Đề xuất máy bơm 'khủng' chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất

20/06/2018 10:02 GMT+7

Việc siêu máy bơm “hết phép” nhìn đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ngập sâu còn chưa giải quyết xong, chủ đầu tư lại tiếp tục đề xuất dùng máy bơm công suất lớn hơn chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

[VIDEO] Đề xuất "siêu máy bơm" trên đường Phan Huy Ích: Không hết ngập không lấy tiền
Máy bơm khủng hơn nhiều lần
Chiều 19.6, đại diện Công ty Tập đoàn công nghiệp Quang Trung xác nhận vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất chống ngập 2 lưu vực đường Phan Huy Ích (Q.Tân Bình, Q.Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (Q.12, TP.HCM) và sân bay Tân Sơn Nhất bằng hệ thống máy bơm khủng.
Theo nội dung tờ trình, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Tập đoàn Quang Trung, cho rằng đường Nguyễn Văn Quá có chiều dài ngập khoảng 1.600 m với lưu vực khoảng 335 ha.
Các khu vực lân cận tại phường Đông Hưng Thuận, Trường Chinh khi mưa lớn đổ dồn về Nguyễn Văn Quá (Q.12) gây ngập nặng.
Trong khi đó, đường Phan Huy Ích có chiều dài ngập khoảng 1.500 m với lưu vực gần 850 ha (trong đó 446 ha thuộc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất). Theo ông Cường, đường Phan Huy Ích ngập sâu cũng là nguyên nhân khiến sân bay Tân Sơn Nhất ngập theo, vì kênh Hy Vọng (thoát nước phía tây bắc sân bay) có chảy ngang đường Phan Huy Ích. “Hai tuyến đường này hoàn toàn có thể giải quyết ngập triệt để nếu được lắp máy bơm, một phần không nhỏ của sân bay cũng sẽ hết ngập tức thì”, ông Cường nói.
Đặc biệt, máy bơm được lắp chống ngập cho sân bay sẽ “khủng” hơn máy bơm đang sử dụng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. “Máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh thật ra quá bé nhỏ với khả năng của công ty. Nếu được TP đồng ý, chúng tôi sẽ lắp đặt máy bơm “khủng” hơn rất nhiều lần tại khu vực này, đường kính máy bơm khoảng 3 - 4 m đảm bảo hút sạch nước triều cường, kể cả nước mưa đổ ra kênh Tham Lương chống ngập, giúp đỡ cho bà con”, ông Cường nói, đồng thời một lần nữa khẳng định “không hết ngập, công ty sẽ không lấy tiền của TP”.
Việc cũ chưa xong, không bàn chuyện mới
Đây là quan điểm của ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trước thông tin đề xuất của Tập đoàn Quang Trung. Cụ thể, ông Tuyến cho rằng TP đang ký hợp đồng sử dụng máy bơm của Quang Trung để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, cũng với cam kết của chủ đầu tư là “không hết ngập không lấy tiền”.
Tuy nhiên, trong một vài trận mưa vừa qua, đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngập. Phía chủ đầu tư thì cho rằng có kẻ phá hoại, đổ rác xuống cống gây nghẹt, nước không về, máy bơm không hoạt động được, trong khi UBND Q.Bình Thạnh cùng Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP qua điều tra khẳng định, không thấy có dấu hiệu phá hoại, lượng rác thu được sau cơn mưa cũng quá nhỏ, không đủ gây nghẹt cống.
“TP đang nhờ các chuyên gia vào cuộc để tìm nguyên nhân gây ngập, sau đó sẽ có phương án xử lý. Nguyên nhân còn chưa rõ, việc thanh toán chưa giải quyết xong nên TP sẽ không bàn đến các dự án tiếp theo”, ông Tuyến nói.
Không phản đối việc sử dụng máy bơm để chống ngập tại một số khu vực trên địa bàn TP, nhưng KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý đây chỉ là giải pháp tạm thời, ngắn hạn, chỉ chữa “phần ngọn”. Vì thế, nếu có ý định triển khai lắp đặt thêm máy bơm ở các khu vực khác, cần phải đặt vào trong tổng thể một dự án chống ngập ngắn hạn, giao cho một đơn vị có trách nhiệm điều phối, từ đó mới quyết định được máy bơm công suất cỡ nào là vừa.
“Tất cả phải nằm trong một dự án tổng thể, trong đó được phân loại rõ dự án ngắn hạn, tình thế và dự án dài hạn, căn cơ”, ông Sơn nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng đánh giá xảy ra trường hợp lúng túng khi đường Nguyễn Hữu Cảnh không hết ngập như hiện nay là do hợp đồng thuê máy bơm không chặt chẽ. Lẽ ra, khi TP đặt hàng chủ đầu tư, phải giao toàn bộ dự án cho một đầu mối. Máy bơm chỉ là một công đoạn, chủ đầu tư cam kết hết ngập thì phải chịu trách nhiệm quản lý luôn tất cả các phần đi kèm như làm sạch hệ thống cống, đảm bảo dẫn nước về. Bản thân chủ đầu tư có thể đứng ra làm luôn hoặc hợp tác với đơn vị khác. Những vấn đề nội bộ như vậy TP không cần biết, chỉ bàn giao và nhận kết quả, đạt thì trả tiền. Như vậy mới không dẫn đến tình trạng người này đổ thừa người kia như hiện nay.
“Còn nếu trung tâm chống ngập đứng ra ký kết với DN thì trung tâm phải chịu trách nhiệm với TP về kết quả. TP đã bỏ tiền ra rồi còn phải thương lượng, xử lý, vì do này nọ thì thuê làm gì?”, KTS Nam Sơn đặt vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.