CSGT dễ nổi nóng khi thấy người dân quay clip lúc thổi phạt, vì sao?

10/12/2019 12:13 GMT+7

Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh người dân quay clip khi bị CSGT thổi phạt. Nhiều đoạn clip có điểm chung là CSGT dễ nổi nóng, thậm chí xưng mày - tao, chửi tục khi người dân quay camera về hướng mình.

Như Thanh Niên đã đưa tin, mới đây, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip dài 15 giây ghi lại cảnh một CSGT chửi tục khi người chạy xe đang đôi co với CSGT về lỗi vi phạm. Theo đó, khi đang giải thích lỗi vi phạm cho người quay clip, bỗng nhiên CSGT không giữ được bình tĩnh đã chửi tục: “Đ.m mày”.

CSGT chửi bậy khi giao tiếp với người dân

Trước đó, một clip khác quay tranh cãi giữa CSGT và người lái xe ở Q.7 được chia sẻ trên Facebook. Vị CSGT đã có những câu nói khiến cộng đồng mạng không khỏi bất ngờ: “Nói nghe nè, ở đây là Q.7, về luật tao thua mày. Mày thích chơi không, rồi chơi”.

‘Sao thấy camera lại nổi nóng?’

Trước những lời lẽ khó nghe của CSGT, nhiều độc giả báo Thanh Niên đã không khỏi thắc mắc vì sao cứ thấy người dân quay clip là CSGT lại dễ nổi nóng. Trong khi, theo luật, người dân được quyền quay phim, ghi âm, giám sát CSGT làm nhiệm vụ.
Bạn đọc tên Việt (TP.HCM) bình luận: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép. Đó là một trong 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, mà sao anh CSGT đã làm điều ngược lại. Khó mà có lời lẽ nào giải thích cho cách làm việc của anh này”.

Dù lãnh đạo nói rằng người dân được quay hình CSGT khi CSGT làm nhiệm vụ, nhưng nhiều CSGT vẫn không giữ được bình tĩnh...

Ảnh minh họa: Ngọc Dương

Độc giả tên Rovin thì nhận định, việc CSGT xưng mày – tao, chửi tục chắc là thói quen, chứ không phải bộc phát. Anh Rovin cũng nghi ngờ: “Bộ Công an cho phép người dân ghi hình CSGT xử phạt mà sao CSGT lại tức nhỉ?”.
Một số bạn đọc chia sẻ hơn, cho rằng có thể CSGT đang bị người quay chọc tức nên không giữ được bình tĩnh nên cần xem xét clip một cách đầy đủ hơn để biết ai đúng, ai sai.
Dù vậy, bạn đọc tên Phương (Hà Nội) vẫn gay gắt: “Công dân có quyền quay phim, ghi âm, giám sát CSGT khi đang làm việc nên cho dù có bị cố tình chọc tức thì CSGT cũng phải ý thức chuyên nghiệp về công việc mình đang thực hiện”.

‘CSGT cũng có… cái khó’

Đầu năm 2019, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) đã điều chuyển một cán bộ chiến sĩ từ công tác mặt đường vào công tác văn phòng vì bắt người dân xóa clip quay mình.
Đại diện PC08 từng trả lời báo chí, người dân có quyền giám sát CSGT nên việc người dân quay clip, chụp hình CSGT làm việc đó là quyền của người dân. Lưu ý việc giám sát ở đây là quan sát, chứ không phải người dân có quyền kiểm tra giấy tờ của CSGT.

Trước đó, một CSGT đã bị điều chuyển công tác vì có những lời lẽ không phải với người dân

Độc Lập

Phòng PC08 cũng nhiều lần thông tin, nếu người dân quay clip mà bị CSGT phản ứng thì có thể gọi về số điện thoại đường dây nóng 24/7 để phản ánh: 0994.67.67.67.
Một đội trưởng CSGT tại TP.HCM cho biết, lãnh đạo đội luôn nhắc nhở cán bộ khi ra đường phải biết tiết chế cảm xúc của mình, nhưng lâu lâu vẫn xảy ra những câu chuyện đáng buồn về hình ảnh CSGT trên mạng xã hội.
“Có thể do ca làm việc 4 tiếng dưới nắng làm CSGT áp lực nên không giữ được bình tĩnh. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp người vi phạm khi bị thổi phạt thì lập tức lấy điện thoại dí vào sát mặt CSGT để quay phim, thách thức. Những clip được tung lên mạng xã hội cũng chỉ cắt đoạn chứ không thể hiện được toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện. Nhưng dù sao, CSGT phản ứng mạnh hay nói những lời khó nghe là không chấp nhận được”, vị lãnh đạo CSGT cho biết.
Một CSGT khác cũng cho biết, mỗi năm PC08 đều mời chuyên gia tâm lý về để tập huấn kỹ năng giao tiếp với người vi phạm trong từng bối cảnh, cách kiềm chế cảm xúc cho CSGT. Các buổi tập huấn thường có sự tham gia của 100% quân số. Bên cạnh đó, các buổi đào tạo công tác nghiệp vụ, cách giải thích luật cho người dân cũng được chú trọng hằng năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.