Giữa hạn mặn miền Tây, xúc động tình người san sẻ nước ngọt chờ mưa 'vàng'

27/04/2020 10:51 GMT+7

Làng tôi (H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) nằm bên dòng sông Hàm Luông, cách biển khoảng hơn 60km nên chịu hạn mặn khá gay gắt . Cuộc sống người dân xoay quanh 2 từ vô cùng quý giá... nước ngọt.

Mùa hạn năm nay đến sớm lại kéo dài. Từng giọt nước ngọt được cho đi vào lúc này, làm mát dịu tình làng nghĩa xóm trong lúc chờ đợi một cơn mưa 'vàng'. So với nhưng năm trước, năm nay mùa mặn đến sớm. Trước tết, nước đã bắt đầu lợ và chỉ vài ngày sau đó là nước mặn xâm nhập.
Người dân thiếu dụng cụ trữ nước bởi vì nước mưa vẫn còn trong các cống và mái chứa nên không thể bỏ đi dù biết hạn mặn năm nay sẽ là một cơn ác mộng tái diễn như hồi năm 2016. Ở ấp 1A (xã Thạnh Phú Đông, H.Giồng Trôm), câu chuyện... nước ngọt dường như lấn át mọi thứ khác. Đi đâu, làm gì, người dân cũng không quên... nước.

Dòng kênh đỏ đục phù sa ngày nào dẫn nước vào ruộng đồng đã thay bằng một màu... xanh thẫm. Nước mặn đã len lỏi đi sâu vào tận cùng ao vườn trên khắp xóm làng

Một số hộ gia đình sống ở đất giồng nơi có mạch nước ngầm thường tự đào giếng để có nước mang về sử dụng. Nước từ giếng đào do chảy ra từ mạch không qua xử lý nên rất hôi mùi bùn và chảy rất chậm nên người dân thay phiên nhau đi lấy nước về sử dụng.

Những dòng nước đục ngầu nhưng được người dân chắt chiu đổ vào thùng để mang về cho gia súc, gia cầm uống trong lúc hạn mặn ngày càng khốc liệt mà chưa có hồi kết

Trên đường quê, mặc cho trời nắng đến đổ lửa, hai mẹ con chị Út vẫn đi lấy nước mang về sử dụng. Nhà chị do có chăn nuôi và nhiều nhân khẩu nên một ngày phải đi một hai lần mới có nước đủ xài

Bà ba Be đang nhìn hàng cống của mình không còn miếng nước mà lắc đầu ngao ngán. Chiều nay bà lại kêu người đến đổi nước. Từ đầu mùa hạn tới giờ nhà bà với 3 nhân khẩu đã đổi 6 khối nước. Chi phí cho một khối là 150.000 đồng nhưng đó là nước sông để tắm giặt, sinh hoạt

Anh hai Trung cho biết: ‘’Kinh nghiệm từ đợt mặn năm 2016, từ đầu năm nay khi có biểu hiện mặn sớm tôi đã tranh thủ chứa vào các dụng cụ có sẵn nhưng do hạn hán kéo dài cùng với nắng gay gắt nên có hiện tượng nước bốc hơi cùng với việc sử dụng nhiều gây nên tình trạng thiếu hụt nước ngọt trầm trọng".

Nhà anh hai Trung có 10 cái cống, mỗi cái gần cả khối nước mà đã gần cạn kiệt và phải đi đổi nước về sử dụng

So với nhiều hộ gia đình khác, nhà của anh tám Thư may mắn hơn khi có giếng khoan. Từ đầu mùa tới giờ nhà anh không cần phải đổi nước nhưng nước giếng thường có phèn dù qua xử lý nên nấu ăn và nước uống không được ngon khi đun sôi. Do giếng có sẵn nên hộ gia đình nào cần nước ngọt anh cũng sẵn lòng chia sẻ.

Nhà anh tám Thư có giếng khoan nên anh sẵn sàng chia sẻ nước ngọt với bà con

Nhiều mạnh thường quân đến tặng nước và cả thùng chứa cùng gạo. Người dân sau khi sử dụng hết nước còn có dụng cụ để đi lấy nước ở các nơi cho nước miễn phí.

Anh hai Lam giúp người hàng xóm đẩy hai thùng nước ngọt được tặng trên đường về nhà.

Ông tư Linh từ sáng sớm đã tranh thủ lên UB xã để chở nước ngọt về sử dụng. Từ trưa đến chiều rất đông người đến lấy nước nên ông phải tranh thủ

Mỗi buổi chiều trước khi đi tắm giặt, em Yến Ly được "cấp" 1 thùng nước nhỏ để tắm tráng. Đây là hình thức sau khi tắm nước mặn thì chỉ xối duy nhất một thùng nước ngọt để tráng lại, tránh bị ngứa ngáy vì tắm nước mặn

Còn hạn mặn là còn người cần nước. Còn hạn mặn là còn có người chia sẻ từng giọt nước ngọt đi đến từng nhà, từng xóm làng

Chú Tư liên tục lên mạng cập nhật tình hình hạn mặn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.