'Dương Quá ơi, cho 2 ly kìa'..., giọng bà Hoàng, biệt danh Tiểu Long Nữ bán bún riêu lanh lảnh từ bên đường gọi sang. Ông Ba cụt người nhỏ thó nhanh tay múc từng vá chè cho vào ly nhựa, miệng cười toe 'có luôn, có luôn'.
Đó là ông Võ Văn Thể, 69 tuổi, thường được bạn bè gọi thân mật là ông Ba cụt. Ông Ba chỉ còn một tay suốt hơn 40 năm qua. Theo như ông kể với phóng viên thì nguyên nhân mất một tay là do tai nạn lao động khi ông còn trẻ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ông Ba ngừng lao động.
Ông có một gánh chè hạt đậu, mở tại nút giao Mai Thị Lựu với Nguyễn Văn Thủ, Q.1, TP.HCM từ năm 1987 đến nay. Bình dị, đơn sơ, hương vị không thay đổi nhưng suốt 30 năm qua, quán chè luôn đông khách.
VIDEO: Một ngày làm việc của ông Ba cụt - biệt danh "Dương Quá" U70 - Thực hiện: Lê Nam - Vũ Dương
Bên cạnh những lý do như quán sạch sẽ, trứng ngon, muối ớt mang hương vị đặc trưng thì nguyên nhân khiến quán vịt lộn của chị Tính ở 'khu nhà giàu' TP.HCM thu hút rất đông thực khách chính là… được học lái xe ô tô miễn phí.
Ông Ba cụt bắt đầu nấu chè từ sáng sớm, từ chè đậu đen, đậu xanh cho đến sương sa hột lựu, bột lọc củ năng... đều một tay ông chuẩn bị, đúng theo nghĩa đen. Đến khoảng 11 giờ trưa, ông đẩy xe từ nhà ở đường Trần Quang Khải ra chỗ quen thuộc, bắt đầu một ngày làm việc bận rộn và nhiều tiếng cười.
"Tôi không có bí quyết nào cả. Thật ra trước đây tôi có đi bán phụ chị gái, sau đó chị mất, giờ một mình tôi đảm đương xe chè", ông Ba nói.
Dăm ba nồi chè, nồi đậu nấu chín đủ màu sắc được đặt trên một chiếc xe đẩy. Những chiếc hũ nhựa chẳng quá đẹp đẽ, những ánh sương sa cũng không quá lấp lánh như các quán chè biển hiệu cao xa...
Dù khách có đông đến mấy, chủ quán vẫn luôn múc chè một cách từ từ, cẩn thận, thậm chí có lúc còn quên luôn cả việc bán cho khách đã đợi khá lâu.
Chè của ông Ba cụt khiến nhiều người nhớ về những ly chè cách đây cả chục năm, khi họ vẫn còn là một đứa trẻ, chỉ là đậu đen và đậu xanh nấu nhuyễn, thêm đường thơm lịm và đá xay mát lành.
Những nồi chè do một tay ông Ba cụt nấu Ảnh Lê Nam
Ông Ba thiếu một tay, nhưng lại thừa niềm vui và nụ cười hào sảng dành cho mọi người. Ai ăn chè ông nấu cũng nhận xét chè vừa ngon, mà ăn xong vẫn còn thấy ngọt lịm và ấm áp hơn hẳn các quán chè khác, chắc chắn là do cái tình mà ông Ba ân cần gửi gắm qua mỗi ly chè.
Nằm ngay khu Tân Định với đủ các tiện ích: tiệm chè con Ngựa, con Chuột, quán cà phê dĩa.
Hỏi ông Ba có gặp nhiều khó khăn khi làm việc không, ông lại cười: "Nói không có khó khăn thì không đúng, nhưng chú Ba cũng quen rồi. Việc của chú cũng nhẹ nhàng, chỉ có làm một tay thì hơi luộm thuộm. Lúc nào đông khách, may nhờ bà con xung quanh đến phụ dùm, cũng đỡ".
