Du mục giữa… Sài Gòn

23/03/2018 09:58 GMT+7

Ở Sài Gòn, rong ruổi theo những công trình xây dựng mọc như nấm sau mưa, người thợ xây như dân du mục giữa thành phố sôi động này...

Cuộc sống rày đây mai đó khiến những công nhân xây dựng ngoại tỉnh có kỹ năng dựng nhà tạm siêu nhanh. Vài tấm bạt rách, ván ghép, những tấm tôn cắt xộc xệch, chục cái cột bằng bắp tay… chỉ trong mấy giờ đã được 3 người đàn ông dựng thành một khu lán trại ngăn nắp đủ để hơn chục người sinh sống tạm bợ vài tháng. Công trình xây xong họ lại đi. Tuy vậy, cũng có người ở như thế mấy chục năm…
Chuột cắn chân, rắn bò lên bụng
Chỉ với tấm chứng minh nhân dân là giấy tờ tùy thân duy nhất, tôi được nhận vào làm công nhân cho một công trình xây dựng nhà ở tại P.Bình An, Q.2 do anh Nguyễn Văn Đoàn (quê Long Mỹ, Hậu Giang) làm cai.
Tại công trường đã có cả chục gia đình thợ xây sinh sống. Họ ở chung lán nhưng sinh hoạt theo từng hộ, mỗi hộ đều cắt cử người nấu ăn, mua sắm đồ đạc để sinh hoạt tự túc.
Những ngày mới vào tôi được sắp xếp học việc và sinh hoạt cùng gia đình anh Đoàn. Buổi tối, là nữ nên tôi ngủ chung với chị Mào, vợ anh. Chỗ ngủ chỉ là vài tấm ván tận dụng lại của công trình còn bám đầy xi măng, nhám nhúa và gồ ghề.
Du mục giữa… Sài Gòn1
Giẫm phải đinh thì được đồng nghiệp dùng búa xử lý­
Trước khi ngủ, mấy người trong lán lấy ống vôi bột rắc xung quanh cột rồi lấy chai nước tiểu để sẵn đó quét vào chân cột. Thấy tôi thắc mắc họ cười giải thích: “Làm như vậy để hạn chế rắn và chuột bò lên chỗ ngủ. Gạo, mì gói bỏ vô thùng đậy kín để tránh chuột nhưng người thì không biết giấu đi đâu. Nếu không phòng, chuột bò vào mền, sáng dậy có khi phát hiện thấy nó cắn cụt móng chân”.
Anh Đoàn kể có lần một anh công nhân trong lán còn bị rắn bò lên quấn tròn trên bụng. Lúc phát hiện, anh sợ xanh mặt nhưng vẫn phải nằm im giả chết để chờ con rắn tự bò xuống mới dám chạy. Mấy ngày sau đó vẫn còn bị ám ảnh nên anh không dám ngủ trong lán mà phải ngủ nhờ nhà dân. Theo anh Đoàn, những trường hợp tương tự không chỉ xảy ra một hai lần. Nếu người không biết cách xử lý có thể mất mạng.
Nghe anh Đoàn kể, cả đêm tôi cứ thấp thỏm không ngủ được. Mỗi khi nghe tiếng rọc rạch tôi lại nhìn xuống chân thì thấy cả đàn chuột, có con to bằng bắp tay. Gõ vào vách đuổi, chúng vẫn đứng đó không sợ. Hôm sau nghe tôi kể, những người chung lán cười ồ: “Sống ở công trường chuột như bạn, chả ai rảnh đuổi chuột ban đêm đâu”.
Du mục giữa… Sài Gòn2
Mặc 5 quần đề phòng... hiếp dâm
Ngoài việc nặng nhọc trong xây dựng dành cho đàn ông, công trường vẫn có việc phụ nữ có thể làm như lọc cát, trộn hồ… Sinh hoạt của phụ nữ ở công trường thường phức tạp hơn đàn ông và những cô độc thân hoặc không có chồng đi cùng thường bị trêu chọc, sàm sỡ.
Chị Nguyễn Thị Tám (công nhân quét dọn công trình tại Q.12) chia sẻ: “Người làm chân tay nên lời nói cũng thường thô thiển và cục mịch, nhất là khi nhậu. Làm ở công trình tôi bị nhiều đàn ông trêu chọc, dùng từ ngữ tục tĩu. Mình ngại nhưng công việc vẫn phải làm không bỏ được”.
