Dự án thủy lợi Kênh bắc sông Chu - nam sông Mã được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 4.315 tỉ đồng, kéo dài hơn 100 km nhằm phục vụ tưới tiêu cho khoảng 32.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đồng thời thay thế hơn 100 trạm bơm lớn nhỏ dọc tuyến sông Chu, sông Mã, sông Cầu Chày qua sử dụng nhiều năm đã xuống cấp, không còn đảm bảo phục vụ nước ở nhiều vùng.
Trong đó, hợp phần kênh chính thuộc gói thầu xây dựng số 22 qua xã Nguyệt Ấn và một số xã khác của huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) dài 16,5 km. Công trình phải hoàn thành trước 31.12.2017.
|
Trong quá trình thi công, nhà thầu đã dùng mìn phá đá, dồn sức ngày đêm làm việc, trong khi các khu vực nổ mìn chỉ cách nhà dân từ 24 - 50 m.
Do sức ép của mìn, từ giữa năm 2016 xuất hiện nhiều nhà dân bị rạn nứt rồi nứt toác. Đến nay có hơn 150 nhà dân ở các thôn Liên Cơ 1, Liên Cơ 3, Mạnh Thạch, Làng Mán bị rạn nứt, nhiều nhà có thể sập bất cứ lúc nào, nên phải sơ tán đi nơi khác ở. Ngoài ra, việc thi công dự án còn làm ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt, khiến hàng chục hộ dân mất nước giếng.
Bà Hoàng Thị Hằng (38 tuổi, ngụ tại thôn Liên Cơ 1, xã Nguyệt Ấn) có nhà bị nứt, bức xúc nói: “Từ giữa năm 2016, căn nhà 2 tầng của gia đình tôi bỗng dưng xuất hiện nhiều vết nứt chân chim, rồi dần nứt rộng ra có chỗ rộng hơn 2 cm. Giờ nhiều chỗ trong nhà như cầu thang, cột nhà đều bị nứt, hư hỏng...”.
|
Cách nhà bà Hằng không xa, nhà ông Nguyễn Hữu Tư (thôn Liên Cơ 1) mới hoàn thành xây dựng từ đầu năm 2016 vừa dọn đến ở, nhưng cũng từ tháng 6.22016 nhà ông Tư bắt đầu xuất hiện nứt lan rộng khắp nhà.
“Hai bên tường, bếp rồi nền nhà cũng bị nứt, thậm chí cột bê tông cốt thép cũng bị nứt gãy. Ban đầu chỉ là các vết nứt nhỏ, dần dần gia tăng cả chiều rộng lần chiều dài”, ông Tư vừa chỉ vào khu vực nhà bị nứt vừa cho biết.
Do các vết nứt ngày càng lan rộng và nguy hiểm, có thể sập nhà bất cứ lúc nào nên đã có 3 gia đình phải sơ tán đi ở nhờ nhà anh em họ hàng. Những nhà dân còn lại cũng đang hết sức lo lắng, nhà nứt có thể sập bất cứ lúc nào nếu không sớm có biện pháp khắc phục.
|
Cũng do hiện tượng rạn nứt nhà ngày càng lớn, nên nhiều lần người dân bức xúc cản trở việc thi công dự án và đề nghị chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) có phương án đền bù, xử lý khẩn cấp.
Ông Lương Chí Kiên, Chủ tịch UBND xã Nguyệt Ấn cho biết đến thời điểm này người dân báo và chính quyền xã thống kế đã có hơn 150 hộ dân bị nứt nhà. “Do sự việc vượt quá quyền hạn, nên chúng tôi chỉ tổng hợp và báo cáo cấp trên, các ngành liên quan cần nhanh chóng đền bù cho người dân, sớm ổn định cuộc sống”, ông Kiên nói.
|
Trước sức ép về thời gian và những ảnh hưởng của người dân đang phải gánh chịu, ngày 7.11, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã cùng các ngành kiểm tra thực tế, lắng nghe những kiến nghị của người dân.
Ông Quyền đã chỉ đạo các nhà thầu tiếp tục thi công dự án để hoàn thành trước 31.12.2017. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp với chính quyền địa phương tạm dừng việc kiểm đếm, đánh giá thiệt hại. Sau khi gói thầu hoàn thành sẽ đánh giá, kiểm đếm lại toàn bộ những hộ dân bị ảnh hưởng đến nhà ở.
Theo ông Quyền, việc tạm dừng kiểm đếm, đánh giá thiệt hại là do dự án chưa hoàn thành, nhà dân vẫn đang tiếp tục có hiện tượng nứt chưa dừng hẳn nên chờ xong dự án mới làm một thể.
Trước đó, lo lắng việc nổ mìn sẽ làm hư hỏng nhiều tài sản của dân, UBND huyện Ngọc Lặc đã kiểm tra lập biên bản, đồng thời kiến nghị nhà thầu tạm dừng phương án nổ mìn chờ báo cáo tỉnh xin ý kiến.
tin liên quan
Thi công kè hào thành cổ làm sập nhà dânViệc thi công kè hệ thống mương nước quanh thành cổ Vinh (hào thành) đã làm sập 2 nhà bếp và một số nhà dân ở khối 8 (P.Cửa Nam, TP.Vinh, Nghệ An) bị nứt toác.
Bình luận (0)