Mỗi ly chè giá 7-10 ngàn đồng, ăn hoài không ngán. Chị Tạ Lan Anh (làm việc ở đường Đinh Tiên Hoàng Q.1) chờ nhận chè của ông Ba cụt, hồ hởi chia sẻ: "Chè chú Ba thì khỏi chê rồi, ăn miết thành quen. Mỗi lần tôi mua cả gần chục ly cho mọi người trong cơ quan. Mà đến chú Ba mua chè vui lắm, chú hay cười, lại hiền lành nữa. Tôi thấy nhiều người đến mua, phần vì chè ngon, phần khác cũng vì thương chú".
"Chú Ba cụt một tay, nhưng làm chè coi bộ nhanh nhẹn lắm. Mỗi lần tới quán lại gọi đại ca ơi cho ly chè, hoặc Dương Quá làm cho ly chè nào, là chú Ba lại cười khà khà ra vẻ khoái chí. Buổi trưa nắng oi ả thế, tự nhiên cũng dịu hẳn đi", anh Lê Bảo Ngọc, làm việc trong trung tâm thành phố, chia sẻ.
Khách nào qua quán chè ông Ba cũng bị ông Ba cụt "lây" cho cái sự vui vẻ, lạc quan lạ thường. Ảnh Lê Nam
Ở Sài Gòn, người ta ăn cơm tấm mọi lúc, mọi nơi, từ trong nhà hàng sang trọng cho đến các quán vỉa hè, thậm chí là ăn ngay sát… bãi rác.
Bà Hoàng, biệt danh Tiểu Long Nữ bán bún riêu gần đó, lý giải: "Như mọi người thấy đó, ông ấy chỉ có một tay bán chè nên mấy cô cậu văn phòng gọi là Chè Dương Quá - giống trong phim kiếm hiệp. Còn tôi bán bún riêu bên kia, hay qua phụ ông bán chè, mọi người thấy vui nên gọi là Bún Cô Long. Đùa vậy thôi chứ không có gì hết. Ông cũng ngộ lắm, trêu hoài chỉ thấy cười thôi".
"Ông Ba hay cười là vậy, nhưng chắc cũng có nhiều khổ tâm lắm đấy", bà Hoàng nửa đùa nửa thật. Hỏi ra mới biết, ông Ba cụt chọn cuộc sống độc thân, ở vậy nuôi mẹ già và chị gái. Nhưng mẹ già cũng mới mất vài năm, chị gái thì đau ốm triền miên, mình ông Ba lam lũ nấu chè, mưu sinh từng ngày.
Nụ cười của "Dương Quá" U70 qua góc nhìn của "Tiểu Long Nữ" bán bún riêu đối diện. Ảnh Lê Nam
"Mình thiếu thốn, không lành lặn, nào dám ngỏ lời với ai. Hồi đó cũng có quen vài người, nhưng vì thương người ta tốt, chăm lo cho đời mình, tôi lại xót xa vì không muốn thành gánh nặng cho ai", ông Ba cụt tâm sự.
Ăn một ly chè của ông Ba cụt, thấy vừa thương, vừa mến, bảo sao biết bao người trót thử một lần rồi lại phải tìm đến gọi "chú Ba ơi...". Ảnh Lê Nam
Buổi trưa tháng 6, nắng chiếu vuông góc mặt đường, vàng ruộm cả xe chè lâu năm. Ông Ba cụt vẫn cần mẫn, cặm cụi làm việc như một con ong chăm chỉ, ngày ngày rót ra thứ mật ngọt thơm, bằng cả sự lạc quan và nụ cười yêu đời không phải ai cũng có. Khách càng lúc càng đông. Lúc ăn ly chè, tôi chợt nghĩ, ăn một ly chè của ông Ba cụt, thấy vừa thương, vừa mến, bảo sao biết bao người trót thử một lần rồi lại phải tìm đến gọi "chú Ba ơi...".
Làng Đại học Thủ Đức là khu vực tập trung nhiều sinh viên nhất, chính vì vậy, dù nằm cách biệt với trung tâm thành phố nhưng đây vẫn là nơi hội tụ nhiều món ăn ngon với giá cực rẻ.
Bình luận (0)