Theo phản ánh của độc giả về gờ giảm tốc tự phát, phóng viên Thanh Niên tiếp tục ghi nhận tại hẻm 79 đường Lê Thị Riêng (P.Thới An, Q.12, TP.HCM).
‘Gờ giảm tốc quá dày!’
Theo ghi nhận, đa số những nhà trên con hẻm này đều là biệt thự đóng kín cổng hoặc cho thuê làm công ty. Những nhân viên văn phòng làm việc trên con đường này đa số cho rằng các gờ giảm tốc được sắp xếp dày nên rất bất tiện với người đi đường.
Chị Nguyễn Thị Thoa (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết, con hẻm ngắn nhưng được gắn nhiều gờ giảm tốc khiến mỗi lần chạy xe qua chị đều bị xóc và phải đi thật chậm.
Chị Thoa kể, lần đầu vừa vào hẻm đã đụng ngay gờ giảm tốc khiến tay lái chị loạng choạng. Những lần sau chị đều phải bóp thắng trước mỗi gờ để không bị nảy lên cùng xe.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh (người dân trong hẻm) cho rằng lắp gờ giảm tốc để đỡ xe phóng nhanh thì tốt nhưng đoạn đường này tôi thấy khá an ninh vì ngay cạnh công an phường.
“Cơ bản là người ta lắp dày quá, đoạn này tầm khoảng 2,3 cái là được rồi cho nó giãn ra chứ mỗi lần chạy qua xe cứ bị nảy không chịu được. Nhiều người không để ý chạy qua gờ cao không vững tay lái là té luôn”, ông Đỉnh nói.
|
Theo quan sát, hẻm 79 dài khoảng 250m, có 5 gờ giảm tốc được lắp. Mỗi gờ chỉ cách nhau chừng 40m, riêng hai gờ cuối gần đường Lê Thị Riêng thì cách nhau chưa tới 10m. Những gờ này đều được làm bằng nhựa, cao su, cao khoảng 5cm, rộng khoảng 40-50cm.
Thực tế, đi qua đoạn đường này với tốc độ khoảng 20km/giờ, người viết phải nắm chặt tay lái vì đầu xe bị rung lắc, hai chân để sát mặt đất để giữ thăng bằng.
Bẻ lái né gờ rất nguy hiểm!
Theo quan sát trong khoảng 2 giờ đồng hồ trên tuyến đường này, để “đối phó” với gờ giảm tốc, hầu như mọi người đều chạy xe rất chậm hoặc đi sát phần mép gờ giáp với vỉa hè. Thậm chí, nhiều người còn bất nhờ leo lên vỉa hè.
|
|
Cụ thể, khoảng 11 giờ ngày 14.8, người đàn ông đi xe Wave màu xanh, mặc áo thun xám liên tục đi sát mép đường, đôi khi leo lên luôn phần mép nghiêng của vỉa hè để né gờ giảm tốc.
Đến đoạn đường gần công viên, quán sát thấy không có ai trên lề đường, người này đã vòng hẳn xe lên lề để né một gờ giảm tốc. Ngay sau đó, một người chạy xe ba gác cũng cho xe chạy lên lề để né gờ giảm tốc.
“Đi qua mấy cái gờ này như bị điện giật, khó chịu nhưng người ta làm thì cũng đành leo lên mà đi thôi. Tôi thấy bình thường mấy gờ này chỉ gắn ở đường lớn thôi mà, còn đường trong hẻm này gắn làm gì. Đi chậm rồi mà vẫn giật, như mình đi thì đỡ chứ như mấy mà bầu là khó lắm nên ai cũng phải né”, bà Cao Thị Hằng (ngụ Q.12, TP.HCM) lắc đầu nói.
Ai lắp gờ trong hẻm?
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Thới An (Q.12, TP.HCM) cho biết, hẻm 79 đường Lê Thị Riêng thuộc khu dân cư Đồng Gia.
|
Cách đây vài năm, ở khu vực này có nhiều xe cộ đi lại, nhiều người phóng xe nhanh gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, xe tải từ các nhà máy xung quanh cũng di chuyển nhiều gây ảnh hưởng đến người dân trong khu dân cư.
“Bà con ở đó cũng kiến nghị vì sợ nguy hiểm. Tuy nhiên, về mặt bằng thì khu dân cư này bên chủ đầu tư Đồng Gia vẫn còn quản lý, chưa bàn giao cho phường. Khu này là khu dân cư rất gọn trong một dự án, các xe đi lại ào ào nguy hiểm nên khu dân cư Đồng Gia có gắn mấy gờ giảm tốc này. Phường cũng đang kiến nghị để khu dân cư này sớm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để bàn giao lại để phường quản lý”, ông Hoàng cho biết.
|
|
Là người thường xuyên di chuyển qua hẻm này, ông Hoàng cũng nhận xét những gờ giảm tốc ở hẻm 79 khá cao và dày so với đoạn đường nội bộ ngắn của một khu dân cư. Nhưng, ông Hoàng cho rằng đoạn hẻm này khá ngắn nên cũng khó có chuyện xe chạy vào hẻm với tốc độ nhanh đụng gờ té xe hay tai nạn.
Đại diện Công ty TNHH Đồng Gia thì cho hay, công ty đã bàn giao tuyến đường hẻm này cho địa phương quản lý và việc lắp gờ giảm tốc là do người dân trong hẻm tự lắp.
Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND Q.12 thì cho biết quận không có chủ trương lắp gờ giảm tốc ở hẻm hay khu dân cư. Sau phản ánh của báo, quận sẽ rà soát lại để có biện pháp phù hợp ở hẻm này.
“Nếu thấy gờ giảm tốc là cần thiết, quận sẽ lắp thêm biển cảnh báo trước khi tới gờ, sơn phản quang để đảm bảo an toàn. Còn không cần thiết thì sẽ đập bỏ”, ông Phúc thông tin.
Bình luận (0)