Làm việc với quận Tây Hồ hôm nay, 28.2, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, vấn đề vệ sinh môi trường, vỉa hè, lòng đường là vấn đề thường xuyên liên tục, phải kiên quyết làm. Việc lập lại trật tự vỉa hè không chỉ làm một, hai hôm là xong mà phải làm thường xuyên, gắn với văn hoá người dân. Nếu không tạo được thói quen, nề nếp cho người dân thì không đạt được sự bền vững trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
“Đừng để người dân nghĩ mình làm phong trào, rồi sau đó người ta lại lấn chiếm vỉa hè”, ông Hải nói và cho rằng, thành phố đã ban hành đầy đủ các quy định về quản lý vỉa hè. Những khu vực được để xe máy, đường dành cho người đi bộ, khu vực được phép kinh doanh đều đã kẻ vạch. Các quận cũng đã thực hiện quản lý vỉa hè nhiều năm nay. Vấn đề bây giờ phải duy trì được các kết quả đã làm.
Chiều 27.2, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã đồng loạt ra quân xử phạt các hành vi lấn chiếm, kinh doanh buôn bán trên vỉa hè dọc các tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào, Lương Văn Can…
Trước đây, Sở NN-PTNT đã hướng dẫn chi tiết về chủng loại cá, số lượng cá thả tại hồ Tây. Tuy nhiên, sau khi thành phố có chỉ đạo dừng việc nuôi trồng thuỷ sản, nuôi thả cá ở hồ Tây, thứ nhất, Sở đã có yêu cầu ngừng toàn bộ việc nuôi thả cá. Thứ hai, phải kiểm soát toàn bộ nguồn nước thải vào hồ Tây. Ngoài ra, Sở đang triển khai đề án điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản ở hồ Tây để đề xuất các giải pháp khai thác.
“Việc nuôi trồng thuỷ sản ở hồ Tây phải đảm bảo cân bằng về sinh thái. Vì vậy, phải đánh giá hiện trạng, trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản để có giải pháp phá huy nhưng vẫn đảm bảo về sinh thái. Ngoài ra, phải lập phương án quan trắc về môi trường nước toàn bộ hồ Tây”, ông Mỹ nói.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, sau kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh ở hồ Tây, Hà Nội xác định xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hoá tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hoá, thể thao du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Dục, hiện khu vực hồ Tây đã có nhà máy xử lý nước thải 14.500 m3/ngày đêm, và phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ hoàn thành các dự án thu gom, xử lý nước thải còn lại để xử lý triệt để nguồn nước thải khu vực xung quanh hồ Tây.
Bình luận (0)