Ghé chợ 'nhà giàu' TP.HCM: Đìu hiu mùa dịch Covid-19, buồn thiu ngồi ngóng khách

09/08/2020 09:40 GMT+7

Vì dịch Covid-19 , các chợ truyền thống ở TP.HCM như chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định... rơi vào cảnh đìu hiu do lượng khách giảm hẳn. Nhiều sạp nằm phía trong lại càng vắng vẻ hơn, tiểu thương buồn thiu ngồi ngóng khách.

Dịch Covid-19 khiến người dân dần thay đổi nhiều thói quen, chỉ đến nơi đông người khi có việc thật cần thiết. Vì thế, các chợ truyền thống ở TP.HCM rơi vào cảnh đìu hiu. Sau đợt giãn cách hồi tháng 4, đến giờ việc kinh doanh chưa kịp hồi phục thì một lần nữa, tiểu thương "gặp khó" khi lượng khách đến chợ giảm sâu.

Covid-19 diễn biến phức tạp chợ dân sinh Sài Gòn có biến động gì

'Ế lắm'

8 giờ sáng một ngày tháng 8, PV có mặt tại chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) - được mệnh danh là chợ nhà giàu của người Sài Gòn xưa. Khác hẳn với cảnh tấp nập khách Tây, khách ta như thường lệ, chợ Tân Định nay có phần ảm đạm. Hầu như người đi chợ, tiểu thương đều mang khẩu trang, Ban quản lý chợ cũng thường xuyên đi tuần tra để nhắc nhở bà con về phòng chống dịch.
Tấp nập nhất quanh chợ có lẽ chỉ có khu vực đường Mã Lộ chuyên bán rau, củ, quả, thịt, cá. Nhiều người đi ngang tạt lại vội mua mớ rau, chút thịt, cá rồi vụt đi, chỉ một lượng rất nhỏ là người gửi xe đi chợ.

Cảnh chợ tấp nập phía ngoài chợ Tân Định

Ảnh: Vũ Phượng

Chủ hàng rau cho hay dịch không tác động quá nhiều đến việc buôn bán

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Hoài (bán rau 22 năm ở chợ Tân Định) cho biết, rau là thực phẩm thiết yếu hằng ngày nên dù dịch hay không dịch, lượng khách của bà vẫn khá ổn định. Có chăng chút thay đổi là thời điểm không dịch khách 10 phần, thì nay được 9 phần.
"Ai cũng muốn ăn rau tươi nên thường ngày nào đi chợ mua ngày đó. Quầy rau ngay bên đường, khá tiện nên tôi bán vẫn ổn định ngày qua ngày", bà Hoài chia sẻ.

Bên trong chợ, các quầy hàng vắng bóng người mua

Ảnh: Vũ Phượng

Chỉ toàn người bán đứng sắp xếp hàng hóa, nói chuyện với nhau

Ảnh: Vũ Phượng

Tạp hóa chuyên bán khăn Cô Về cũng ế ấm vì nhiều mối khách sạn không lấy thêm hàng

Ảnh: Vũ Phượng

Khác hẳn với cảnh tấp nập bên ngoài, đi sâu vào phía trong chợ là các quầy đồ khô, tạp hóa, quần áo, giàu dép... vắng bóng khách, chủ yếu là tiểu thương đeo khẩu trang ngồi nói chuyện với nhau hoặc tranh thủ ăn sáng. Đi hết một vòng phía trong chợ, tôi chỉ gặp chừng chục khách đi mua cá khô và vài món đồ linh tinh.

Nỗi lòng người Quảng chợ Bà Hoa ở TP.HCM khi quê hương căng mình chống Covid-19

Chị Minh Uyên (bán tạp hóa trong chợ) than thở: "Có ngày dọn ra rồi lại dọn vào, khách đi vô trong chợ giờ ít lắm. Cả ngày có khi ngồi đó nhưng chỉ bán được vài chục ngàn tiền hàng, còn lại thì ngồi chơi".

Người mua, người bán ở chợ Tân Định tuân thủ quy định đeo khẩu trang

Ảnh: Vũ Phượng

Bà chủ tạp hóa Cô Về chuyên bán khăn cũng chia sẻ, bà dọn hàng ra như một thói quen vì nghỉ ở nhà thì không biết làm gì cho hết ngày. "Có nhiều hôm tôi ngồi đến 11 giờ trưa mới có khách mở hàng. Khách giờ chưa bằng 1/4 thời chưa có dịch nữa, cần lắm người ta mới đi chợ mua khăn thôi. Tôi có một số mối khách sạn, nhà hàng, mà dịch này thì họ có khách đâu mà lấy", bà Về nói.

