'Đội mạnh' chèo SUP tìm đến bà con Quảng Trị bị cô lập vì lũ dữ

14/10/2020 12:12 GMT+7

Trước tình cảnh miền Trung oằn mình trong lũ dữ, hội những người yêu môn thể thao ván đứng (SUP) ở Đà Nẵng đã lên kế hoạch chi tiết để hỗ trợ bà con bị cô lập vì lũ dữ ở Quảng Trị nhiều ngày qua.

Anh Trần Đăng Vinh - thành viên của hội chơi môn thể thao ván đứng (SUP - Standup paddle board) ở Đà Nẵng cho biết ngay khi biết thông tin lũ dữ hoành hành ở Quảng Trị, anh cùng bạn là anh Phạm Thanh Hoàng suy nghĩ phương án cứu trợ và gặp chính quyền địa phương để lên kế hoạch một cách cụ thể nhất.
"Khi trò chuyện với một cán bộ địa phương nơi bị ngập lụt, người ta bảo giờ nếu các đoàn từ thiện gửi họ 1.000 thùng mì tôm để trao cho các hộ gia đình thì thật sự rất khó, vì nhiều nơi đang thiếu trầm trọng ghe thuyền, không đủ để cứu hộ, di chuyển cho nhu cầu cơ bản nhất hiện tại", anh Vinh chia sẻ. "Chính vì thế chúng tôi quyết định chuyển cano từ Đà Nẵng ra, những người chèo SUP sẽ mang nhu yếu phẩm đi phát từng nhà".
Được biết, nhóm SUP Đà Nẵng sử dụng xe bán tải có thể di chuyển được ở những địa hình khó còn các thành viên trong nhóm hầu hết là những tay chèo lão luyện. Một số người còn có giải thưởng lớn trong các giải đua SUP và Kayak thành phố Đà Nẵng và toàn quốc.

Bà con ở H.Hải Lăng (Quảng Trị) vui mừng khi được tiếp tế.

Ảnh: NVCC

Anh Vinh và đồng đội đi cứu trợ ở vùng bị cô lập bằng SUP.

Ảnh: NVCC

Theo anh Vinh, nhóm đã cử người đi tiền trạm trước để nắm rõ mực nước, địa hình để đảm bảo an toàn cho mọi thành viên tham gia cứu trợ. Anh Vinh chia sẻ: "Nhà nhiều bà con bị ngập cao và bị cô lập đã 4 ngày, mất điện hoàn toàn, đêm về không có ánh sáng, không có sạc điện thoại, phương tiện di chuyển chỉ có mấy chiếc thuyền ghe. Ai có việc gì gấp thì lội bộ, còn lại thì ai ở yên nhà nấy. Anh em chúng tôi tiếp cận đưa mì tôm, nước suối, đèn cầy và hộp quẹt để cứu trợ khẩn cấp cho bà con có những thứ cơ bản".
Nhận đồ cứu trợ của nhóm, ông Lê Hiền (64 tuổi, H.Hải Lăng) cho biết: "Mấy hôm nay không ai ra khỏi nhà, đến tối thì chui một góc nằm chứ tối thui không thấy gì, lỡ có chuyện gì đi đâu cũng không biết sao". Cụ bà Võ Thị Uyển (91 tuổi) cho biết nhà cụ đã ngập 5 ngày, cô lập hoàn toàn nên cụ ở nhà một mình và chỉ biết đứng ngóng ngoài cửa. Khi các thành viên hội SUP Đà Nẵng đến gửi nhu yếu phẩm, cụ rất vui.

Thành viên hội SUP chuẩn bị trước khi vào vùng lũ.

Ảnh: NVCC

Anh Vinh cho biết việc lên phương án tiếp cận cứu trợ các nơi bị cô lập sẽ khác với cứu trợ hậu lũ lụt và không hề đơn giản để tiếp cận trực tiếp các gia đình.
"Cách đây mấy hôm, Vinh đã có mặt tại Quảng Trị, khảo sát tiền trạm lấy thông tin thực tế, hôm qua Vinh điều động 2 chiếc cano (kế hoạch ban đầu tính 4 chiếc) và 7 chiếc SUP từ Đà Nẵng ra Quảng Trị. Cano nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng liên tục từ nơi bắt đầu ngập đến trung tâm vùng lụt, tập kết hàng rồi quay lại chuyển tiếp hàng, 1 chiếc cano đưa hàng từ điểm tập kết đến các thôn xóm có các bạn chèo SUP tinh nhuệ nhất Đà Nẵng nhận hàng và đưa đi len lỏi đến tận nhà bà con," anh Vinh chia sẻ với PV Thanh Niên.
Một ngày dầm trong mưa lớn gió to, một số đoạn nước chảy siết, các thành viên ướt sũng đẫm lạnh, không ít lần lật SUP té nhào nước, cano bị sự cố phải kéo rất vất vả. Nhưng tất cả đều an toàn với những phương án được tính toán kỹ và khảo sát tiền trạm trước đó. Họ đến tận những gia đình đã bị cô lập nhiều ngày. Các thành viên không ai thấy mệt mỏi bởi đã góp được chút công sức giúp bà con, đồng bào trong lúc hoạn nạn.

Anh Vinh gặp mặt chính quyền địa phương.

Ảnh: NVCC

Anh nói: "Chính quyền địa phương cũng bất ngờ vì có một nhóm thiện nguyện lên phương án chi tiết tối ưu như thế này, khi chính ở đây cũng đang thiếu thốn trầm trọng phương tiện di chuyển đường thuỷ, kể cả ghe thuyền thô sơ cũng thiếu cho những nhiệm vụ khẩn quan trọng. Tất cả phải chủ động lên phương án, chủ động phương tiện và cách thức tiếp cận, không thể yêu cầu chính quyền địa phương ưu tiên cung cấp phương tiện di chuyển vốn đã hiếm hoi cho những công tác thiện nguyện của chúng ta. Còn rất nhiều nhiệm vụ cứu hộ, di tản và những nhiệm vụ đặc biệt mà chính quyền địa phương phải ưu tiên hàng đầu".
Với 9 năm tham gia cứu trợ, anh Vinh có một lời khuyên cho các nhóm thiện nguyện là cứu trợ bão lũ ở những khu vực nước còn ngập cao và tình hình mưa gió còn lớn là rất nguy hiểm, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm lên phương án và điều phối xử lý tình huống tốt.
"Tốt nhất là các đội nhóm có thể phối hợp với chính quyền địa phương nắm thông tin, cứu trợ bà con ở những nơi nước đã rút tương đối, hoặc cứu trợ hậu bão lũ, đảm bảo an toàn và công tác thiện nguyện được thành công," anh nói thêm.

Cụ bà Võ Thị Uyển nhận hàng cứu trợ.

Ảnh: NVCC

Sau ngày đầu tiên, anh Vinh đã có cơ hội gặp anh Lê Đức Thịnh, Phó Chủ tịch huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và các lãnh đạo địa phương để lên phương án phối hợp cùng nhau đến được với người dân đang gặp khó khăn càng sớm càng tốt. Hiện tại hội những người yêu SUP Đà Nẵng sẽ tiếp tục cố gắng kêu gọi, triển khai nhân lực để có thể tiếp ứng cho bà con tỉnh Quảng Trị và những nơi khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.