Dân mạng nháo nhào khi video này lan truyền nhiều trên mạng xã hội Facebook và WhatsApp với chú thích: “Một số quốc gia đã vất xác của những nạn nhân Covid-19 xuống biển. Lời khuyên là không nên ăn hải sản. Thế giới thực sự đang đi đến chỗ tận diệt…”
Giữa thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành, clip này thực sự gây hoang mang. Tờ International Business Times đã truy vết và tìm ra câu chuyện “khởi sự” từ tài khoản Dev Oza trên Twitter và kéo theo những phản ứng dây chuyền của dân mạng. Hàng loạt bình luận xuất hiện, như thêm dầu vào lửa.
Ở thời điểm này thì tài khoản Dev Oza đã xóa tweet này nhưng video đã lan khắp các mạng xã hội dù sự thật về video này không hề liên quan gì đến dịch Covid-19. Đó là clip từ năm 2014 mà đến nay các nạn nhân vẫn chưa được biết là đến từ nước nào ngoài thông tin là từ một vụ đắm tàu.
|
Theo IBT, clip này được chia sẻ bởi trang Euronews ngày 25.8.2014 với lời chú thích “giữa một cảnh tượng kinh hoàng trên bờ biển Libya, xác của những người di cư bị sóng đánh vào bờ. Chính quyền Libya đã tìm thấy hơn 100 xác chết, được cho là từ một con tàu bị đắm. Một thành viên của lực lượng cảnh sát biển cho rằng có thể hàng chục tử thi nữa sẽ xuất hiện. Vì không thể tìm thấy giấy tờ của những nạn nhân này nên lực lượng cứu hộ không thể tập hợp thành một danh sách hoặc xác định quốc tịch của họ”.
Vậy là những người không rõ quốc tịch bỏ mạng trên biển, được cho là đang tìm cách vào châu Âu từ Libya, đã bị "biến thành" nạn nhân tử vong vì Covid-19 rồi vất xuống biển giữa lúc đại dịch này đang lan khắp thế giới. Thời điểm đó, năm 2014, một bộ phận khá lớn người châu Phi đã chọn Libya để làm nơi xuất phát băng qua Địa Trung Hải trên hành trình đầy đau khổ để tìm kiếm vùng đất tốt đẹp ở châu Âu.
Giữa dịch Covid-19 khiến hơn 2 triệu người nhiễm bệnh và 127.595 người tử vong (tính đến thời điểm ngày 15.4), tin giả (fake news) và video giả (fake video) lan rộng trên mạng, gieo rắc thêm lo lắng, hoang mang. Và nhiều quốc gia rất mạnh tay trong việc ngăn chặn tin giả.
Theo tờ newsfirst.lk, ở Sri Lanki, không chỉ người đăng thông tin có nội dung sai trái lên mạng mà những ai chia sẻ (share) hay chuyển tiếp (forward) những thông tin như vậy đều bị bắt và khởi tố.
Bình luận (0)