Cưu mang phận mồ côi

03/06/2021 09:24 GMT+7

Sau những giờ căng mình tuần tra, bảo vệ biên cương của Tổ quốc, khi trở về đồn những chiến sĩ biên phòng tại Kon Tum lại hóa thân thành người mẹ, người thầy để chăm sóc, dạy dỗ trẻ em bất hạnh.

Nối nhịp đến trường

Chúng tôi đến miền biên viễn Ia Đal (H.Ia Hdrai, Kon Tum) vào một chiều tháng 3 nắng như đổ lửa. Mùa này, rừng cao su đang vào kỳ rụng lá. Dọc đường đi, những vườn cao su tưởng chừng như đã chết khô, cành cây chĩa lên trời xơ xác, lụi tàn.
Trong cái nắng oi ả, Đồn biên phòng Ia Đal (Bộ đội biên phòng Kon Tum) nằm im lìm dưới những gốc bằng lăng trơ trụi. Đã đợi sẵn từ trước, thượng úy Hoàng Văn Thành, Đội trưởng Đội vận động quần chúng của đồn, chỉ kịp chào khách rồi leo lên xe máy dẫn đường cho cả đoàn đến nhà con nuôi của đơn vị.
Trong căn nhà vách gỗ lụp xụp, bà Lường Thị Xón (42 tuổi, ở thôn 3, xã Ia Dal) uể oải treo mấy bộ quần áo cũ nhàu lên sợi dây vắt ngang góc nhà. Thấy khách, bà Xón lau vội chiếc bàn nhựa cũ thếch rồi mang nước ra mời.
Năm 2012 bà Xón rời quê nhà Lạng Sơn để vào mảnh đất Ia Đal làm công nhân cao su. Tại đây bà gặp rồi kết hôn với một người đàn ông cùng quê. Hai vợ chồng bà Xón là công nhân thời vụ nên chỉ có việc vào mùa thu hoạch cao su. Những ngày hết việc, vợ chồng bà đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Gia đình bà vẫn mãi có tên trong danh sách hộ nghèo của xã. Đến năm 2017, khi bà Xón đang mang trong mình đứa con thứ ba, thì chồng bà qua đời sau cơn bạo bệnh. Lúc bấy giờ đứa con đầu của bà Xón, cháu Hoàng Thị Kim Oanh, mới vừa tròn 6 tuổi, đau đáu giấc mơ con chữ trong bao bộn bề khó khăn.

Đối với cháu, đồn chính là ngôi nhà của mình, còn các chú như cha mẹ của cháu vậy. Cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành người chiến sĩ biên phòng, canh giữ biên cương Tổ quốc như các chú

A Ứng, lớp 5B Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, H.Sa Thầy, Kon Tum

Thông qua công tác vận động quần chúng, Đồn biên phòng Ia Đal nắm được hoàn cảnh của cháu Oanh, đã nhận cháu làm con nuôi. Ngay sau đó, một tổ công tác “đặc biệt” được cử đến nhà bà Xón làm thủ tục, hồ sơ. “Do cháu là con gái nên việc đưa cháu về đơn vị để chăm sóc là một nhiệm vụ bất khả thi. Bởi vậy đơn vị quyết định để cháu ở lại tại nhà, đơn vị sẽ cấp tiền ăn hằng tháng cho cháu. Ngoài ra, cháu còn được đồn hỗ trợ sách vở, bút, thước, quần áo mỗi tháng theo chế độ”, thượng úy Thành cho biết.
Từ năm 2019, cháu Oanh bước vào lớp 1. Từ nhà đến trường trên quãng đường dài hơn 3 km, mỗi buổi sáng trong tuần, một chiến sĩ của đồn sẽ được cử đến nhà chở cháu đi học, đúng giờ tan trường đưa cháu về nhà.
Từ ngày con gái được nhận nuôi, được hỗ trợ tiền ăn hằng tháng, gia đình bớt được một miệng ăn, bà Xón cũng bớt đi một phần gánh nặng. Năm học tới, đứa con trai thứ 2 của bà cũng bắt đầu vào lớp 1. Giống như chị gái, cháu cũng sẽ được đồn nhận làm con nuôi, lo ăn học.
“Các chú, các bác ở đồn giúp đỡ nhiều thứ lắm, hôm trước không có gì đựng nước, đồn mang bồn nước xuống cho dùng. Tết, nhà nghèo không có tiền mua bánh, đồn cũng mang bánh kẹo, gạo xuống cho. Tháng nào các chú, các bác cũng gửi tiền ăn cho cháu. Đồn giúp gia đình nhiều lắm, nếu không có các chú, các bác thì chắc con tôi phải nghỉ học rồi”, bà Xón nhìn ra đồi cao su rụng lá, vừa nói đôi mắt vừa ánh lên tia hy vọng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Mo Rai thay phiên nhau đưa đón A Ứng đi học mỗi ngày

