Gương sáng biên cương: Người được Thủ tướng khen

27/05/2021 13:02 GMT+7

Sau nhiều năm góp công sức và trí tuệ xây dựng kinh tế vùng biên cương, anh nông dân Phạm Văn Khang (41 tuổi) vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Học việc từ tháng ngày làm thuê

Sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang, kinh tế gia đình không mấy khá giả nên năm 2002, anh Phạm Văn Khang cùng gia đình chuyển vào thôn 8, xã Đắk Buk So, H.Tuy Đức (Đắk Nông) để sinh sống. Những năm đầu khi mới đến Đắk Nông, cuộc sống của gia đình anh vô cùng khó khăn. Vì vốn liếng mang từ Tuyên Quang vào không nhiều nên gia đình anh chọn huyện biên giới Tuy Đức để lập nghiệp. “Khi đó nơi này còn hoang sơ, đất cũng rẻ, hơn nữa chi phí sinh hoạt rất thấp nên mình chọn nơi này để lập nghiệp, định cư lâu dài”, anh Khang kể.
Ban đầu gia đình anh Khang mua được vài héc ta đất để trồng trọt, chủ yếu là trồng cà phê và tiêu. Lúc bấy giờ giá tiêu và cà phê không được cao, nên những lúc bố mẹ không cần phụ giúp thì anh đi làm thuê cho người khác để kiếm thêm thu nhập.
Năm 2005, sau khi cưới vợ, anh được bố mẹ cho 3 ha đất để ra làm riêng. Tuy nhiên, giai đoạn đầu cả 2 vợ chồng vẫn phải đi làm thuê nhằm lấy ngắn nuôi dài. “Cả hai bên gia đình cũng không khá giả gì nên khi hai đứa cưới nhau chỉ được bố mẹ hai bên cho một ít vốn lận lưng thôi. Làm thuê vẫn là cách mà vợ chồng tôi chọn để tồn tại trên vùng đất này”, anh Khang cho hay.
Anh Khang nói rằng, việc đi làm thuê của vợ chồng anh cũng giống như đi học việc mà được người ta trả “thù lao” cho vậy. Cũng chính nhờ những năm tháng đi làm thuê đã giúp anh tích lũy được nhiều kiến thức về nông nghiệp. Từ đó, việc trồng trọt của anh cũng đạt hiệu quả tốt hơn mỗi ngày, cuộc sống bắt đầu khấm khá hơn.

Liên kết với đồng bào thiểu số

Gương sáng biên cương: Người được Thủ tướng khen1

Anh Phạm Văn Khang dành một góc trang trọng trong nhà để treo bằng khen

ẢNH: THANH QUÂN

Nhiều năm sống ở huyện biên giới Tuy Đức, anh Khang thấy được nơi đây đất bazan rất màu mỡ, trồng bất cứ loại cây gì cũng phát triển tốt. Tiềm năng phát triển nông nghiệp là thế, nhưng người dân tại xã Đắk Buk So - nơi anh đang sống - lại chưa biết tận dụng. Hầu hết bà con là người đồng bào thiểu số nên kiến thức canh tác và nguồn vốn để làm nông nghiệp rất ít khiến cái nghèo, cái khổ luôn đeo bám họ.
Trăn trở nhiều đêm, cuối cùng anh Khang nghĩ ra một mô hình làm kinh tế mới ở miền biên cương này. Anh giao đất cho bà con nông dân canh tác, từ các trang thiết bị, cây giống, phân bón cho đến kiến thức, anh đều hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho bà con. Cứ đến kỳ thu hoạch thì lợi nhuận sẽ chia đôi. Như vậy, anh vừa có thể mở rộng mô hình trồng trọt và bà con cũng có kế sinh nhai.
“Nếu mình thuê bà con về làm trả lương theo ngày, mỗi tháng trả 7 - 8 triệu đồng cũng được thôi. Tuy nhiên như vậy dễ dẫn đến tình trạng bà con thiếu trách nhiệm với việc làm, hơn nữa với thu nhập hằng tháng như thế cũng chỉ đủ sống thôi. Nhưng nếu mình giao hoàn toàn đất cho họ rồi cung cấp vốn và kiến thức canh tác, còn họ bỏ công, lợi nhuận chia đôi thì họ sẽ có trách nhiệm với công việc hơn. Chưa kể vào những năm cây trồng được mùa, được giá thì thu nhập của bà con sẽ rất cao, cơ hội đổi đời nhiều hơn”, anh Khang lý giải kỹ hơn về mô hình kinh tế.
Nói là làm, năm 2007 anh Khang bắt đầu kêu gọi được hơn 10 nông dân liên kết với anh. Tuy nhiên khi ấy đất của anh còn quá ít nên phải đi thuê thêm đất.
Vào những năm đầu, mô hình làm kinh tế của anh Khang gặp không ít khó khăn từ nguồn vốn cho đến kinh nghiệm làm việc, lẫn đầu ra cho sản phẩm. Sau mỗi lần gặp khó thì nhóm của anh họp lại với nhau để tìm cách giải quyết. Nhiều lần như vậy, không chỉ vượt qua được khó khăn mà tình cảm của cả nhóm còn ngày một nồng đượm hơn, ruột rà hơn.

