Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đến năm 9 tuổi, Phạm Thị Thắm được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm tủy. Mặc dù bố mẹ đã cố gắng vay mượn chạy chữa khắp nơi nhưng số phận vẫn nghiệt ngã với chị, bắt chị phải gắn chặt cuộc đời trên chiếc xe lăn.
Từ những ngày bé, người bạn duy nhất đi theo Thắm là những con búp bê và vải vụn của những người chị cho. Thời gian đó, khi nằm bệnh viện, chị đã tự cắt vải vụn và khâu thành những bộ váy cho búp bê. Từ đó, ước mơ trở thành một thợ may đã nhen nhóm trong chị.
Chị chia sẻ: “Dù thích thời trang nhưng trước đây mình nghĩ mình không thể làm được nghề này. Vì chiếc máy may cần phải đạp chân ga mà chân mình thì không làm được. Nhưng mất đi đôi chân, ông trời lại bù cho mình một đôi tay khéo léo, từ đó mình học nghề và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”.
|
Thành quả từ sự nỗ lực
Tự tìm hiểu và học cách điều khiển máy may bằng khuỷu tay, khi cảm thấy mình có thể kiểm soát được máy, chị Thắm xin đi học nghề. May mắn thay, chị Thắm vô tình gặp được người thầy của mình qua một lần trò chuyện trên Facebook. Cảm thông trước câu chuyện của cô gái, người thầy nhận lời dạy nghề cho Thắm và cuộc đời chị bước sang trang mới.
Sau 6 năm nỗ lực phấn đấu, hiện tại, chị Thắm đã có một cửa hàng may đo, thiết kế thời trang riêng. Bằng tay nghề của mình, chị Thắm đã có một lượng khách ổn định, khách hàng dần tin tưởng và đặt may những sản phẩm cao cấp như: áo dài, váy thiết kế,…
Trong cộng đồng thợ may và thiết kế trang phục quần áo hàng chục nghìn thành viên trên mạng xã hội, Thắm là một thành viên nổi bật vì chị là người duy nhất ngồi xe lăn nhưng vẫn có thể thiết kế và may đo trang phục không hề thua kém những người thợ bình thường khác.
Không những vậy, chị Thắm còn mở lớp dạy may, những người khuyết tật khó khăn sẽ được học miễn phí vì chị hiểu một công việc với người khuyết tật là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, chị Thắm còn lập một kênh YouTube để chia sẻ kinh nghiệm may vá với những người ở xa, không có điều kiện đến trực tiếp.
|
Chị Thắm chia sẻ: “Cả đời mình, mình nghĩ thứ chị theo đuổi duy nhất là sự công nhận của mọi người. Đến giờ thì mình đã làm được. Mình dạy người ta không phải vì tiền, thời gian đó mình có thể may đo thiết kế ra nhiều hơn. Nhưng mình muốn truyền cảm hứng lại cho những người có hoàn cảnh như mình. Phải lạc quan, phấn đấu, chưa chắc cuộc đời mình đến đó là hết. Mà có khi đó lại là bước khởi đầu mới"
Sau khi xem chương trình “Nối trọn yêu thương”, chị Thắm đã chủ động liên hệ với chương trình để chia sẻ về câu chuyện của mình. Không lâu sau đó, chị Thắm đã trở thành nhân vật của chương trình, câu chuyện của chị đã truyền cảm hứng đến cho nhiều người, đặc biệt là người khuyết tật để họ có niềm tin hơn trong cuộc sống và bản thân mình.
Bình luận (0)