Cơn lốc ly hương: Mẹ đơn thân 10 năm ở Malaysia 'không có Tết'

26/01/2020 12:02 GMT+7

Suốt 10 năm qua, bà Dương Thị Chương (45 tuổi, quê Hà Tĩnh) một mình đón Tết ở đất khách quê người . Ở đất nước Malaysia xa xôi, bà phải cố gắng làm việc để lo cho tương lai con gái đang học đại học ở quê nhà.

10 năm không được đón Tết ở quê
Ở những vùng quê Hà Tĩnh, việc nhiều người chấp nhận ly hương đến vùng đất khác kiếm sống trở nên phổ biến suốt nhiều năm qua. Việc đến các tỉnh từ Bắc vào Nam và nhiều nước xa hàng chục nghìn cây số để làm ăn mang lại cuộc sống đủ đầy hơn. Nhưng việc mưu sinh ở xứ người chưa bao giờ dễ dàng.
Bà Chương làm mẹ đơn thân. Ở quê, một mình bà làm đủ thứ việc từ phụ hồ, làm ruộng… để có tiền nuôi con gái. Năm 2009, bà quyết định xuất ngoại với hy vọng hai mẹ con có cuộc sống đủ đầy. Lúc bấy giờ, nhiều người cùng quê quyết định đi Malaysia, bà cũng hỏi thăm và làm thủ tục sang làm công nhân ở bên đó.
10 năm ở đất khách, bà cố gắng từng ngày để có tiền gửi về lo cho người thân và con gái ăn học. Suốt 10 năm qua, bà mới về phép được một lần khi con gái thi tốt nghiệp THPT, chuẩn bị vào đại học.
Bà Chương cho biết, đó là mốc thời gian quan trọng quyết định tương lai con mình, nên về nước động viên, làm chỗ dựa để con vượt qua kỳ thi. Sau đó, người mẹ này quay lại Malaysia làm việc đến bây giờ.
Sang nước bạn, bà làm công nhân cho một công ty chả cá với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Để có được số tiền ấy, một ngày, bà làm 12 tiếng từ sáng đến tối muộn. Vì lương công ty tính theo sản phẩm, buổi trưa bà chỉ nghỉ 30 phút và tranh thủ mọi lúc làm thêm để kiếm tiền.

Ngôi nhà của chị Chương dành dụm xây dựng nhưng từ khi con gái đi học xa nhà, ngôi nhà bỏ không, thiếu người ở

Ảnh: Dương Lan

Mỗi tháng, trừ chi phí sinh hoạt và ăn ở, bà dành dụm được 7 triệu đồng để gửi về. Ở Malaysia, bà được công ty thuê cho một căn nhà để tiện cho công việc. Căn nhà đó, mỗi mình bà là người Việt Nam, còn lại hầu hết là người Indonesia và các nước khác.
Tết là khoảng thời gian mỗi gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên ấm áp với hy vọng may mắn đến với gia đình trong năm mới. Nhưng với bà Chương, suốt 10 năm qua, hương vị Tết quê nhà dường như xa vời.
Ở Malaysia không đón Tết âm lịch như Việt Nam, do đó khi ở quê đón Tết với không khí tấp nập, vui vẻ thì bà Chương vẫn phải đi làm như ngày thường.
Để vơi đi nỗi nhớ quê hương, nhớ con gái, nhớ không khí đón Tết cổ truyền, sau ca làm bà đi mua bánh chưng, giò chả ở siêu thị, tự tay nấu xôi và gọi mọi người cùng chỗ làm đến ăn bữa cơm tất niên cùng mình.

Bà Chương và con gái nói chuyện qua điện thoại để vơi đi nỗi nhớ

Ảnh: NVCC

 
Nhìn đồng hương xách vali về quê Tết, bà tủi thân, ngồi buồn và rơi nước mắt. Nhưng bà luôn động viên mình cố gắng đi làm mới có tiền để con gái được học hành đầy đủ.
Và cũng vì hợp đồng lao động không cho phép về cùng với chi phí đi lại đắt đỏ, khi mẹ mất, bà cũng không thể về thắp cho mẹ nén hương được. Đó là nỗi băn khoăn, dằn vặt bà suốt nhiều năm qua. 

Nỗi nhớ mẹ của con gái

Phạm Thị Trang (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) là con gái bà Chương. Bố bỏ đi từ nhỏ, thương mẹ vất vả, Trang luôn cố gắng học tập để mẹ yên tâm làm ăn ở nơi xa.
Khi mẹ mới đi làm xa nhà Trang ở với bà ngoại, hai bà cháu tự chăm sóc cho nhau. Trang học lớp 5 bắt đầu cuộc sống tự lập, không có mẹ bên cạnh. Hồi đó, cận Tết, Trang luôn mong mẹ về để mẹ con bên nhau, lúc nào cũng nghĩ mình là người cô đơn và buồn nhất.
“Lúc mẹ đi, tôi ở với bà ngoại, bà với cháu tự chăm sóc, tự làm tất cả mọi việc mà không cùng mẹ đón Tết như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Ở với bà được 4 năm thì bà mất sau đó chuyển về ở với dì ruột. Giờ đi học xa nhà, bận làm thêm ít nói chuyện với mẹ hơn vì mẹ tôi làm ca tối đến muộn mới về. Mặc dù tự lập từ nhỏ nhưng nhiều khi vẫn nhớ mẹ da diết, chỉ mong mẹ về với mình thôi”, Trang tâm sự. 
Trang cho biết, đến khi mình học lớp 12, mẹ mới mua điện thoại thông minh để hai mẹ con nói chuyện với nhau. 7 năm trước đó, Trang không được nhìn thấy mặt mẹ, chỉ được nói chuyện qua điện thoại.
Dù không nói ra vì sợ mẹ buồn nhưng Trang luôn mong mẹ về để được đón Tết cùng nhau. Nhưng vì điều kiện khó khăn, Trang hiểu và nghĩ bản thân phải luôn cố gắng để mẹ yên tâm làm việc nhưng không lúc nào thôi nghĩ giây phút 2 mẹ con đoàn tụ.

Bộ bàn nghề “bỏ không” trong nhà  mẹ con bà Chương nhiều năm qua

Ảnh: Dương Lan

 
“Mỗi khi đến Tết, một mình dọn nhà để cậu (anh trai của bà Chương - PV) đến thắp hương tất niên, mồng 1. Tự lập từ nhỏ nên việc trưng bày đồ lễ vốn không việc của mình nhưng tôi vẫn có thể làm được. Giờ chỉ mong ngày mẹ về để 2 mẹ con đón Tết, sáng mồng 1 cùng nhau đi thăm anh em, họ hàng”, Trang bộc bạch.
Thêm một cái tết, Trang không được ở bên cạnh mẹ. Những người phải đi làm ăn xa quê như bà Chương đành gác lại hạnh phúc để tiếp tục làm việc với hy vọng một tương lai tươi sáng, đủ đầy sẽ đến với bản thân và con gái. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.