Nếu mình giao hoàn toàn đất cho họ rồi cung cấp vốn và kiến thức canh tác, còn họ bỏ công, lợi nhuận chia đôi thì họ sẽ có trách nhiệm với công việc hơn. Chưa kể vào những năm cây trồng được mùa, được giá thì thu nhập của bà con sẽ rất cao, cơ hội đổi đời nhiều hơn

Xây dựng kinh tế bền vững

Vào thời điểm nhóm anh Khang hợp tác với nhau cũng là lúc khoai lang Nhật Bản đang rất được giá. Chính vì vậy, hầu như tất cả diện tích đất của anh đều dùng để trồng loại khoai này. Giai đoạn 2007 - 2012, giá khoai lang Nhật Bản luôn ổn định từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. “Khi đó khoai trồng rất dễ bán, thu hoạch khoai đến đâu là bán hết đến đó. Nhiều gia đình thu nhập hàng chục triệu sau mỗi vụ khoai lang”, anh Khang cho biết.
Với thu nhập cao từ khoai lang Nhật Bản, anh Khang nhanh chóng dùng số tiền lời sau mỗi vụ khoai để mua thêm đất, mở rộng mô hình trồng trọt và mời thêm bà con hợp tác. Tính đến năm 2012, gia đình anh đã mua thêm được hơn 45 ha đất nông nghiệp.
Dù trồng khoai lang Nhật Bản mang lại hiệu quả kinh tế cao, có năm thu hơn tỉ đồng, tuy nhiên anh Khang lại trăn trở về tương lai của giống cây này. “Mặc dù khoai lang Nhật Bản trồng rất hợp với điều kiện tự nhiên ở đây, giá thành khi đó cũng rất cao. Nhưng khi bán ra lại quá phụ thuộc vào các thương lái nhỏ lẻ, dễ bị ép giá”, anh Khang chia sẻ.
Với suy nghĩ “làm giàu là phải bền vững”, anh Khang quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ năm 2013, anh chỉ để lại một ít đất dùng để trồng khoai, còn lại anh chuyển sang trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... Sở dĩ anh chuyển đổi cây trồng đa dạng như vậy là để tránh tình trạng một loại cây mất giá mà cả nhóm phải mất trắng. “Trứng không bỏ vào một giỏ” là “triết lý” mà người nông dân này theo đuổi.
Qua nhiều năm phát triển, hiện tại mô hình đa canh cây trồng của anh Khang đã đạt diện tích hơn 60 ha. Những năm gần đây, ngoài những loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, bơ…, anh Khang còn trồng thêm mắc ca và tạo ra nhiều sản phẩm từ hạt mắc ca mang thương hiệu Macca Tuy Đức của riêng mình. Quá trình sản xuất, anh tận dụng nguồn năng lượng điện mặt trời để vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Đóng góp cho quê hương

Hiệu quả từ những mô hình kinh tế không chỉ giúp anh Khang trở thành một tỉ phú nông dân mà giúp nhiều hộ dân hợp tác với anh có cuộc sống ấm no hơn. Tính đến nay, đã có hơn 20 hộ dân với gần 50 lao động phổ thông đang hợp tác cùng anh. Những lao động này không chỉ là người dân trong huyện biên giới Tuy Đức mà còn có những huyện khác.
Thu nhập trung bình của những lao động vào khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Vào những năm cây trái được mùa và được giá, thì thu nhập cao hơn rất nhiều. Không ít hộ gia đình sau khi hợp tác với anh Khang được vài năm đã có cuộc sống khá giả. Về phần anh Khang, sau khi trừ đi hết các chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về gần 2 tỉ đồng.
Không chỉ chăm lo cho kinh tế gia đình, anh Khang còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và giúp đỡ cho 17 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn tại địa phương. Ngoài ra, anh còn thường xuyên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình cho bà con nông dân trên địa bàn.
Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân H.Tuy Đức, cho biết anh Phạm Văn Khang là một người dám nghĩ dám làm, còn trẻ nhưng làm kinh tế rất giỏi và có nhiều đóng góp cho địa phương. Những năm qua, anh Khang giải quyết được việc làm cho rất nhiều lao động, góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Vừa làm kinh tế giỏi, vừa đóng góp được nhiều cho đời sống người dân địa phương, từ năm 2012 anh Phạm Văn Khang liên tục nhận được bằng khen của UBND tỉnh Đắk Nông và Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông. Năm 2017, anh được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc nhất.
Đáng chú ý, năm 2018 anh Phạm Văn Khang vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có mô hình sản xuất ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Anh Khang vừa được Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.