'Đời rác'... Sài Gòn: 3 thế hệ gom rác vì 'ai cũng chọn việc thơm tho...'

Hoài Nhân
Hoài Nhân
09/11/2019 10:23 GMT+7

"Cha truyền con nối", một gia đình làm nghề gom rác tận 3 thế hệ! Hơn nửa thế kỷ vui buồn với công việc... nặng mùi, họ vẫn kiên trì bám nghề, bởi 'ai cũng chọn việc thơm tho thì ai sẽ làm công việc này'.

“Làm nghề này ấy hả, nhiều khi ngồi lựa ve chai cạnh thùng xe, ai ở đâu xẹt ngang cái ào, quăng ly nước vào thùng cái vèo. Họ nghĩ vứt rác đúng nơi quy định là được. Ngặt nỗi ly nước vướng mép thùng, văng ướt cả đầu vợ chồng tôi, cái này thì đâu ai quy định...”, bà Phùng Thị Dông (64 tuổi) mở đầu câu chuyện nghề gom rác, trong lúc tay vẫn thoăn thoắt phân loại đống rác mà ông Nguyễn Văn Ngọc (67 tuổi, chồng bà) vừa gom về.

3 thế hệ làm nghề gom rác

Một ngày của “nhà rác” bắt đầu từ tờ mờ sáng. Móc thùng chở rác vào đuôi xe máy, cậu con trai út lần lượt chở ông bà từ nhà ra bóng cây gần vòng xoay Châu Văn Liêm (Q.5). Rồi mỗi người tỏa ra một hướng, gom nhặt từng bọc rác người dân để trước cửa nhà. Xe rác đầy, ông bà lại trở ra bóng cây phân loại rác. Sau đó, cậu con trai lại móc thùng xe, chạy ra đổ ở bãi tập kết rác trên đường Võ Văn Kiệt. Cứ thế cho đến gần trưa, hết rác thì “nhà rác” lại cùng nhau trở về.
Gọi là “nhà rác”, bởi thành phố chắc hiếm ai như nhà ông bà, “cha truyền con nối” làm nghề gom rác đã… tận 3 thế hệ.
“Trước năm 75, mẹ tôi đã làm nghề vệ sinh. Sau những lần theo phụ mẹ, tôi vào nghề lúc nào chẳng hay. Rồi mẹ mất, quay tới quay lui giật mình nhìn lại đã “thâm niên” hơn 40 năm rồi. Còn ổng ở chiến trường về, làm này làm kia cũng khó khăn, lại nhìn vợ cực khổ, nên vô nghề luôn!”, bà Dông chia sẻ.

Bà Dông nối nghiệp mẹ làm nghề gom rác. Còn ông Ngọc thấy vợ vất vả nên cũng vào nghề

HOÀI NHÂN

Ngụm nước vội vàng bên hàng đống rác thải

HOÀI NHÂN

Đi quá 60 năm cuộc đời, thấy tuổi cao sức yếu, vợ chồng bà cũng định nhượng lại đường rác (mỗi người trong tổ rác dân lập sẽ phụ trách những con đường, khu vực thu gom nhất định – PV) này cho người khác. Giá “bán” một đường rác bây giờ đến 30 tháng thu nhập, nhưng con trai út ông bà không cho.
“Nó cũng có công việc, làm đủ nghề từ thợ hàn cho đến sửa đồ điện tử gì cũng làm được hết. Nhưng nghe sang đường rác, nó bảo uổng lắm! Ba mẹ ráng làm, con phụ. Chừng nào hết nổi thì tính tiếp”, ông Ngọc lắc đầu cười, cũng chẳng hiểu vì sao cái nghề lại thành cái nghiệp dài đến đời thứ 3 như thế.

Người qua đời, người mất trí nhớ vì nghề

Cái nghề chân chính nào cũng trăm chuyện buồn vui. Vợ chồng ông Ngọc bộc bạch, nghề rác cũng là cái nghề chân chính, có điều buồn chắc nhiều hơn vì chẳng mấy ai coi trọng.
“Người ta bịt mũi, thậm chí phun nước miếng, nói mỉa nói mai là chuyện thường, dù mình cũng sinh hoạt như người bình thường thôi, cũng biết giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Nhưng ai mới vào nghề thì còn buồn, chứ như vợ chồng tôi quen rồi! Cũng như phải quen với mùi hôi thối của rác vậy. Làm nghề này phải quen 2 điều đó, không thì không làm được đâu”, ông Ngọc chia sẻ.

Vợ chồng ông Ngọc làm việc bất kể lễ Tết, bởi chỉ cần nghỉ một ngày, rác sẽ ngập tràn trên đường

HOÀI NHÂN

Bà Ngọc vẫn chưa thôi ám ảnh cái chết của em chồng và tai nạn của em gái mình khi làm nghề gom rác...

HOÀI NHÂN

Nhưng nguy hiểm hơn cả, vẫn là những rủi ro khi làm việc ngoài đường. Trong ký ức “nhà rác”, cái chết của người em út ông Ngọc và tai nạn giao thông chẳng may xảy ra với em gái thứ năm của bà Dông… vẫn còn ám ảnh. Sẽ thật thiếu sót khi chẳng kể họ là những thành viên của “nhà rác”, với cả chục năm bám nghề. Nhưng những tai nạn nghề đã khiến họ từ bỏ công việc này.
“Hồi cái thời còn xe ba gác thô sơ, thằng út bất cẩn đẩy chiếc xe lật ngang đè gãy xương sống. Nằm một chỗ tận 5 – 6 năm trời, yếu quá nên qua đời… Nghiệt ngã thay, nó bị nạn xong, mới 1 tháng sau thì tới bé Năm (em bà Dông) bị xe tông trên đường đi gom rác về. Nhưng không ai biết, chỉ đột nhiên thấy nó mất tích, cuống cuồng đi tìm mà không ra. 3 tháng sau, tình cờ lật tờ báo cũ lụm trong đống rác ngồi đọc, vợ chồng tôi mới thấy tin nó bị tai nạn giao thông, người ta đang nuôi giúp”, ông Ngọc kể lại.

