Bà Hạnh kể, năm 2012, Bếp ăn tình thương xã Thới Hưng được thành lập. Khi đó, bà Hạnh cùng một số bà con trong xóm đứng ra đảm nhận việc
nấu cơm miễn phí cho người lao động nghèo và học sinh các trường Tiểu học Thới Hưng 1, 2 và Trường THCS - THPT Trần Ngọc Hoằng. Thời gian đầu bếp ăn còn nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Năm 2016, được sự tài trợ của Công ty TNHH Amway VN, Báo
Thanh Niên phối hợp Thành đoàn Cần Thơ xây dựng lại bếp ăn tình thương với kinh phí 100 triệu đồng, gồm nhà bếp, phòng ăn, phòng nghỉ trưa, nhà tắm, nhà vệ sinh.
Thường ngày, các bà, các chị đi chợ, nấu nướng từ sáng sớm và bữa ăn bắt đầu từ 9 giờ 30 - 11 giờ 30 là dọn dẹp. Bất cứ ai, cứ tới giờ đều có thể dừng chân nơi bếp ăn để dùng bữa, đa phần là học sinh nghèo, những người lao động chân tay như bán vé số dạo, làm thuê, xe ôm… “Lúc đầu tôi chỉ nấu vài chục suất ăn mỗi ngày, nay đã lên 140 suất liên tục từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần”, bà Hạnh nói.
Hiện nay, Ban điều hành Bếp ăn tình thương xã Thới Hưng gồm 9 người, do bà Hạnh chịu trách nhiệm chung. Những người tham gia đều tự nguyện, không hưởng bất cứ một khoản thù lao nào. Nhận thấy việc làm ý nghĩa, nhiều nhà hảo tâm từ các nơi đã thường xuyên góp tiền, gạo, rau, củ, quả nên bữa ăn dù là các món chay nhưng luôn được cải thiện.
Chồng bà Hạnh là ông Lê Văn Đây cũng tích cực hoạt động trong phong trào Chữ thập đỏ địa phương. Ông vừa hỗ trợ bếp ăn, vừa điều hành xe chuyển bệnh
từ thiện trong và ngoài thành phố. Ông cho đây là một việc làm thiết thực nhằm cứu giúp người nghèo khó, bệnh tật vượt qua nguy kịch nên đã dành hết thời gian và tâm trí để làm tốt công việc đưa bệnh nhân đến nơi điều trị.
Tại Hội Chữ thập đỏ xã Thới Hưng, nhiều nhà hảo tâm đã thể hiện đạo lý lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái, không chỉ góp tiền mua xe mà còn sẵn lòng mua xăng phục vụ cho các chuyến đi được nhanh chóng và an toàn.