Gặp 'Võ Tòng đả hổ' cứu cô gái trẻ trên cao nguyên

11/12/2018 09:32 GMT+7

Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng câu chuyện người nông dân dùng cuốc hạ gục “chúa sơn lâm” để cứu cô gái trẻ vẫn còn truyền tụng ở các xã vùng sâu Ea Súp (Đắk Lắk).

Chuyện ly kỳ “đả hổ”

Trong một lần đi công tác ở xã vùng sâu Ea Rốk (H.Ea Súp, Đắk Lắk), chúng tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện một người đàn ông dũng cảm đánh hổ cứu người giữa rừng già. Nhiều vị cao niên trong vùng còn nhớ, chuyện xảy ra vào thập niên 80 của thế kỷ trước, tại suối Ea H’leo, đoạn qua lâm trường Ia Lốp, xã Ea Rốk.
Thời đó, vùng này bạt ngàn rừng rậm, muông thú còn “đông đúc” hơn người; trong đó có không ít loài dã thú như hổ, báo, chó sói… Khoảng giữa năm 1987, người dân các xã hẻo lánh của H.Ea Súp hoang mang, lo lắng bởi sự xuất hiện của một con hổ què nhưng rất hung dữ.
Con hổ này bị thợ săn bắn trúng một chân sau nên bị tật, không nhanh nhẹn như bình thường. Do không săn được mồi, hổ quay lại rình bắt người để ăn thịt. Trong một thời gian ngắn, có 3 người mất mạng do con hổ vồ trúng.
Nghe tin hổ ăn thịt người xuất hiện trong vùng, nhiều trai làng khỏe mạnh cùng các thợ săn có kinh nghiệm đem giáo mác, cung tên và cả súng săn để mai phục, quyết giết thú dữ. Thế nhưng, nhiều lần lực lượng này “ra quân” săn lùng hổ lại không có kết quả do rừng núi rậm rạp, địa bàn lại quá rộng…
Ông Lần và bà Hướng, những người trong câu chuyện đánh hổ cứu người năm xưa HOÀNG BÌNH
Cuối cùng, con hổ bị một người đàn ông có võ nghệ cao cường dùng cuốc phát cỏ đánh chết tại chỗ khi nó đang tấn công một cô gái bên suối. Sau đó, con hổ bị lột da, xẻ thịt, lấy xương nấu cao. Cô gái được người dân cầm máu, đưa đi bệnh viện, thoát khỏi cái chết.

Câu chuyện đánh hổ cứu người trên lan truyền khắp vùng, nhưng đi kèm lời ca tụng là không ít bình luận tranh cãi về những tình tiết trong vụ việc. Có người lập luận chỉ cần vài giây con hổ vồ tới cắn thì ngay cả trâu rừng cũng khó sống chứ đừng nói đến cô gái nhỏ bé.
Hơn thế, người đàn ông không ở ngay hiện trường mà từ nhà mình chạy tới phải mất cả chục phút, như vậy cơ hội sống của cô gái lại càng hiếm hoi. Vài người khác lại đặt giả thuyết có thể khi xuống dưới suối, con hổ gặp bất lợi và không thể dùng hết sức mạnh của mình nên cô gái mới cầm cự được. Trong khi đó, người đàn ông đến cứu có võ nghệ cao cường, biết các điểm yếu của hổ nên mới ra tay gọn lẹ đánh chết nó trong tích tắc…
Gặp người trong cuộc
Nghe chuyện có phần ly kỳ, chúng tôi dò hỏi địa chỉ của người đánh hổ và cô gái được cứu sống năm nào để tìm hiểu thực hư. Từ xã Ea Rốk, mất gần 2 giờ đồng hồ băng qua nhiều quãng đường lầy lội, chúng tôi đến ngôi làng nhỏ sát rừng ở xã Ia Jlơi (H.Ea Súp) để gặp người được mệnh danh “Võ Tòng” trên cao nguyên.
Khác với mường tượng của chúng tôi, người đánh hổ không cao lớn, lực lưỡng như trong câu chuyện đồn đại mà là một lão nông khá gầy gò, khắc khổ. Trong căn nhà sàn đơn sơ, ông cho biết mình tên Phương Văn Lần, vừa qua tuổi 70.
Vết sẹo trên đầu bà Hướng do hổ vồ HOÀNG BÌNH
Hồi tưởng chuyện “đả hổ” ngày trước, ông Lần kể, vào chiều tối 26.3.1987, khi ông vừa làm đồng về, đang ngồi nghỉ mệt thì thấy đứa con trai nhỏ hớt hải chạy về, chỉ tay ra phía sau, miệng lắp bắp “hổ… hổ…”. Tưởng con mình bị hổ đuổi, ông Lần căng mắt quan sát nhưng không thấy gì. Khi trấn tĩnh lại, con trai ông Lần bảo với cha rằng, ở suối cách nhà khoảng 300 mét có một con hổ đang vồ người. Nghe vậy, ông Lần liền vớ cây cuốc phát cỏ, vội vàng chạy đi.

