Nhiều status được viết bởi chính của những người công tác ngành y. Một số người dân ‘tố’ đoàn đến trễ, không chịu làm. Nhiều gạch đá đã được ném ra và thực hư chuyện này thế nào?
“Nổ” tranh cãi đủ thứ chuyện
Câu chuyện đầu tiên mà nhiều tài khoản công tác trong ngành y nhắc đến là chuyện các sinh viên mặc áo blouse trắng đi ngoài đường, lên máy bay. Nhiều người còn nhắc về bài học khi vào trường Y là không được mặc áo blouse ra bên ngoài, thậm chí có bệnh viện còn có hẳn quy định cấm bác sĩ mặc áo blouse trắng ra khỏi khuôn viên bệnh viện.
Chuyện thứ 2 có thể khiến nhiều sinh viên trong đoàn Hải Dương cảm thấy choáng là việc được bố trí ăn ở tại hàng loạt khách sạn 4-5 sao nổi tiếng của TP.HCM thuộc hệ thống SaigonTourist, tọa lạc ở nhiều vị trí đắc địa ngay trung tâm TP.HCM. Có tài khoản thậm chí còn dùng chữ "cút" khi chia sẻ thông tin này. Phần lớn tài khoản khi chia sẻ sự việc đều dùng cụm từ "sinh viên Hải Dương", tạo cảm giác mọi công kích đang hướng vào các bạn trẻ tình nguyện dấn thân chống dịch Covid-19.
Câu chuyện càng được đẩy thêm đỉnh điểm khi có một số tài khoản nhắc đến việc lấy mẫu có sự tham gia của các sinh viên đến từ Hải Dương. Tài khoản L.T.P.T viết: “Hẹn dân 13 giờ xét nghiệm, thì 19 giờ các em mới tới. Chắc mấy bé muốn dân ngồi nắng để tự tiêu diệt Covid. Rồi các em xuất hiện thật đẹp, các em đòi “ăn no chóng nhớn” rồi mới làm. Khi làm thì các em bảo đồ không đúng tiêu chuẩn, N95 không đúng chuẩn, nhưng các em có biết đồ đó là của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cấp không… Hay là đồ của HCDC còn dở hơn đồ của trường y Hải Dương và các em chốt lại không làm”.
Đoạn viết trên dùng từ "em" một lần nữa lại khiến cho cơn thịnh nộ đổ dồn vào các bạn sinh viên Hải Dương khi thật hư công tác lấy mẫu, quy định tiêu chuẩn và kế hoạch phân công người ngoài đều chưa rõ thì gạch đá đã được ném tới tấp. Chỉ cần tinh ý hoặc bình tĩnh hơn, ai cũng có thể nhận ra những điều chưa logic mà status trên đề cập. Việc dùng đồ bảo hộ nào, thời gian di chuyển ra sao thì các sinh viên tình nguyện có quyền gì để từ chối hay nói theo kiểu "không thích thì không làm".
Trong ngày 1.7, ngày đầu tiên lấy mẫu toàn TP.HCM diện rộng, thực tế có việc lịch dời sang 13 giờ. Đến 13 giờ, người dân đến lấy mẫu, nhưng tại một số điểm vẫn phải chờ thêm nhiều giờ đồng hồ mới được lấy mẫu. Tình hình này khiến một số người dân bức xúc, đăng bài lên mạng xã hội “tố” đoàn lấy mẫu, trong đó có liên quan đoàn Hải Dương như status nói trên đề cập.
|
“Mong các bên cùng chia sẻ”
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp cho biết 2 ngày đầu lấy mẫu trên diện rộng, dự kiến 400.000 người dân quận Gò Vấp có gặp một số trục trặc. Theo đó, lực lượng lấy mẫu do Tập đoàn Vingroup phụ trách hỗ trợ TP.HCM và Q.Gò Vấp có các sinh viên đến từ Hải Dương.
|
Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp nhận xét, quy mô của cuộc lấy mẫu quá lớn, các công ty cung ứng vật tư cho đoàn nhân viên y tế chuẩn bị không kịp, nguồn nhân lực cũng đến từ nhiều nơi nên sự phối hợp giữa các bên bước đầu có những khó khăn. “Hai hôm trước là khó khăn khách quan ngoài mong muốn. Hôm nay, chúng tôi đã điều chỉnh cách thức tổ chức, mỗi điểm đều có nhân viên y tế của địa phương phối hợp với lực lượng lấy mẫu của Tập đoàn Vingroup. Sau khi chuẩn bị xong đầy đủ vật tư y tế, nhân lực thì mới nhắn tin mời người dân đến lấy mẫu”, ông Dũng thông tin.
Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp chia sẻ: “Các bạn sinh viên trường y ở Hải Dương và các tỉnh thành được vào hỗ trợ TP.HCM, chúng tôi rất ủng hộ tinh thần này. Điều quan trọng là tinh thần trách nhiệm, thiện chí của những người tham gia.”.
Tình hình thực tế những buổi đầu có trục trặc như ông Dũng đề cập. Nhưng lấy điều này để "ném đá" chính các tình nguyện viên chân ướt chân ráo từ Hải Dương vào Sài Gòn thì hình như hơi bất công cho các bạn.
Đâu phải lỗi do các em
Tối qua, nữ phóng viên T.V của tờ báo T.T theo chân các bạn Hải Dương đến Gò Vấp lấy mẫu đã có một chia sẻ ngắn, chị đồng ý cho Thanh Niên dẫn lại câu chuyện để mọi người hiểu rõ hơn... Chia sẻ của nữ PV này đến nay đã có 2.500 lượt share đủ để cho những cơn nóng, cơn giận bình tâm lại. Thanh Niên xin trích lại:
“Thấy thương cho các bạn sinh viên Hải Dương ở giữa hai làn đạn.
Hôm qua cả buổi chiều theo các em lên xe buýt, chuyển xuống xe thùng rồi vào điểm lấy mẫu, chị thấy các em đã làm việc như một người chiến sĩ vào trận. Gọi tập hợp lúc nào là tập hợp lúc đó. Phân công đến đâu các em đi đến đấy. Chỉ huy nói trang bị bảo hộ không đảm bảo an toàn, không được làm thì các em cũng phải đợi lệnh. Thế nhưng rồi nó lại thành ra các em chảnh chọe, đòi hỏi. Nếu có lỗi gì thì là lỗi ở người chỉ huy đã yêu cầu bảo hộ cho các em quá cao. Ở Bắc Giang, Bắc Ninh họ trang bị bảo hộ cấp 4. Vào Sài Gòn có thay đổi nên buổi đầu tiên chưa có thống nhất giữa chỉ huy và đơn vị tại Sài Gòn. Cuối cùng thì người buồn nhất chắc là các em.
Đi theo một nhóm 4 bạn nữ, thấy các bạn lúng túng. Không biết theo lệnh chỉ huy đi về hay ở lại làm tiếp khi thấy người dân đã xếp hàng chờ sẵn rồi. Mà chỉ huy kêu không làm mà làm, chắc sẽ không có lần sau tham gia đội hình nữa. Nhưng đâu ai hiểu. Họ chỉ biết mấy đứa sinh viên Hải Dương đòi hỏi, chảnh chọe. Thấy 4 đứa lúng túng chị thương quá mà không biết nói sao. Thật ra lúc đó chị cũng đã nghĩ: Trời ơi làm gì mà chỉ huy đòi hỏi cao quá vậy? Ở Sài Gòn bảo hộ chỗ nào chả như chỗ này. Giờ đòi bảo hộ tốt hơn thì đào đâu ra. Nhưng chị biết các em đâu có quyền quyết định. Chỉ huy lệnh thì phải nghe.
Các em kể 40 ngày ở Bắc Giang là được sắp xếp ở trong một điểm trường tiểu học, có ngày lấy mẫu liên tục hơn 10 tiếng, có đứa ngất xỉu vì làm việc trong bộ đồ bảo hộ nóng nực giữa sân bê tông nắng nóng. Nhưng khi có thông tin tuyển quân vào Sài Gòn vẫn không ngại xung phong. Oanh bảo chị là em khỏe lắm, có điều lúc đó tự nhiên ở sân bê tông hắt hơi nóng quá mạnh nên mới ngất xỉu. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời em biết ngất xỉu là gì.
Chị không biết lần này các em có được hứa hẹn tài trợ gì hay không nhưng 40 ngày ở Bắc Giang, 30 ngày ở Bắc Ninh, 10 ngày ở Hải Dương trước đó làm gì có tài trợ.
Người ta nói các em vào đây ở khách sạn 5 năm sao giữa trung tâm TP. Còn cái chị được nghe là đơn vị tổ chức đến phút cuối cùng không tìm được nơi nào cho đoàn nên đã phải nhờ cậy quận 1 để đưa đoàn vào ở. Giờ mang tiếng là ở khách sạn 5 sao. Chị thấy buồn và thương các em.