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Trang đời mới của A Ứng

Chiều buông miền biên viễn, chiếc xe máy của chúng tôi dừng lại ở cổng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai, H.Sa Thầy, Kon Tum). Theo tiếng trống tan trường, những đứa trẻ ùa ra cổng như ong vỡ tổ. Xen lẫn trong hàng phụ huynh đứng chờ con là một cán bộ biên phòng trẻ tuổi. Anh là đại úy Lưu Ngọc Anh, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Mô Rai. Đã nhiều ngày qua, anh và đồng đội được giao nhiệm vụ đón đưa A Ứng (lớp 5B) đến trường. Tách ra khỏi đám bạn, A Ứng chạy lại nhanh nhảu chào bố nuôi. Trèo lên xe máy, cậu bé áp mặt vào tấm lưng to lớn của bố, miệng tíu tít kể những chuyện ở trường.
A Ứng nhà ở làng Kênh (xã Mô Rai) cách Đồn biên phòng Mô Rai 6 km. Năm 2017, bố Ứng mất do bạo bệnh khi cậu vừa lên 6 tuổi. Trước cú sốc quá lớn, mẹ Ứng phát bệnh tâm thần rồi bỏ đi đâu chẳng rõ. Kể từ đó, cậu bé sống cùng bà ngoại đã 80 tuổi trong ngôi nhà xập xệ rộng chừng 10 m2. Miếng ăn hằng ngày chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho hộ nghèo. Bởi vậy, ngoài thời gian đến trường A Ứng theo người ta đi nhổ cỏ thuê, mót mủ cao su, nhặt hạt điều đổi gạo.
Nhà cách trường không xa, nhưng chẳng còn cha mẹ, con đường học chữ của A Ứng trở nên gian nan hơn chúng bạn. Nhận thấy hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình A Ứng, Đồn biên phòng Mô Rai đã quyết định làm hồ sơ rồi đưa cậu bé về đồn chăm sóc. Cũng bắt đầu từ đây cuộc đời cậu bé bước sang một trang mới.
Những ngày đầu mới về đồn, tiếp xúc với người lạ A Ứng còn rụt rè, nhút nhát. Biết khó có thể tiếp cận với cậu bé bằng cách thông thường, các cán bộ, chiến sĩ tìm cách rủ Ứng chơi đá bóng, bóng chuyền. Khi cậu bé bước ra sân bóng cũng là lúc cánh cửa giao tiếp bắt đầu hé mở.

Định hướng “kế thừa”

Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum, cho biết ở khu vực biên giới có nhiều cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có trường hợp mất cả cha lẫn mẹ, có trường hợp bố mẹ tàn tật, gia đình không có khả năng để đưa các cháu đến trường. Để hỗ trợ các cháu, 2 năm qua Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đồn trên toàn tuyến biên giới nhận 14 cháu làm con nuôi, lo ăn học.
“Chúng tôi xác định nhiệm vụ lâu dài hơn, sâu xa hơn là định hướng tham gia vào lực lượng bộ đội biên phòng để các cháu có điều kiện trực tiếp bảo vệ biên cương của Tổ quốc”, đại tá Chính nhấn mạnh.
“Ban đầu cháu có tâm lý tự ti mặc cảm đối với các bạn cùng trang lứa, nên anh em trong đơn vị luôn ân cần, động viên nhằm dỡ bỏ tâm lý mặc cảm của cháu. Qua một thời gian học tập tại đơn vị, cháu đã tự tin, hòa đồng cùng với anh em trong đơn vị. Kết quả học tập của cháu cũng có bước phát triển vượt bậc, hạnh kiểm tốt”, đại úy Ngọc Anh hồ hởi kể.
Sau 3 năm ăn, ngủ cùng các cán bộ, chiến sĩ, nếp sinh hoạt của A Ứng như một người lính thực thụ. Tai cậu đã quen nghe tiếng kẻng báo thức buổi sáng. Tay đã quen tưới vườn rau cho đơn vị. Mấy thế võ nhà binh cậu cũng đã khá nhuần nhuyễn. Đến cả bảng kỷ luật, khen thưởng của đơn vị cũng có tên A Ứng. Từ một cậu bé nhút nhát, A Ứng đã trở thành cầu thủ đảm nhiệm vị trí chuyền 2 trong đội hình bóng chuyền của đơn vị. Quý mến người lính tí hon, đơn vị đã ưu ái đặt may cho A Ứng một bộ quân phục để cậu sử dụng trong những lần sinh hoạt chung.
“Từ khi được đơn vị nhận nuôi, cháu được các chú đưa đi học chữ, hướng dẫn làm bài tập. Các chú còn dạy cháu tập võ, làm các công việc phù hợp lứa tuổi. Đối với cháu, đồn chính là ngôi nhà của mình, còn các chú như cha mẹ của cháu vậy. Cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành người chiến sĩ biên phòng, canh giữ biên cương Tổ quốc như các chú”, A Ứng hào hứng.
Khi chúng tôi chia tay các đồn biên phòng để về xuôi, cơn mưa đầu mùa trắng xóa phủ xuống khắp miền biên viễn. Ngày mai, ngày kia và nhiều ngày sau nữa, khi được tưới đẫm nước, chồi non xanh biếc sẽ nhú ra trên những cành cây cao su trụi lá. Và một cuộc sống mới lại bắt đầu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.