Đến nơi, ông thấy con hổ đang tha một cô gái về phía tảng đá bên kia bờ suối. Ông Lần liền thét lớn, con hổ quay đầu lại nhìn, gầm gừ rồi giơ chân trước lên đe dọa. Biết tính mạng cô gái trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ông Lần liền vác cuốc lao tới đánh hổ tới tấp để giải cứu.
“Khi giáp mặt con hổ, nhắm vừa tầm, tôi dùng cuốc bổ liên tiếp vào đầu nó. Nhát thứ nhất tôi đánh thẳng mặt, nhát thứ hai nó lắc đầu, tôi đánh sượt tai. Đến lần thứ ba, tôi đánh trúng phần gáy thì con hổ gục xuống, tôi liền bồi thêm nhiều nhát. Sau đó, con hổ bị dân làng xẻ thịt, lấy xương nấu cao. Bộ da hổ thì lãnh đạo lâm trường Ia Lốp xin về làm kỷ niệm nên tôi cho luôn”, ông Lần nhớ lại.
Theo ông Lần, thật ra ông chẳng có võ nghệ như người ta đồn đại. “Tôi không có võ gì đâu. Lúc đó, vì gắng cứu người nên quên hết sợ hãi, lao vào đánh, chắc trúng chỗ hiểm nên con thú bị hạ gục. Nghe đâu, con hổ nặng gần 1,5 tạ và khi xẻ thịt, bà con phát hiện một viên đạn trong chân sau của nó”, người đánh hổ chia sẻ.
Kể xong chuyện, ông Lần dẫn chúng tôi đến nhà bà Bùi Thị Hướng (51 tuổi, ngụ xã Ea Rốk), người thiếu nữ năm nào được ông giải cứu khỏi nanh vuốt thú dữ.
Khi được hỏi chuyện hổ vồ, bà Hướng liền vén tóc để lộ ra một vết sẹo lớn trên đầu. Theo bà Hướng, lúc bị hổ tấn công, bà đang là cô gái 20 tuổi, làm công nhân lâm trường Ia Lốp. Hôm đó, bà đi kiểm tra rừng về rồi ra suối tắm. Khi bà vừa đến bờ suối, đặt chậu áo quần lên tảng đá thì con hổ xuất hiện, lao vào tấn công. Trong tình thế nguy cấp, bà Hướng vội nhảy xuống suối, vừa la hét kêu cứu, vừa dùng hết sức chống chọi với con thú dữ.
Bà Hướng kể: “Con hổ chỉ vồ, không cắn nên tôi bị rách một mảng da trên đầu. Nếu nó cắn thì tôi chắc không có cơ hội sống nữa. Bị hổ tấn công khoảng gần chục phút thì tôi kiệt sức hẳn và bị nó lôi lên tảng đá ở bờ bên kia. May sao, bác Lần xuất hiện kịp thời, cứu sống tôi”.
Cũng trong buổi trò chuyện, ông Lần cho biết mấy năm trước, ông có ý định xin lại bộ da hổ để tặng lại cho bảo tàng tỉnh trưng bày. Tuy nhiên, khi thấy bộ da khô bị vỡ, gãy, không nguyên vẹn, ông mong muốn lâm trường Ia Lốp (nay là Công ty TNHH cao su và lâm nghiệp Phước Hòa) nối lại bộ da, nhưng đến nay chưa được toại nguyện.
Ông Phạm Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Ia Jlơi, H.Ea Súp, xác nhận sự việc ông Lần đánh hổ cứu người trên là có thật. “Câu chuyện xảy ra khá lâu, nhiều người đều biết, địa phương cũng ghi nhận về hành động dũng cảm của ông Lần”, ông Long nói.
Bộ da hổ từng bị trộm
Sau nhiều lần năn nỉ, chúng tôi được Công ty TNHH cao su và lâm nghiệp Phước Hòa cho phép tiếp cận bộ da con hổ do ông Lần đánh chết lưu giữ tại đây. Một đại diện công ty cho biết phía đơn vị cũng muốn trao lại bộ da hổ cho ông Lần nhưng quan điểm của công ty là “phải có văn bản, ý kiến của lãnh đạo huyện mới thực hiện chứ không làm tùy tiện được”.
Cũng theo người này, trước đây bộ da hổ từng bị người bên ngoài đột nhập lấy trộm, may là bảo vệ của đơn vị kịp thời phát hiện, truy đuổi nên kẻ gian phải bỏ lại để thoát thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.