Người ta nói các em để dân chờ từ 1 giờ trưa "tính cho dân ngồi dang nắng cho chết virus hay gì", rồi đến 7 giờ tối mới xuất hiện. Xuất hiện rồi thì lằng nhằng chuyện đồ bảo hộ. Nhưng họ không biết đến Sài Gòn lúc 9 giờ nhưng các em chưa có chỗ ở ngay mà phải chờ đến đầu trưa mới được đưa vào cái khách sạn 5 sao đó.
Chuyện không thống nhất này là lỗi do ai? Đâu phải lỗi do các em.
Với hầu hết các em đây là lần đầu tiên đến Sài Gòn. Chắc cũng nghe kể Sài Gòn thế này thế kia, ấm áp, cởi mở. Đâu ngờ mới ngày đầu hứng đủ gạch đá thế này phải không?
Câu cuối mới thật nghẹn lòng bởi Sài Gòn xưa giờ vẫn hào sảng, Sài Gòn xưa giờ: có nhiêu chơi nhiêu, Sài Gòn khổ đến mấy cũng nghĩa tình, sống sao cho được... Để ném đá thì rất dễ, ném đá vào những đứa trẻ lại càng dễ hơn nhưng ngay cái chuyện chọn khách sạn có người lớn nào mà không biết, các em làm gì có quyền chọn: khách sạn 5 sao hay tất cả cùng mặc áo blouse mà lên máy bay?
Hình ảnh một tin nhắn của một em tên Hà, tự xưng là sinh viên Hải Dương cũng được MXH chia sẻ mạnh bởi em tâm sự với thầy của mình: "Em đọc bài viết rồi, từng comment của mọi người mà nước mắt rưng rưng. Bọn em không hề đòi ở khách sạn, ở Bắc Giang tụi em ở ký túc xá, kê giường trong trường tiểu học. Bọn em ở đâu cũng được chỉ mong mọi người yêu quý bọn em". Người viết tin rằng đó chính là hình ảnh thật mà không phải ngụy tạo để tung tin fake. Bởi VN cả hơn một năm dịch Covid-19, bao lớp thanh niên, bao lớp bạn trẻ vẫn không hề ngại khó, ngại khổ, nguy nan để "giúp được chút sức lực nhỏ nhoi của mình".
|
|
Trên trang của mình, siêu mẫu Xuân Lan sau khi chia sẻ bài viết của PV kết luận: khi đã có tấm lòng dành cho nhau thì nên trân trọng. Bỏ qua hết những điều tiêu cực. Những điều đầu tiên bỡ ngỡ chưa hiểu nhau giải quyết xong rồi thì bỏ qua. Chứ đừng ném đá các em. Người Sài Gòn vui vẻ hiền lành và nhiều tình thương. Giờ này các em cũng đã hòa mình trong đội quân ở các điểm nóng rồi.
Dịch Covid không lắng lại, mà mỗi ngày vẫn lây lan, vẫn hoành hành. Một chút ý thức chống dịch là quý, một chút sức lực dù nhỏ nhoi để chống dịch lại càng đáng quý hơn. Sự chung tay của tình nguyện, không phân biệt Sài Gòn hay bất cứ đâu cả mới chính là đoàn kết, mới chính là sự chung tay của người Việt để vượt qua khó khăn của những ngày dịch giã hoành hành.
Trước nhiều thông tin không tốt về hình ảnh, cũng như việc các bạn vào chi viện bị "ném đá", PV Thanh Niên đã cố gắng liên hệ thầy Ngụy Đình Hoàn, Trưởng đoàn hỗ trợ trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương để mong thầy chia sẻ hay làm rõ những thông tin trên mạng. Tuy nhiên, rất tiếc thầy đã từ chối giải thích về sự việc này trên báo.
“Tôi không quan tâm mạng xã hội nói gì, càng giải thích càng phức tạp vấn đề nên tôi không muốn trình bày. Làm được đến đâu chúng tôi sẽ làm, giúp đỡ trên tinh thần tình nguyện. Quan điểm của chúng tôi là hỗ trợ được đến đâu chúng tôi sẽ hỗ trợ còn mọi người nói, nghĩ như thế nào cũng được. Mạng xã hội nói là quyền của họ, chúng tôi không chạy theo dư luận, rất bình tĩnh, tập trung công việc chống dịch. Việc tranh luận sẽ mất thời gian, hiện tại tôi vẫn đang hướng dẫn các em sinh viên đi làm nhiệm vụ”, thầy Hoàn nói.
Dương Lan
|
Bình luận (0)