Cuối năm tiệc tùng liên miên, tất niên khiến nhiều người 'xỉn quắc cần câu', rất nguy hiểm khi chạy xe. “Hết hơi không thổi nổi”, “tui sản xuất ra máy này tui biết, đo sai rồi”, “không ký biên bản”, … là những câu đối đáp với CSGT khi bị kiểm tra thổi nồng đồ cồn.
Rạng sáng 18.1, tổ công tác thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết Đinh Dậu tại khu vực Ngã tư Phú Nhuận.
Trong vòng 2 giờ, CSGT đã kiểm tra hành chính, lập biên bản và tạm giữ phương tiện của nhiều người chạy xe máy. Đáng nói là hầu như các trường hợp bị kiểm tra đều có nồng độ cồn trong hơi thở quá mức cho phép và đều lấy lý do tất niên cuối năm để xin... thông cảm.
VIDEO: Đủ kiểu 'nhây' khi bị CSGT đo nồng độ cồn - Thực hiện: Vũ Phượng - Độc Lập
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn từ 16.8.2016. Theo đó, những tuyến đường và khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông sẽ có lực lượng CSGT đứng chốt.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của PC67, xác định nguyên nhân người điều khiển phương tiện tự té và gây tai nạn phần lớn có nồng độ cồn nên lực lượng CSGT đã kiên quyết tạm giữ phương tiện.
‘Tui sản xuất ra máy này tui biết’
23 giờ, anh Nguyễn Minh Tân (ngụ Bình Chánh) chạy xe trên đường Phan Đăng Lưu hướng về công viên Hoàng Văn Thụ. Đến Ngã tư Phú Nhuận, khi thấy CSGT, anh Tân bật xi-nhan để rẽ phải vào đường Nguyễn Kiệm. Tuy nhiên, do thấy anh Tân có biểu hiện chạy xe loạng choạng, CSGT đã yêu cầu anh dừng lại để kiểm tra nồng độ cồn.
Sau một hồi cà cưa bắt bẻ CSGT, anh Nguyễn Minh Tân đã chịu thổi nồng độ cồn Ảnh: Độc Lập
Vừa dừng xe, anh Tân tươi cười chào CSGT và nói: “Từ từ cho thở cái được không? Thở cho nó ra bớt đi. Cái này căng rồi, cái này lấy xe đúng không? Xe có mười mấy triệu anh cứ lấy đi. Giờ bỏ xe luôn chứ sao”.
Sau hai lần đôi co cùng CSGT, anh Tân nói tiếp: “Máy này bên em làm mà ra nó mà lo gì. Phần mềm có xử lý không, có can thiệp không? Kiểm tra nó sai 20% chứ không có đúng hết đâu”.
Anh Tân cho biết đã uống nửa két bia vì đi ăn tất niên cùng đối tác làm ăn Ảnh: Độc Lập
Tuy vậy, kết quả đo nồng độ cồn của anh Tân là 0.586 mg/lit khí thở. Với mức này, anh Tân phải đóng phạt 3,5 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày và tước GPLX 4 tháng. Trong khi CSGT lập biên bản, anh Tân biện minh: “Cuối năm nhậu tất niên thôi có gì đâu, một chầu một… uống có nửa két à”.
Sau cùng, anh Tân thở dài: “Hàng triệu người vẫn đi nhậu đấy thôi? Chẳng lẽ nhậu xong ngủ khách sạn, mà ngủ khách sạn rồi vợ ghen thì sao? Biết vậy đi đường khác cho rồi, mà đi đường nào cũng bị à”.
Khi CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, nhiều dân nhậu Sài Gòn đã vòng vo câu hỏi, bắt bẻ đòi kiểm định máy đo cồn,…thậm chí là đi vệ sinh ngay tại chỗ để kéo dài thời gian.
‘Hết hơi sao thổi”
Cũng trong tối 18.1, khi đang chạy xe theo hướng công viên Hoàng Văn Thụ về ngã tư Phú Nhuận, anh Nguyễn Quý Anh Phương (ngụ quận 1) được CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Anh Phương dừng xe, xuất trình giấy tờ nhưng để xe đó bỏ đi vì không muốn kiểm tra.
Sau một chục lần ngậm ống, hít ống, anh Nguyễn Quý Anh Phương mới thổi ống thở kiểm tra nồng độ cồn Ảnh: Độc Lập
Anh Phương phản ứng: “Các anh nói có nồng độ cồn chạy xe nguy hiểm giờ tui để xe đó rồi, cho tui đi bộ về được không?”. Sau một hồi được CSGT và CSCĐ thuyết phục, anh Phương mới đồng ý kiểm tra nồng độ cồn.
Thế nhưng khi được yêu cầu thổi vào ống thở, anh Phương lại tiếp tục “cù nhây” hơn chục lần. Một CSCĐ phải lấy ống thở khác để hướng dẫn anh Phương cách thổi nhưng anh vẫn chỉ ngậm ống hoặc hít hơi vào và nói tỉnh rụi: “Hết hơi sao thổi!”.
Trường hợp khác là anh Nguyễn Tòng Chinh (ngụ quận Phú Nhuận). Khi CSGT yêu cầu dừng xe, anh đã cho xe giảm tốc nhưng sau đó bất ngờ “vọt lẹ”. Tuy nhiên, CSGT và CSCĐ đã đuổi theo để yêu cầu anh quay lại chấp hành.
Anh Nguyễn Tòng Chinh chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn Ảnh: Độc Lập
Tuy nhiên anh lại không ký biên bản tạm giữ phương tiện Ảnh: Độc Lập
Anh Chinh nghiêm chỉnh chấp hành tất cả các bước từ thổi nồng độ cồn đến ký biên bản xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên riêng biên bản tạm giữ phương tiện thì anh không ký và nói rằng: “Tôi không ký, cái này không chính xác”.
Tuy nhiên toàn bộ quá trình kiểm tra đã được CSGT ghi hình nên anh Chinh vẫn bị tạm giữ GPLX và phương tiện. Cuối cùng, anh lững thững đi bộ nhìn theo chiếc xe của mình đang được CSGT chạy về Đội.
Một trường hợp khác được CSGT yêu cầu kiểm tra hành chính và nồng độ cồn Ảnh: Độc Lập
Rất may mắn, người này mang theo đầy đủ giấy tờ và trong hơi thở có nồng độ cồn dưới 0.25mg/lit khí thở nên được CSGT mời đi tiếp Ảnh: Độc Lập
Người này cho biết, anh đã uống bia nhân dịp tất niên nhưng không dám uống nhiều. Anh thở phào: "May quá!" Ảnh: Độc Lập
Tăng cường kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết Đinh Dậu
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết trong dịp Tết Đinh Dậu, CSGT sẽ tập trung kiểm tra người điều khiển xe ô tô khách và người điều khiển xe máy với các lỗi phổ biến, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.
Bình luận (0)