Chuyện về nữ sinh nghèo nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất

Phạm Đức
Phạm Đức
18/11/2018 16:11 GMT+7

Không những thật thà khi trả lại 30 triệu đồng nhặt được cho người bị mất, cô học trò nghèo Trần Thị Tùng Lâm còn là đứa con hiếu thảo, chăm ngoan trong một gia đình nghèo khó ở Hà Tĩnh.

[VIDEO] Ước mơ của cô học trò nhặt được 30 triệu đồng trả cho người mất
Từ lâu, hình ảnh cô học trò Trần Thị Tùng Lâm, học sinh lớp 8C, Trường THCS Cẩm Hòa (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hằng ngày sau giờ học đi nhặt ve chai hoặc đi xin vỏ trấu về bán kiếm tiền phụ giúp gia đình đã thân thuộc với người dân ở thôn Đại Hòa, xã Cẩm Hòa. Mới đây, vào ngày 14.11, khi nghe tin cô bé 14 tuổi này trên đường đi học về nhặt được 30 triệu đồng đã trả lại cho người đánh rơi, người dân nơi đây càng khâm phục em hơn.
Tình thương bị… khuyết
14 năm về trước, bố Lâm là anh Trần Viết Thọ (38 tuổi) kết hôn với một người phụ nữ ở xã cạnh bên. Sau 4 năm sống chung, hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn khiến hai vợ chồng bị sứt mẻ tình cảm, người vợ đã bỏ nhà ra đi khi đứa con gái của họ mới được 4 tuổi.
Vợ bỏ đi, anh Thọ chỉ biết tự trách bản thân mình vì đã không làm tròn bổn phận của một người trụ cột gia đình. Anh tìm đến rượu để giải sầu và luôn trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê. Con gái anh được ông bà nội đưa về nhà nuôi nấng. Sau thời gian được bố mẹ và anh em họ hàng khuyên răn, anh Thọ quyết tâm đứng dậy để làm lại từ đầu.
“Con gái đã thiếu thốn hơi ấm của người mẹ thì người làm cha như tôi phải biết vươn lên để bù đắp lại khiếm khuyết đó. Với suy nghĩ đó, tôi bắt đầu đi làm thuê, làm thợ xây để gửi tiền về cho bố mẹ nuôi con gái ăn học. Đến năm 2013, trong quá trình đi làm, tôi cảm mến một cô gái người huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cũng đã qua một đời chồng và cả hai nên vợ chồng sau đó”, anh Thọ nói.
Lâm dậy sớm phụ bố mẹ chuẩn bị đồ đi chợ Ảnh Phạm Đức
Mẹ bỏ đi biệt tích, còn bố đi làm xa lâu lâu mới về nên từ nhỏ Lâm đã thiệt thòi hơn với đám bạn cùng trang lứa. Cô bé vẫn luôn ước ao được nhõng nhẽo người mẹ, được chính người sinh ra chăm sóc, giáo dục hằng ngày. Hai từ “Mẹ ơi!” được Lâm gọi mà chẳng hề ngượng ngùng gì khi bố vừa dắt mẹ kế về nhà sống chung. Chắc có lẽ vì em đã khát khao từ lâu, mong muốn được thốt lên như những đứa trẻ khác ngày nào cũng gọi.
Chị Phan Thị Thành (37 tuổi, vợ hai của bố Lâm) nói rằng, trước khi về sống chung với anh Thọ thì chị nghĩ con riêng của chồng sẽ gọi mình bằng dì. Không ngờ, khi chị vừa bước tới cổng đã được Lâm lễ phép gọi… bằng mẹ.
“Chồng tôi mất sớm, để lại cho tôi một đứa con bằng tuổi cháu Lâm. Sau khi vợ anh Thọ về nhà làm thủ tục ly hôn để đi lấy chồng mới thì tôi mới chấp nhận làm vợ hai của anh Thọ. Do hoàn cảnh hai vợ chồng khó khăn nên tôi gửi con riêng của mình cho bố mẹ ruột chăm sóc dùm. Còn tôi về ở với anh Thọ và cháu Lâm suốt 5 năm nay. Hiện tôi với anh Thọ đã có với nhau một đứa con trai 3 tuổi”, chị Thành tâm sự.
Cô học trò siêng năng, hiếu thảo
Hàng ngày vào buổi sáng, anh Thọ ra chợ gần nhà xay thịt, cá cho người dân đi chợ, còn chị Thành cũng mở quán bán ăn sáng cạnh bên. Hai vợ chồng đỡ vất vả hơn phần nào khi có sự giúp sức của cô con gái nhỏ.
Vào sáng chủ nhật hàng tuần, Lâm cùng bố mẹ dậy sớm để ra chợ gần nhà bán đồ ăn sáng Ảnh Phạm Đức
Đúng 3 giờ 45 phút, có mặt tại nhà Lâm, cô bé này đã thức dậy để rửa chén bát, phụ chị Thành và anh Thọ chuẩn bị đồ đạc đưa lên xe kéo. Vừa bưng rổ bát đũa lên xe, Lâm phân bua: “Hôm nay là ngày chủ nhật nên em dậy sớm để cùng bố mẹ chuẩn bị đồ đưa ra chợ bán. Chứ những ngày khác, do em phải đến trường học nên em dậy muộn hơn”.
