Tối 29.3, căn nhà vé số trong hẻm 406 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) trở nên ồn ào hơn ngày thường vì những tiếng chuông điện thoại liên tục réo rắt kêu. Đó là cuộc gọi của những người ở quê gọi điện thoại hối người bán vé số về nhà tránh dịch khi nghe tin vé số truyền thống tạm ngưng phát hành.
Nhưng bản thân họ - những người đội mưa đội nắng bán vé số ở Sài Gòn bấy lâu thì không nỡ về vì nhiều lẽ mà không biết nói sao để gia đình hiểu được những nỗi niềm của mình…
Về đâu?
Ông Nguyễn Thanh Hương, tên thường gọi ông Năm Hương (65 tuổi, quê H.Đông Hòa, Phú Yên) bán vé số ở Sài Gòn được 20 năm. Trước đó, năm 12 tuổi, trong một lần đi chăn bò, ông dẫm phải mìn nên bị cụt chân, nhưng vì là người đàn ông của gia đình nên ông vẫn phải đi xa nhà để kiếm tiền lo cho con cái ăn học.
Nay con cái đều khôn lớn nhưng cũng không phụ giúp cha mẹ được nên ông vẫn tiếp tục bám trụ nơi đất khách để bán vé số. Vợ ông ở quê làm ruộng, mắt yếu, bà thường phải thuê công thợ, xem như không lời lỗ gì. Hằng tháng, ông gửi về cho vợ từ 3 - 4 triệu để trang trải công việc ở nhà.
|
“Mỗi ngày tôi bán được khoảng 200 vé, nhưng từ hôm hàng quán đóng cửa tới nay đi cũng không biết bán cho ai nên tôi đang nghỉ, đợi vài hôm rồi bán tiếp, nhưng giờ số không ra nữa, không chỗ nào mở cửa, công viên cũng chỉ lác đác người nên không biết tính sao”, ông Hương bộc bạch.
Con cái ở nhà liên tục gọi điện thoại hối ông về quê khi nghe tin xổ số kiến thiết ngưng phát hành, nhưng ông còn trăn trở nhiều điều. Ông tâm sự: “Giờ mà về thì tôi phải đi khám xem có chắc chắn không nhiễm bệnh, rồi tự cách ly 14 ngày để khỏi lây con cháu. Tôi cũng muốn về lắm, nhưng chi phí khám này kia, không biết lấy đâu ra”.
Chị Bé Thủy (36 tuổi) khuyết tật chân, thường chống tay để di chuyển và đẩy chồng ngồi xe lăn đi bán vé số ở khu vực TP.Bình Dương thì sụt sịt khi nhắc đến chuyện vé số tạm ngưng phát hành.
|
Mới đây, chồng chị được xuất viện về nằm theo dõi sức khỏe tại phòng trọ, chị sợ anh phổi yếu ra ngoài dễ nhiễm bệnh nên một mình đi bán để kiếm tiền trả tiền nhà trọ và các khoản sinh hoạt.
|
Tương lai mịt mù
Sau tết, hai con lại được nghỉ học nên chị Lê Thị Kim Loan (47 tuổi, quê Phú Yên) đã ở quê chưa trở lại vào Sài Gòn. Chồng chị, anh Trần Kim Trúc (44 tuổi) một mình quay trở lại TP mưu sinh để lo cho vợ và hai con trai bại não.
Hai hôm trước, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Loan vội gọi chồng về quê tránh dịch. Về đến nhà, anh Trúc chủ động cách ly với gia đình để tự theo dõi sức khỏe.
Chị Loan tâm sự: “Tiền tiết kiệm của hai vợ chồng vừa qua lo cho bà nội nhập viện đã hết sạch, nhưng thấy dịch sợ quá nên tôi phải kêu chồng về, mấy ngày qua hàng quán đóng cửa cũng không bán được gì. Thôi về quê có gì ăn nấy, có đói cùng đói nhưng an toàn. Tương lai thì chưa biết sao nhưng sức khỏe phải đặt trên hết”.
|
Anh Trung cho biết, anh có nghe râm ran tin vé số ngừng phát hành nhưng không tin, tới khi nghe chính bà chủ đại lý số nói thì anh hoang mang vô cùng.
“Tôi đi làm nuôi bản thân và có dư ít thì gửi về cho gia đình. Giờ số ngưng ra, tôi vừa điện vài xe thì họ đòi giá gấp đôi ngày thường, kêu là xe giảm khách nên phải bán giá cao. Chưa kịp cân nhắc bỏ 390 ngàn ra mua vé thì đến đêm là có tin không còn xe nữa, giờ chỉ có đi tàu. Giá vé tàu lại cao, nhưng không biết còn đến lượt tụi tôi mua vé không nữa”, anh Trung chia sẻ.
|
Ông thở dài: “Về rồi đủ khoản phát sinh, không biết lo liệu thế nào. Giờ vé tàu còn chuyến đó mà cao quá, đi bộ thì 560 cây sao đi nổi khi chân cẳng như thế này. Đã nghèo còn gặp cái eo, không biết đời tôi, đời anh em vé số trong nhà rồi sẽ đi về đâu”.
Bình luận (0)