Chiến tranh tàn phá và trải qua hàng trăm năm với bao biến cố của thời tiết, các khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Trường Lệ (thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) nay chỉ còn ít bức tường, nền móng lấp trong những tán rừng.
|
Dọc theo chiều dài của đỉnh núi Trường Lệ, hiện có 2 khu vực còn dấu tích của những khu nghỉ dưỡng do người Pháp xây dựng. Một khu là dành cho những người có quyền chức, cao sang nghỉ dưỡng. Một được cho là khu nghỉ dưỡng của vua Bảo Đại.
|
Từ chân núi, mất khoảng 10 phút đi bằng xe máy để lên đến đỉnh núi Trường Lệ. Ở khu vực đỉnh núi phía tây, người ta tìm thấy dấu tích khu nghỉ dưỡng rộng chừng 500 m2.
Khu nghỉ dưỡng này do người Pháp thiết kế, xây dựng để dành riêng cho người có chức quyền, giới giàu có nghỉ dưỡng.
|
Chiến tranh đã tàn phá vào những năm 1968 - 1972, ở khu vực này chỉ còn hệ thống móng, một số bức tường bằng đá. Luồn quá nhiều lớp cỏ cây bao trùm, khu móng hiện ra còn thể hiện rõ nơi đây từng xây dựng khu nhà có nhiều phòng. Bao quanh là hệ thống tường rào kiên cố.
|
Điểm nổi bật của công trình là hệ thống tường nhà và tường rào và móng. Khu nghỉ dưỡng được xây dựng bằng đá hoa cương có sẵn ở núi, xây lẫn với gạch chỉ nung đúc thủ công. Các bức tường có độ dày khoảng 80 cm. Móng dày từ 1 - 1,2 m rất chắc chắn và đảm bảo mùa đông sẽ ấm áp, mùa hè mát mẻ để chống lại nắng nóng oi ả.
|
Đỉnh núi Trường Lệ chạy dọc hướng từ tây sang đông, nhưng hệ thống nhà nghỉ dưỡng do người Pháp xây dựng ở đây có hướng đông bắc. Khu nghỉ dưỡng này được cho là xây dựng vào khoảng những năm 1907 trở về sau. Để tiện cho việc nghỉ dưỡng, tắm biển, những người ở khu nhà này thường xuống biển dưới chân núi tắm. Và ngày đó, người Pháp đặt tên bãi biển khu vực họ thường tắm là bãi Lãn.
Cách khu nghỉ dưỡng này khoảng 700 m về phía đông, là khu nghủ dưỡng của vua Bảo Đại, ngự trên bãi biển có tên là bãi Nix. Công trình này được xây dựng thời gian sau khu nghỉ dưỡng của người Pháp, hiện không còn rõ ràng, chỉ còn hệ thống móng và tường rào.
|
Theo quan sát của chúng tôi, khu nghỉ dưỡng của vua Bảo Đại cũng rộng chừng 500 m2 và cũng được xây dựng bằng loại đá hoa cương, đá thạch anh có màu đen sẫm và lấm chấm phát ra ánh sáng phản chiếu khi có tia nắng chiếu vào.
Khu vực này chỉ còn hệ thống tường rào, nền móng và cũng có độ dày tương tự công trình nghỉ dưỡng của người Pháp phía trên.
|
Ông Cao Văn Tâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Sầm Sơn, cho biết đến nay vẫn chưa có một thông tin đo đếm cụ thể nào về dấu tích các công trình nghỉ dưỡng của người Pháp, cũng như của vua Bảo Đại trên đỉnh núi Trường Lệ.
Ông Tâm nhận định, có thể do đỉnh núi Trường Lệ có khí hậu khác biệt so với phần còn lại của thành phố Sầm Sơn. Mùa hè nắng nóng oi ả, nhưng trên núi không khí mát rượi, vì thế, người Pháp và vua Bảo Đại đã chọn dãy núi này để xây dựng khu nghỉ dưỡng.
|
“Hiện nay, thành phố Sầm Sơn đang liên hệ với các cơ quan có chuyên môn, nhà nghiên cứu để xác định chính xác các công trình xây dựng trên núi Trường Lệ được xây dựng năm nào, quy mô công trình, cách thức xây dựng, cũng như vai trò của các khu nghỉ dưỡng. Khi phát hiện các công trình này, cộng thêm các công trình tâm linh hiện tại trên núi Trường Lệ, thành phố đang hướng tới xây dựng, biến nơi đây thành sản phẩm du lịch không thể thiếu cho du khách khi đến Sầm Sơn”, ông Tâm nói.
Hiện nay, trên đỉnh núi Trường Lệ còn có hệ thống các công trình tâm linh là tiềm năng của du lịch Sầm Sơn, như đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, hay như di tích hòn Trống Mái.
Bình luận (0)