Chuẩn bị xong, chị Thành ngồi lên xe kéo để anh Thọ chở ra chợ. Chiếc xe từ từ lăn bánh trong đêm tối. Còn Lâm thì leo lên chiếc xe đạp, lọc cọc đi theo sau. Ra đến chợ, Lâm phụ soạn sửa, sắp đặt bàn ghế. Khi mặt trời lên, người đi chợ bắt đầu vào ăn sáng, Lâm giúp mẹ bưng bê xong thì lại lật đật chạy sang phụ bố xay thịt cho khách hàng đang đứng đợi. Hỏi có buồn ngủ không, Lâm nói: “Trước đây chưa quen nên em cũng buồn ngủ lắm nhưng lâu rồi thành quen anh ạ!”.
Lâm phụ mẹ bưng bê từng tô mì thay cho mẹ... Ảnh Phạm Đức
Hồi đang còn học cấp 1, Lâm chỉ giúp vợ chồng anh Thọ những công việc lặt vặt trong nhà. Nhưng bắt đầu lên cấp 2, em đã biết phụ giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
“Ngoài việc phụ bố mẹ buôn bán ở chợ trong ngày nghỉ cuối tuần thì vào các ngày khác trong tuần, sau giờ học, em thường đi nhặt ve chai hoặc khi thì đi xin vỏ trấu tại các hộ trong thôn có máy xát lúa về bán. Có buổi em kiếm chỉ được vài ba nghìn nhưng có hôm cũng được vài chục nghìn”, Lâm bật mí.
... rồi lại lật đật chạy sang phụ xay thịt với bố Ảnh Phạm Đức
Việc học của cô bé có dáng người cao ráo, khuôn mặt ngăm đen tưởng sẽ có phần sụt giảm, nhưng nhờ có cách phân chia thời gian khoa học nên suốt 2 năm đầu học cấp 2 , Lâm luôn đạt học sinh tiên tiến.
Em Lâm cũng là một thợ xay thịt lành nghề Ảnh Phạm Đức
Món quà ý nghĩa tặng thầy cô
Nhớ lại hôm nhặt được túi tiền, Lâm cho biết hôm đó là vào khoảng 11 giờ ngày 14.11, trên đường đi học về, khi đến gần nhà thì nhặt được túi ni lông màu đen. Lâm tò mò mở ra xem thì phát hiện bên trong có 30 triệu đồng tiền mặt. Sau đó, Lâm đứng tại chỗ để chờ người đánh rơi đến nhận lại.
“Khi nhặt được tiền, em nghĩ số tiền này là của người dân phải rất vất vả mới có được nên phải trả lại. Khi em chờ được khoảng 30 phút thì thấy ông Nguyễn Tâm Thăng, Trưởng thôn Đại Hòa cùng người thân đang đi dò hỏi tìm người dân sống hai bên đường để tìm số tiền đã đánh mất. Thấy vậy nên em gọi ông Thăng lại và trao trả cho ông ấy”, Lâm giải thích.
Lâm tranh thủ những buổi được nghỉ học đi lượm ve chai để bán kiếm tiền Ảnh Phạm Đức
Nhận lại số tiền do bất cẩn đánh rơi, ông Thăng đã đến nhà em Lâm và lên gặp Ban giám hiệu nhà trường để cảm ơn về hành động đẹp của người hàng xóm nhỏ.
Ông Bùi Vĩnh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Hòa cho hay, trước hành động đẹp nhặt được của rơi tìm người trả lại của em Lâm, nhà trường đã tuyên dương em này trước toàn thể giáo viên và học sinh. Đồng thời, Ban giám hiệu nhà trường đã ra quyết định tặng giấy khen đột xuất cho em Lâm vì “Đã có việc làm với nghĩa cử cao đẹp, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất”. Cùng với đó, nhà trường cũng đã đề xuất lên Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Cẩm Xuyên và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh khen thưởng cho em Lâm.
Ban giám hiệu Trường THCS Cẩm Hòa trao giấy khen cho em Lâm vì nhặt được của rơi tìm người trả lại Ảnh Tân Kỳ
“Tôi nghĩ rằng đây là món quà ý nghĩa nhất mà em Lâm dành tặng cho thầy cô giáo trước thềm Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20 - 11 năm nay”, ông Giang nói.
Nói về ước mơ của mình, Lâm nghèn nghẹn: “Sau khi bố lấy mẹ Thành, mỗi năm mẹ ruột của em cũng có về nhà thăm em được vài lần vì mẹ đã đi lấy chồng xa ở tận ngoài Bắc. Em chỉ ao ước muốn được gặp mẹ thường xuyên hơn. Em nhớ mẹ!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.