Hà Nội lập đoàn kiểm tra xử lý hành vi găm hàng, đẩy giá nhu yếu phẩm

Thu Hằng
Thu Hằng
31/03/2020 15:41 GMT+7

Khẳng định Hà Nội đủ nguồn hàng nhu yếu phẩm phục vụ người dân chống dich Covid-19 trong 3 tháng, Sở Công thương thành phố này cho biết sẽ lập đoàn kiểm tra xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, đẩy giá.

Gạo, thịt, rau củ...đều chuẩn bị đầy đủ  

Từ trưa nay, 31.3,  nhiều người dân tại Hà Nội đã đổ xô đi mua hàng tích trữ vì lo ngại sẽ khan hiếm hàng hoá nhu yếu phẩm trong trường hợp Hà Nội cách ly theo chỉ thị của Thủ tướng. Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thành phố đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo các cấp độ của T.Ư và Thành phố nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. 
Trong tháng 3, Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị hàng hóa trong 3 tháng có dịch và lượng hàng hóa hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) với tổng giá trị hàng hóa lên tới 21.500 tỉ đồng.
Những mặt hàng thiết yếu cũng đã được các doanh nghiệp chủ động đảm bảo nguồn hàng hóa tại quầy, kệ, kho trung tâm, kho các tỉnh đảm bảo đủ hàng hóa cho nhân dân, gồm: gạo 836.730 tấn, thịt lợn 167.346 tấn, thịt trâu bò 48.150 tấn, thịt gia cầm 55.782 tấn, trứng gia cầm 1,1 triệu quả, dầu ăn 55.782 lít, gia vị (muối, nước mắm…), rau củ 929.700, hải sản tươi, đông lạnh 46.485 tấn; các sản phầm từ ngũ cốc (mì, miến, bún, cháo ăn liền….) 5,5 triệu gói.
Ngoài ra, các mặt hàng sữa, nước đóng chai, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh… đều đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng. 

Các doanh nghiệp Hà Nội đã chuẩn bị 167.346 tấn thịt lợn phục vụ nhu cầu người dân trong mùa dịch Covid-19

Ảnh T.Hằng

“Sở Công thương cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với đầu mối tại các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm chắc về tình hình hàng hóa, giá cả để kịp thời chỉ đạo các đơn vị bổ sung ngay hàng hóa tại các điểm bán thiếu hàng trong hệ thống; hoặc chỉ đạo các doanh nghiệp khác tổ chức bán hàng lưu động để kịp thời cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhân dân”, ông Thăng nói.
Ngoài ra, Sở Công thương Hà Nội cũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã đảm bảo đủ lượng hàng hóa 4 tại chỗ trên địa bàn, chủ động điều phối các phường, xã thuộc địa bàn. Trường hợp thiếu hàng, các doanh nghiệp khẩn trương điều tiết trong hệ thống để chuyển hành nhanh nhất đến các điểm thiếu.
Trường hợp các điểm mua hàng, nhu cầu mua hàng tăng cao (từ 50-100%) so với ngày bình thường thì tổ chức điều động các đơn vị khác hỗ trợ đưa hàng đến khu vực thiếu, hoặc tổ chức cung ứng hàng lưu động để đáp ứng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu người dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác bán hàng qua kênh thương mại điện tử để hạn chế việc mua sắm, tập trung nơi đông người tránh lây lan dịch

Trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện xây dựng các kho hàng dã chiến

Trước lo ngại về tình trạng găm hàng, tăng giá, Sở Công thương đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu các đội quản lý thị trường thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình thị trường, cung cầu các nhu yếu phẩm. Thành lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ, găm giữ hàng, vi phạm về giá bán, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm… khi dịch bệnh diễn ra.
Đối với các doanh nghiệp, siêu thị, Sở này yêu cầu luôn bố trí hàng hóa đầy đủ tại quầy kệ, trong kho tại siêu thị, tính phương án vận chuyển hàng hóa từ các kho của hệ thống vào Hà Nội đảm bảo nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất.
Các doanh nghiệp xây dựng phương án điều động xe vận chuyển hàng hóa từ các kho của hệ thống vào Hà Nội, giữa các điểm bán hàng, từ các tỉnh về Hà Nội đảm bảo nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất.
Các doanh nghiệp cũng được chỉ đạo phải bổ sung thêm kho dự trữ khi lượng hóa hóa tăng cao. Trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện xây dựng các kho hàng dã chiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.