Không ít lần chị Tám bị đàn ông vỗ mông, bóp ngực ngay tại công trường. Mỗi lần như vậy chị chỉ biết cắm mặt chạy thật nhanh. “Có lần tôi đánh bạo nói với vợ của mấy người hay “dê”. Sau đó họ có thay đổi nhưng chỉ được vài ngày rồi lại đâu vào đấy”, chị Tám kể.
Dựng nhà tắm trong 15 phút
Nhà tắm nữ phải đặt chỗ khuất người, tránh hướng nhìn từ nhà trên cao, hoặc làm nóc để không bị nhìn trộm. Sau khi tìm được vị trí thích hợp, vài người đàn ông tập trung đào một hố sâu hơn 1 m, đặt tấm đan bê tông lên rồi quây bạt xung quanh, tất cả mất chừng 30 phút. Nhà tắm nam đơn giản hơn, chỉ cần bốn cái gậy, sau đó quây bạt, chỉ 15 phút là xong. “Với chỗ ở cho công nhân, dựng lán lợp mái tôn mất khoảng 1 ngày còn nhà bạt chỉ cần 2 tiếng”, anh Đoàn cho biết.
Buổi tối, để an toàn chị thường rủ mấy đứa trẻ con nhà khác ở cùng công trình qua ngủ chung. Những đêm phải ngủ một mình, chị chèn bạt thật chắc, thậm chí căng dây để nếu có người “xâm nhập” thì biết mà chạy.
Trong khi đó, với vẻ ngoài dễ thương lại mới ly hôn, chị Tôn Thi Anh (công nhân công trình dân sinh ở Q.9) cũng thường bị cánh đàn ông ghẹo. Chị kể có lần chị đang tắm trong tấm bạt quây tạm ở góc công trường thì nghe tiếng rọc rạch. Chị mặc vội quần áo ra ngoài thì thấy một anh thợ hồ tay cầm chai rượu mắt nhìn như muốn nuốt tươi. Sợ quá chị chạy vội vô lán, nằm mãi không chợp mắt được, cứ có tiếng rọc rạch là giật thót tim. “Để an toàn tôi lấy tất cả quần mặc vô, hai quần tây mặc trong, ba cái quần hoa mặc ngoài. Vẫn thấy thiếu, tôi lấy thêm cái khăn quấn ngang bụng đề phòng có bị hiếp dâm thì cũng có thời gian tìm cách thoát”, chị Anh vẫn còn sợ khi nhớ lại.
Đào hố chôn tiền, giấu vàng trong ống bơ
Công nhân xây dựng làm và tính công theo tuần. Với họ ngày thứ bảy vui nhất nhưng cũng đáng lo nhất bởi nhận lương xong là mọi người phải... tìm chỗ giấu. Dù hầu hết công nhân đều có thẻ ATM nhưng nhận lương vào cuối tuần, ngân hàng không làm việc nên họ phải cất tạm để đợi thứ hai. Chưa kể, cũng có những người không gửi ngân hàng mà giấu tiền luôn trong lán.
Chị Trần Thị Vân (công nhân một công trình tại P.Bình An, Q.2) cho biết ở công trình 10 người thì 10 kiểu giấu tiền khác nhau. Rồi chị làm vẻ bí hiểm dắt tôi lại góc nấu ăn, cầm viên gạch đang chèn lên nắp nồi canh, mặt vẻ hóm hỉnh: “Viên gạch này mắc lắm, hơn 5 triệu lận đấy”. Nói rồi chị dốc ngược viên gạch chọc cho ra mấy viên đất rồi lấy ra 10 tờ 500.000 đồng được cuộn tròn như ngón tay giấu vào trong lỗ gạch. “Chị không sợ chỉ cho tôi rồi lộ cách giấu tiền sao?”, tôi hỏi. “Có hàng trăm kiểu giấu tiền, không lo đâu”, chị cười lớn.
Còn chị Bùi Thị Mùi (cũng làm công trình xây dựng gần đó) thì bật mí: “Cuối tuần nhận tiền tôi thường đào hố chôn. Hố này có khi chôn ngay ở cột lán để dễ nhớ. Cũng có khi tôi tranh thủ đào hố chôn lúc đi tắm. Để tiền không bị ướt, bẩn thì khi chôn phải bọc kỹ trong túi ni lông”.
Không chỉ chôn tiền, mỗi khi gom được 5 - 7 triệu chị Thoa lại đi mua vàng rồi để vào lon sữa đã uống hết chôn dưới đất. Mỗi khi sắp chuyển lán hoặc về quê chị mới đào lên. “Tất nhiên phải hoàn toàn bí mật”, chị nói.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.