Bị quẹt xe, chó cắn,... là những tai nạn nghề cỏn con của người thu gom rác

HOÀI NHÂN

Bà Năm mất một phần hộp sọ, mất trí nhớ sau tai nạn giao thông trên đường đi gom rác về

HOÀI NHÂN

Tai nạn nghiêm trọng khiến bà Năm hõm sâu một bên đầu, không nhớ gì về cuộc đời ngày trước. Những cơn đau đầu kinh khủng giờ vẫn đến thường xuyên. Vậy mà mỗi ngày, bà vẫn lang thang đi lụm ve chai trong xóm. Có bữa chỉ kiếm được vài nghìn đồng, nhưng bà nói “không đi chịu không nổi”.
“Đó, vậy đó. Mất trí nhớ xong vẫn muốn đi làm nghề rác. Thấy cái nghề hấp dẫn ghê chưa, làm rồi là không có bỏ được đâu”, ông Ngọc pha trò.

Dăm ba niềm vui bám cái nghề chật vật

Đổi lại cho rủi ro ngoài đường, ảnh hưởng về sức khỏe khi tiếp xúc nhiều chất thải, số tiền thu được lại chẳng bao nhiêu. Cả “nhà rác” còng lưng làm chỉ được tầm 7 triệu/tháng. Ve chai trước kia giá cao, vợ chồng ông Ngọc còn bán được trăm nghìn/ngày, giờ chỉ tròm trèm 60 – 70 nghìn. Ấy vậy mà ông bà vẫn gom góp nuôi 3 người con khôn lớn.
“Con gái đầu tôi học cao đẳng hẳn hoi, rồi liên thông lên đại học, giờ làm giáo viên mầm non. Hai đứa sau không được như chị, nhưng cũng chí thú làm ăn. Từ nhỏ tới lớn, không đứa nào tự ti gì về cái nghề ba mẹ hết. Con gái đầu xinh lắm, hôm nó đạt giải hoa khôi trong cuộc thi giữa các trường với nhau, nó còn trả lời phỏng vấn là nó lớn lên nhờ từng miếng rác của bố mẹ nhặt mà”, vợ chồng ông tự hào.

Trưa, vợ chồng ông trở về nghỉ ngơi, chiều lại tiếp tục đi "mót" lần nữa, để hôm sau rác đỡ dồn đống, đỡ cực hơn. Sụp tối, ông bà lại đi quét rác ngoài chợ kiếm thêm tiền trang trải

HOÀI NHÂN

Ngôi nhà nhỏ đầy đồ ve chai, nơi trở về của "nhà rác" sau một ngày làm việc mệt nhọc

HOÀI NHÂN

Kết thúc một buổi sáng Sài Gòn oi ả, cả “nhà rác” lại trở về với bữa cơm đã nấu sẵn từ sớm. Nằm trong con hẻm trên đường Ba Đình (Q.8), căn nhà cũ kỹ, xuống cấp nhưng bình yên như một nốt trầm giữa lòng thành phố. Có dây lá sâm, cây xoài, nuôi con gà, con cá,… Và một đặc trưng không thể thiếu của những người làm nghề rác, đó là trong nhà đầy… rác.
“Những chiếc ti vi, đồ đạc cũ vứt đi chẳng đành, thế là lại gom về xem có gì còn xài được hay không. Từ cái sào đồ, cái ghế ngồi, chậu cây,… đều là đồ tái chế. Niềm vui cái nghề này đơn giản lắm, là giữ lại được một món đồ như thế trong đống phế thải. Con gà trống với mấy con chó này cũng là “rác” nè, tôi đi làm ngang công viên thấy ai bỏ chúng lang thang, ghẻ lở gần chết nên tội quá mang về" ông Ngọc chia sẻ.
Với “nhà rác”, niềm vui bám nghề gom rác chỉ có thế. Là giữ sạch thành phố, là đổi rác lấy chén cơm cho gia đình, là con cái nên người, là nhặt được món đồ còn tốt mà người khác bỏ đi,… Vả lại, "ai cũng chọn việc thơm tho, sạch sẽ, thì rác dành cho ai", như vợ chồng ông bà bộc bạch.
Ông Tống Văn Thơm, Chủ tịch Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập Q.5, cho biết, hiện nghiệp đoàn có tổng cộng 174 người thu gom rác. Gia đình ông Ngọc và bà Dông là một trong những hộ làm nghề rác lâu đời nhất.
"Bản thân tôi cũng chỉ đi gom rác như mọi người, thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Mang tiếng nghiệp đoàn chứ "văn phòng làm việc" cũng là... ngoài đường. Một cái găng tay, một cái áo cũng phải tự mua. Trong khi thành phố hiện đã buộc các xe chở rác tự chế hiện phải chuyển đổi sang phương tiện đạt chuẩn. Thứ nhất không có kinh phí; thứ hai về nhà không có chỗ đậu; thứ ba chuyện bằng lái xe cũng là một vấn đề; chưa kể bất cập hao tốn nhiên liệu, không tiện vào hẻm nhỏ,... Thực tế mà nói, đời sống người làm rác vẫn còn nhiều chật vật", ông Thơm tâm sự thêm về nghề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.