Xe

Dân nhậu Sài Gòn chạm mặt CSGT - Kỳ 1: ‘Nhây’ tới bến, tiểu tiện tại chỗ

01/08/2017 09:44 GMT+7

'Tôi sản xuất ra máy này tôi biết, đo sai hết', 'ông tin ngày mai tôi cách chức ông không?' hay 'hết hơi rồi thổi không nổi' … là những câu nói quen thuộc của dân nhậu Sài Gòn khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Theo đó, người chạy xe ô tô chỉ cần uống 1 ly cũng có thể bị CSGT giam xe, tước bằng lái, còn người chạy xe máy hơi thở không được có nồng độ cồn vượt quá 0,25mg/lit khí thở.
VIDEO: Dân nhậu dùng chiêu né đo nồng độ cồn
Phóng viên Báo Thanh Niên đã theo chân CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) đi kiểm tra nồng độ cồn nhiều đêm trong thời gian dài để ghi nhận những chuyện bi hài quanh việc “thổi” nồng độ cồn.
Quăng xe bỏ chạy, đi vệ sinh trước mặt CSGT
Tuyến đường Phạm Văn Đồng được xem như cung đường ăn nhậu ưa thích bậc nhất của dân Sài Gòn vì hàng quán thoáng mát, giá cả phải chăng. Có lẽ vậy nên nhiều người đã “vui quá đà” rồi xách xe chạy phà phà vì… đường rộng mát quá. Do đó, Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn - phụ trách đoạn đường này phải đối mặt nhiều trường hợp “dở khóc dở cười”.
Người đàn ông đập mũ bảo hiểm xuống đất rồi quăng xe bỏ chạy, thách thức CSGT xem có dám phạt không... Ảnh: Độc Lập
Trong một lần CSGT đang kiểm tra nồng độ cồn từ khung giờ 22 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau tại đoạn Phạm Văn Đồng (gần đoạn Cá sấu Hoa Cà) thì phát hiện một người đàn ông chạy xe máy vào làn đường dành cho xe ô tô.
Khi CSGT yêu cầu dừng xe và thổi nồng độ cồn thì anh vui vẻ chấp hành. Máy kiểm tra cho kết quả 0,884 mg/lit khí thở, CSGT yêu cầu anh xuất trình giấy tờ thì bất ngờ anh đập mũ bảo hiểm xuống đường, bỏ chạy rồi quay lại hất giọng thách thức: “Tui đi, xem mấy ông phạt được không?”
Đi vệ sinh trước mặt CSGT khi đang kiểm tra nồng độ cồn Ảnh cắt từ clip
Trường hợp khác, ông N.M.Đ (34 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) có nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá 0,4 mg/lit khí thở nhưng lè nhè không chịu ký biên bản rồi dùng những lời lẽ “khó nghe” để đối thoại cùng CSGT. Sau cùng, ông Đ. đại tiện luôn trước mặt CSGT để phản ứng vì bị lập biên bản.
Còn anh M. sau khi bị CSGT yêu cầu dừng xe thổi nồng độ cồn đã bắt bẻ: “Từ từ, mấy anh làm gì dữ vậy?”, “Mà khoan, máy có kiểm định không, giấy kiểm định đâu? Tui cần phải kiểm tra, máy phải có tem, mở ra tui coi tí đi”.
Vừa nói xong, bất ngờ anh M. kéo quần xuống đi vệ sinh ngay ở dải phân cách rồi thản nhiên: “Tui xin lỗi mấy anh, là tui có lỗi. Thôi, tui cho ông chiếc xe này luôn, tui không cần nên cho, cứ lấy đi, lấy được gì cứ lấy đi”. Dứt câu, anh M. đi bộ loạng choạng tìm bắt xe ôm.

