ăn hoặc ăn qua loa, kham khổ để tiết kiệm chi phí…, bà cảm thấy xót xa. Từ đó, bà phát tâm thành lập bếp ăn tình thương, mỗi ngày phát cơm, cháo từ thiện.
Những năm đầu, do thiếu kinh phí nên có lúc tưởng chừng bếp ăn phải tắt lửa. Thế nhưng, nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn, túng bấn của hàng trăm bệnh nhân nghèo, bà Tâm không đành lòng buông xuôi. Nhờ vậy mà đến nay, sau 13 năm thành lập, bếp lửa ấy đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của nhiều nhà hảo tâm thông qua nhiều hình thức như tiền, gạo, gia vị, công lao động… Bên cạnh đó là sự chung tay chia sẻ nguồn thực phẩm từ các tiểu thương trên địa bàn.
“Từ sáng sớm, chị em tiểu thương đã chuẩn bị sẵn thực phẩm để chúng tôi đến lấy. Người cho thịt, người cho rau củ... Bếp ăn bây giờ trở thành mái nhà chung của những tấm lòng thiện nguyện. Ai cũng vui vì góp phần giúp người nghèo được no dạ, ấm lòng. Hiện có hơn 50 thành viên tuổi từ 20 đến ngoài 70 tham gia phục vụ”, bà Tâm chia sẻ.
Công việc nấu ăn từ thiện cũng khá vất vả. Phần lớn thành viên trong nhóm đều có tuổi cao nên việc đau nhức chân, tay là điều thường gặp. “Thời gian đầu, nhiều người cho rằng tôi ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng, gia đình còn khó khăn mà lo chuyện bao đồng. Nhưng những điều đó chưa bao giờ làm tôi chùn bước. Chỉ mong góp một phần công sức nhỏ bé của mình để giúp người bệnh được ấm lòng, san sẻ khó khăn với họ để giảm bớt những gánh nặng trong cuộc sống”, bà Tâm trải lòng.
Lịch phát cơm được các thành viên thực hiện tất cả các ngày trong tuần tại: Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Thiên Ân, Trung tâm tâm thần cầu Bến Bạ, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Thực đơn thay đổi theo từng ngày, từ món mặn đến món chay, có hôm nấu cháo, khi phát bánh mì thịt… Nhóm đi phát cơm được chia làm 3 tổ, mỗi tổ đảm trách một khâu khác nhau việc chế biến món ăn để thực hiện nhanh chóng, gọn gàng, sau đó tập hợp lại, vận chuyển bằng xe máy đến điểm phát. Trung bình mỗi ngày, nhóm cung cấp 80 - 140 suất ăn và hơn 500 ly nước cho bệnh nhân nghèo. Thức ăn được cho vào hộp cẩn thận cùng nước uống, mang đến tận nơi để phát cho từng người.
Ông Nguyễn Văn Xuân (71 tuổi), một trong những thành viên đầu tiên tham gia bếp ăn, cho biết: “Mỗi lần nấu nướng, tuy có cực, nhưng vui lắm. Tụi tui trò chuyện, tâm sự đủ điều. Vui nhất là nhiều cháu sinh viên cũng tham gia phụ giúp, cho thấy sức lan tỏa và ý nghĩa nhân văn của bếp ăn này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.