CSGT TP.HCM đang thí điểm kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế bằng cách cầm máy đo cồn ở chế độ thụ động đến nói chuyện với người chạy xe, trong 10 giây là biết người này có vi phạm hay không. Điều ngạc nhiên với những người lái xe ô tô, tỉ lệ vi phạm rất thấp.
Tối 13.7, Đội CSGT Hàng Xanh, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế tại đường Điện Biên Phủ, đoạn qua địa bàn quận Bình Thạnh.
VIDEO: CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn người lái xe hơi
Đây là phương pháp được triển khai áp dụng từ năm 2014. Theo đó, mô hình kiểm tra này được tiến hành tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường nhưng phải đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai kiểm soát xử lý vi phạm và không gây ùn tắc giao thông. Cách kiểm tra nồng độ cồn này sẽ tiết kiệm được thời gian và kiểm tra được nhiều người điều khiển phương tiện hơn.
Từ nay, CSGT TP.HCM chỉ cần cầm một máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động rồi đến nói chuyện với người chạy xe là biết được người này có vi phạm nồng độ cồn hay không.
Tối 13.7, Đội CSGT Hàng Xanh lập chốt kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế tại đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TPP.HCM). Để thực hiện chuyên đề này, Đội CSGT phải lên phương án tìm địa điểm thuận lợi cho việc xử lý, không gây ùn tắc giao thông và huy động nhiều cán bộ của Đội kết hợp với lực lượng CSCĐ. Ảnh: Vũ Phượng
Trước chốt có CSGT báo hiệu các xe giảm tốc độ để chuẩn bị vào làn kiểm tra nồng độ cồn. Đa số các xe qua chốt đều được CSGT mời đi vào làn đường này đã được phân làn bằng các cọc phản quang. Ảnh: Vũ Phượng
CSGT cầm trên tay máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động, hỏi người chạy xe một số câu hỏi như: "Anh vừa đi đâu về?", "Anh chạy xe có mang theo GPLX không?" hoặc yêu cầu người chạy xe đếm từ 1 đến 10. Nếu người chạy xe có nồng độ cồn trong hơi thở máy sẽ phát cảnh báo, CSGT yêu cầu người chạy xe tấp vào làn riêng để đo định lưỡng xác định mức độ vi phạm, nếu không CSGT sẽ nói cảm ơn và mời người chạy xe tiếp tục tham gia giao thông. Một số trường hợp, máy ở chế độ thụ động báo có cồn nhưng đo định lượng thì xác định không có cồn, CSGT giải thích có thể do người ngồi sau có mùi rượu, bia hoặc trong xe vẫn còn mùi. Ảnh: Vũ Phượng
Trong tối 13.7, tổ công tác đã kiểm tra ngẫu nhiên 200 trường hợp và lập biên bản 6 trường hợp vi phạm. Tất cả các trường hợp vi phạm đều bị tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX từ 1 đến 6 tháng và mức phạt cao nhất lên đến 18 triệu đồng. Một người vi phạm cho biết anh chỉ uống xã giao 2 - 3 chai và còn rất tỉnh táo nhưng vẫn bị CSGT lập biên bản và tạm giữ xe. Ảnh: Vũ Phượng
Một trường hợp vi phạm có nồng độ cồn ở mức 0,414 mg/lít khí thở. Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, trường hợp này sẽ bị xử phạt từ 16 đến 18 triệu đồng, tước GPLX từ 4 - 6 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. Ảnh: Vũ Phượng
Người dân khu vực xung quanh và người đi đường hiếu kỳ cũng đứng lại xem CSGT kiểm tra kiểu mới khiến CSGT liên tục phải nhắc nhở việc dừng xe bên trái của làn đường là rất nguy hiểm. Ảnh: Vũ Phượng
Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều không đủ điều kiện lái xe nên CSGT sẽ lái xe về Đội hoặc về kho tạm giữ. Để trán mất mát và tranh cãi về tài sản trên xe, CSGT yêu cầu người điều khiển xe ngồi bên cạnh trong khi CSGT chạy xe. Trước đó, trao đổi cùng Thanh Niên lãnh đạo một số Đội CSGT cho biết theo Nghị định 46 có hiệu lực 1.8.2016 mức phạt vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển xe ô tô là rất cao nên năm nay số lượng trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã giảm đáng kể. Do đó, số vụ tai nạn trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm cũng giảm. Đây là điều đáng mừng vì ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng cao. Ảnh: Vũ Phượng
Trong số 20.065 trường hợp vi phạm luật giao thông bị camera của CSGT TP.HCM ghi hình và gửi thông báo thì chỉ có 7.124 trường hợp đến đóng phạt, còn lại đến 13.000 trường hợp chưa chịu đóng phạt.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP
Đối với ô tô
Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0.25mg/lit khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.
Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lit khí thở thì bị phạt tiền từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 3 - 5 tháng.
Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lit khí thở thì bị phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 đồng, tước GPLX 4 - 6 tháng; tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Đối với mô tô, xe máy
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lít khí thở thì phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng; tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng, tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 3 - 5 tháng.
Bình luận (0)