tin liên quan

Người bị thổi phạt cự cãi CSGT có được xem là Chống người thi hành công vụ?
Người phụ nữ chạy xe ngược chiều bị CSGT nhắc nhở đã lớn tiếng chửi bới CSGT. Ngoài đời, có nhiều trường hợp người điều khiển xe khi bị thổi phạt thường tranh luận, dùng lời lẽ lớn tiếng. Thậm chí, dùng đến những từ ngữ thô tục xúc phạm người đang làm nhiệm vụ, hay 'động tay, động chân'.
“Hết hơi sao thổi”, “Tui sản xuất ra máy này tui biết!”
Gần 12 giờ đêm, anh N.M.T (ngụ huyện Bình Chánh) đi nhậu về ngang qua đường Phan Đăng Lưu. Khi đến Ngã tư Phú Nhuận, thấy CSGT đứng đông quá anh bật xi-nhan rẽ phải vào đường Nguyễn Kiệm. Tuy nhiên, CSGT thấy anh T. vẻ mặt lơ ngơ, chạy xe loạng choạng nên đã yêu cầu anh dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn.
Anh T. ngụ Bình Chánh thì khẳng định anh sản xuất ra máy đo nồng độ cồn nên anh biết máy này đo sai 20% Ảnh: Độc Lập
Dừng xe, anh Tân cười tươi rói chào CSGT và phóng viên, rồi quay tới quay lui phà hơi, anh nói: “Cho tui thở cái, thở cho nó ra bớt đi. Cái này có vẻ căng nha, lấy xe đúng không. Giờ bỏ xe luôn chứ sao”.
CSGT cho anh T. 5 phút để “thở”, lúc này, dáng vẻ say lè nhè anh nói như chia sẻ điều gì tâm đắc lắm: “Máy này bên tui làm ra nó mà lo gì. Phần mềm có xử lý hay can thiệp gì không? Kiểm tra nó sai 20% chứ không có đúng hết đâu”.
Sau khi anh T. thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn, kết quả là 0,586 mg/lit khí thở. Anh T. bị lập biên bản đóng phạt 3,5 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày và tước GPLX 4 tháng. Trước khi đón xe ôm, anh biện minh: “Uống có nửa két chứ mấy. Giờ chẳng lẽ nhậu xong ngủ khách sạn, vợ ghen thì sao”.
Kết quả đo nồng độ cồn "siêu đẹp" và mức xử phạt cũng "siêu đẹp" dành cho dân nhậu Sài Gòn Ảnh: Độc Lập
Một trường hợp khác, anh P. đi nhậu về cùng bạn, hai người đi hai xe, thấy bạn bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn, anh đứng lại bắt bẻ, vặn vẹo tới lui. Bạn anh sau được CSGT cho đi vì nồng độ cồn chưa tới 0,25 mg/lit khí thở nhưng CSGT thấy anh P. có mùi rượu bia cũng khá nồng nặc nên anh vừa lên xe chạy được 10m thì CSGT yêu cầu anh dừng lại để kiểm tra nồng độ cồn.
Anh P. hậm hực: “Mày để máy đó đi, CSGT đội nào, để tao gọi điện thoại”, CSGT lập tức nhắc nhở: “Mày tao gì ở đây, anh em đàng hoàng mà” và yêu cầu anh thổi nồng độ cồn.
Anh P. ngậm ống “làm bộ” thổi tới thổi lui nhưng không được, “hết hơi sao thổi được?”. Đến khi máy báo đang phân tích, anh P. bắt đầu lo sốt vó, nói: “Mấy anh kỳ quá à, mấy anh kỳ ghê… nhưng mà sao, xỉn chưa?”. Máy báo 0,907 mg/lit khí thở. Anh P. được CSGT thông báo là sẽ bị phạt 3,5 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày và tước GPLX 4 tháng thì ngỡ ngàng….

tin liên quan

CSGT bắn tốc độ, người lái xe có quyền yêu cầu cho xem hình ảnh?
Vụ video clip CSGT ở Cần Thơ bị lăng mạ đang đang nóng dư luận. Nhiều bạn đọc và tài xế thắc mắc rằng nếu bị CSGT bắn tốc độ và yêu cầu dừng lại để kiểm tra, xử phạt thì người điều khiển xe có được biết bằng chứng, hình ảnh vi phạm hay không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.