Hàng ăn trong chợ 'khóc ròng'

Tương tự, tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) chỉ những con đường phía rìa ngoài chợ như: đường Vũ Tùng, đường Bùi Hữu Nghĩa mới tấp nập khách mua bán cùng với dòng xe qua lại. Các hàng bán dọc hai con đường này thường được khách ghé mua đồ vì tiện và nhanh chóng.
Phía bên trong chợ, các sạp được bố trí sát nhau nhưng tiểu thương và người ra vào chợ được Ban quản lý nhắc nhở đeo khẩu trang thường xuyên nên mọi người thực hiện khá nghiêm túc.

Cảnh thường thấy ở những con đường phía ngoài chợ Bà Chiểu

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Kim Sáng (62 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đeo khẩu trang đi chợ tâm sự, ngày nay có nhiều tiệm bán đồ ăn, siêu thị mini mọc lên nhưng bà vẫn thích đi chợ truyền thống theo thói quen, mua ở những hàng quen.
"Ai hạn chế đi chợ, đặt online chứ tui thì không rành, thôi cứ như trước giờ mà làm, mua đồ ăn mấy chỗ quen tui cũng yên tâm hơn. Dịch thì cứ đeo khẩu trang, đi về rửa tay sát khuẩn là chuẩn", bà Sáng bộc bạch.

Khu vực bán hàng khô cũng chỉ toàn tiểu thương ngồi nói chuyện chờ khách

Ảnh: Vũ Phượng

Chị Yến (Chủ vựa khô Kim Nhung) cho biết, quầy của chị có nhiều khách quen, trong đó nhiều quán karaoke thường lấy đồ khô như mực, gà, cá... về cho khách nhâm nhi. Đợt trước giãn cách xã hội, quầy của chị bị ảnh hưởng khá nhiều vì các mối quen không lấy do bị tạm dừng hoạt động. Đợt này khi có dịch trở lại, hàng hóa chỉ bán lai rai, thu nhập không đủ trả lương nhân viên.

Bản tin Covid-19 ngày 9.8: Dốc sức chặn lây nhiễm cộng đồng

Ngồi buồn thiu từ sáng sớm đến tận 9 giờ 30 vẫn chưa có khách mở hàng, bà Bạch Yến (chủ sạp bưởi) thở dài: "Nay ngày rằm mà còn ế như này thì ngày thường biết thế nào được. Dịch ảnh hưởng người dân quá nhiều, mấy bữa nay không ai mua bưởi da xanh đi biếu tặng hay đi chùa cúng kiếng nữa. Các quán karaoke cũng ế khách nên họ lấy bưởi cũng ít hẳn, vài quán quen của tôi đã đóng cửa rồi".

Lối vào ngay cổng chính chợ Bà Chiểu khá vắng khách

Ảnh: Vũ Phượng

Rảo một vòng quanh chợ Bà Chiểu, PV thấy hiu hắt nhất là cảnh ở khu ăn uống, hai dãy ghế inox lạnh tanh nằm nối nhau, chỉ có bóng người qua lại và người bán, hiếm lắm mới thấy có người ngồi lại ăn.
Bà Nguyễn Hồng Loan, bán bánh cuốn 38 năm cho biết, khách đến các quầy ăn ở chợ giảm hơn phân nửa. Mọi thứ sẵn sàng hết, đồ ăn, bàn ghế,... nhưng dọn ra xong cả tiếng sau vẫn chưa có khách đến mở hàng.
Bà Loan lý giải: "Người ta không có tiền để ăn, ai cũng bị ảnh hưởng hết mà. Mình nghĩ cũng phải, ở nhà đổ mì gói ăn có vài ngàn, chứ mua bánh cuốn là hết mất chục ngàn rồi. Sau dịch đợt trước tôi bán có khách lại được hơn 1 tháng thì lại rục rịch có một hai ca nhiễm, rồi xong luôn".

Khu ăn uống trong chợ Bà Chiểu cũng không có khách

Ảnh: Vũ Phượng

Nhớ lại ngày "phồn hoa", bà Loan kể, thời còn khách du lịch quốc tế qua đây, khách Mỹ, khách Úc đi tham quan chợ thường ghé lại hàng bánh cuốn của bà để được nhìn bà tráng bánh ngay tại bàn ăn, chấm ngập trong chén nước mắm do người Việt Nam pha.
"Giờ không có khách nước ngoài, khách vãng lai thì ít, mối thì không có tiền để ăn...", bà Loan ngao ngán. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.